Là một chuyên gia về phát triển năng lực lãnh đạo, anh Smith đến Việt Nam bằng thị thực công tác dành cho hợp đồng ngắn hạn. Anh dự định ở lại Việt Nam cho tới khi thị thực hết hạn, sau đó cố gắng xin giấy phép cư trú theo diện vợ chồng vì vợ anh là người Việt Nam.
Về lâu dài, anh dự định chuyển sang thị thực dành cho nhà đầu tư và thành lập công ty tư vấn riêng tại Việt Nam. Bởi vậy, anh Smith coi thời gian cách ly sau nhập cảnh này là một cơ hội nghiên cứu kinh doanh, văn hóa và lịch sử của Việt Nam.
"Hơn nữa, đây là thời điểm thích hợp để tập thiền", anh chia sẻ.
Ông Kavin Martinus, 52 tuổi, đến từ Malaysia, cũng ngồi thiền "vài ngày một lần để thư giãn" trong thời gian cách ly ở TP HCM cùng vợ. Ông tới Việt Nam để quản lý hoạt động kinh doanh của công ty tại TP HCM và Hà Nội. Công ty của ông đại diện cho một số hãng bay quốc tế và có kế hoạch triển khai dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không. Doanh nghiệp dự kiến sẽ hoạt động lâu dài tại Việt Nam.
Trước khi hết thời hạn cách ly vào ngày 15/5, Martinus vẫn giữ thói quen dậy sớm vào khoảng 6h sáng, tập thể dục, xem tin tức và ăn sáng. Chiếc TV trong phòng khách sạn đã giúp cuộc sống của ông thêm phần sinh động. Ông còn thường xuyên truy cập các diễn đàn về Việt Nam trên mạng xã hội để cập nhật tin tức.
Martinus vẫn làm việc từ xa. Ông trao đổi email với các đối tác và hoàn thiện một số giấy tờ trực tuyến để tiết kiệm thời gian. Thậm chí, ông còn phỏng vấn các ứng viên qua điện thoại.
Martinus cho biết ông đã cách ly tại ba thành phố trong vòng 6 tháng. Đây là lần thứ ba, có thời hạn lâu nhất, nhưng ông đã chuẩn bị sẵn sàng.
"Tôi luôn mang theo loại cà phê yêu thích và ít đồ ăn nhẹ lành mạnh để giữ tâm trạng vui vẻ", ông cho hay.
Ông Kavin Martinus và vợ trong khu cách ly tập trung ở TP HCM, tháng 5. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cô Abigail Weegram, một công dân Anh 27 tuổi, đang cách ly cùng bạn trai Chris. Họ đến TP HCM để làm việc trong lĩnh vực marketing và dự định ở lại đây trong một năm.
Cô Weegram dành phần lớn thời gian xem Netflix và làm việc từ xa cho một công ty Anh để "giữ nhịp sống bận rộn". Trong khi đó, anh Chris tổ chức các lớp học trực tuyến cho sinh viên quốc tế. Cả hai đều cố gắng dậy sớm và "tận dụng tối đa thời gian trong ngày", trước khi hoàn tất cách ly vào ngày 28/5.
Cô Belle Wns, đến từ Thái Lan, chỉ có thời gian rảnh xem TV hay trò chuyện với bạn bè khi cậu con trai ba tuổi say giấc. Trong khu cách ly tại khách sạn ở TP HCM, cô Wns bận chăm con cả ngày, mong được đoàn tụ với người chồng đang làm việc trên đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Hai mẹ con đã hoàn thành thời hạn cách ly vào ngày 15/5.
Lần đầu tới Việt Nam, cô Weegram thừa nhận rằng cô và người yêu cảm thấy rất chán nản khi thời hạn cách ly 14 ngày đã tăng lên 21 ngày, nhưng cô hiểu đây là điều cần thiết.
Weegram chia sẻ: "Chúng tôi cảm thấy yên tâm khi ở đây". Cô cũng không ngại trải qua nhiều lần xét nghiệm khác nhau vì chúng đều hợp lý. Cô và bạn trai đều chưa được tiêm phòng trước khi đến Việt Nam.
Tuy nhiên, Weegram có một số ý kiến nhằm cải thiện quá trình cách ly. Theo cô, nhà chức trách nên xem xét một số phương án để người cách ly có thể tập thể dục trong khách sạn. Trong trường hợp của Weegram, phòng của cô không có ban công, vì vậy cô chỉ có thể mở cửa sổ khi muốn hít thở bầu không khí trong lành.
Ngoài ra, đồ ăn tại khu cách ly thường xuyên lặp lại, nhiều cơm và chưa đa dạng. Vì khách sạn nơi cô ở cách xa các nhà hàng ở TP HCM, Weegram không thể đặt đồ ăn trực tuyến.
Theo ông Martinus, nếu người cách ly được phép nhận đồ ăn từ bên ngoài, họ sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Ngoài ra, các khách sạn nên bố trí cho mọi người nơi đi bộ và tận hưởng không khí trong lành "một cách thích hợp".
"Tinh thần rất quan trọng. Người ta có thể đổ bệnh hoặc trầm cảm nếu không quen sinh hoạt trong môi trường khép kín suốt nhiều ngày", ông nhận xét.
Dựa vào tình hình dịch hiện tại ở Việt Nam, ông Martinus ủng hộ thời gian cách ly 21 ngày để giảm khả năng lây lan của nCoV.
Abigail Weegram và bạn đời Chris. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Anh Smith cho rằng hình thức cách ly tại khách sạn có thể gây ra các đợt bùng phát nhỏ vì sự cố trong quy trình kiểm soát dịch bệnh của đội ngũ nhân viên.
Trước khi đến Việt Nam, anh đã cách ly tại một khu nghỉ dưỡng ở Seychelles. Anh chứng kiến mọi người được phép đi lang thang quanh khu nghỉ dưỡng, được tương tác với nhân viên và các vị khách khác. Do đó, việc cách ly trở nên vô nghĩa.
Smith đã được tiêm phòng vaccine Covid-19. Anh hiểu rằng một khi virus còn tồn tại trong cộng đồng, đất nước và người dân có thể gánh chịu hậu quả nặng nề.
"Vì vậy, tôi đã chuẩn bị kỹ để tuân thủ tất cả quy định ở Việt Nam", anh nói.