Món rươi nhà tôi - Ảnh tác giả cung cấp
Rươi là món đặc sản của miền bắc, ngày xưa thì nhiều lắm, "nhiều như rươi" là thế. nhưng rươi ngày càng hiếm dần, trở thành thứ quý hiếm tinh túy và tết có món chả rươi thì còn gì "tươi" bằng.
Giống rươi vốn đặc biệt vì không phải ngày nào cũng có, trong dân gian đã lưu truyền kinh nghiệm về thứ đặc sản này. "Tháng chín đôi mươi, tháng mười mùng năm", đó là những ngày rươi nổi lên nhiều nhất. Cứ chớm đông, vào ngày gió bấc se se, những con rươi vào lúc sung mãn nhất của đời mình lại trồi lên mặt nước. Người đi bắt rươi hoặc là sắm lưới hoặc là lấy vợt hớt những con rươi đang mải giao phối với nhau cho vào những chậu nhôm, chậu nhựa. Lũ rươi khi ở trong chậu hãy còn quấn quýt với nhau tạo nên một hợp nhất đặc quánh.
Mẹ tôi vốn là người kỹ tính, ăn rươi chính vụ đã thích nhưng ăn rươi trong dịp tết mới thật đặc biệt. mỗi dịp đầu đông, khi mẻ rươi béo mọng nhất nổi lên, mẹ lúc nào cũng mua để dành, thường sẽ ăn một ít trước, còn lại đúng dịp tết mới mang ra thưởng thức. là thứ của quý khi tiệc tết không thiếu thứ gì, bỗng dưng có đĩa chả rươi lạ miệng thơm lừng, ai gắp một đũa cũng tấm tắc khen ngon.
Rươi tươi vừa vớt lúc gần sáng, mẹ đi chợ chọn mua về, tôi mang rửa sạch, thêm chút vỏ quýt khô giã nhỏ với thịt băm, trứng gà, đánh nhuyễn. Rồi rán vàng ươm lên, có đứng cách xa vài chục mét cũng ngửi thấy mùi thơm nức cánh mũi, đánh thức mọi giác quan của bất kỳ ai. Được cắn miếng nào tỉnh người miếng đó. Mang ra cho ba nhâm nhi cùng chút rượu quê, đúng là đỉnh của đỉnh.
Mà rươi nấu dành ăn tết ở nhà tôi thì ngoài chả rươi còn có thêm rươi kho. cách làm là dùng rươi tươi với thịt xay kết hợp với khế chua, rau răm, rau thì là, thêm hành lá, dăm cánh vỏ quýt và gia vị cho vào nồi gang hoặc niêu đất kho bằng bếp củi riu riu 4-5 tiếng là ra thành phẩm. món này hợp với ngày đông hoặc trời se lạnh thì thực bụng là ăn vài bát cơm có căng phồng bụng vẫn thèm miệng là chuyện bình thường!
Người sành ăn thường cố nhớ những ngày có rươi mà mua cho bằng được. muốn được thưởng thức là cả một sự chờ đợi, mà chờ đợi càng khiến người ta thêm háo hức. nó kích thích cái vị giác, khiến người ta chảy nước miếng khi nghĩ đến mùi chả rươi thơm lừng vào một chiều se rét. món rươi được dọn ra, chả rươi thơm ngạt mũi, canh rươi vị ngọt, sần sật, còn rươi kho với lá gấc tươi ngậy ngậy, mềm mềm khiến người ta đưa cơm lắm lắm.
Người miền Bắc coi rươi là đặc sản của mình, ai đã thưởng thức món ăn đồng quê kiêu sa này một lần thì khó thể quên. Ăn một lần rồi đếm ngày để chờ đợi sang năm. Cũng có rươi trái mùa, cứ cách một con nước lại có một nước rươi, nhưng cái thức trái mùa này có ít và không thơm ngon bằng rươi chính vụ. Cứ đúng vụ rươi độ, đến các chợ miền Bắc cạnh các dòng sông sẽ thấy người ta bán rươi.
Mặc dù tính chất thời vụ và hiếm dần nhưng người ta vẫn muốn ăn rươi quanh năm. rươi tươi cho vào trong ngăn đá có thể bảo quản được vài tháng để ăn dần. người ta trữ rươi vào những hộp xốp đông lạnh, xuất khẩu đi khắp nơi kể cả ra nước ngoài. những người đàn bà như mẹ tôi ở đất rươi thì bao giờ cũng quyết giữ một mẻ rươi ăn tết. tết món gì cũng nhiều, cũng sẵn, nhưng một món đặc biệt của đồng quê mà phải đúng dịp mới được ăn khiến người ta háo hức.
Năm nào tôi cũng về ăn tết với ba mẹ vài ngày, và đúng dịp ấy bao giờ mẹ cũng dành món rươi đãi đứa con đi xa. ăn một miếng rươi ngày tết thấm đẫm hương vị quê nhà, thấy cả cái tình cảm thân thương yêu quý của người mẹ hiền trong đó.