Thứ trưởng Y tế Sathit Pitutecha, người chịu trách nhiệm đối với những lao động bất hợp pháp Thái Lan trở về từ Hàn Quốc theo một chương trình ân xá, nói rằng nhà chức trách y tế có hồ sơ nhận dạng và thông tin liên hệ của của nhóm này và có thể sử dụng để tìm và truy bắt họ. Ông Sathit kêu gọi nhóm người nói trên ra trình diện trong vòng ba ngày, nếu không muốn đối mặt án tù một năm và mức phạt tiền 200.000 baht (khoảng 6.330 USD).
Thái Lan vừa đưa ra quy định sàng lọc mới, theo đó tất cả hành khách người Thái Lan cũng như người nước ngoài đến từ Hàn Quốc sẽ phải qua các điểm kiểm tra y tế ban đầu để trả lời các câu hỏi và được phân chia thành các nhóm để giám sát. Những lao động bất hợp pháp có lịch sử đi lại tới Daegu và Bắc Gyeongsang sẽ được cách ly tại căn cứ hải quân Sattahip ở tỉnh Chon Buri. Những lao động trở về có ít nguy cơ sẽ được đưa tới các địa điểm sàng lọc khu vực để xem xét liệu họ có nên được đưa đến những địa điểm cách ly do Nhà nước chỉ định hay tự cách ly ở nhà. Những hành khách khác được yêu cầu tự cách ly trong vòng 14 ngày và thông báo hằng ngày về tình hình cho nhân viên y tế. Những yêu cầu sàng lọc và thông báo sức khỏe nói trên cũng được áp dụng cho những người tới từ những quốc gia và vùng lãnh thổ có nguy cơ cao do Bộ Y tế công bố, đó là Trung Quốc, Hồng Công và Ma Cao (Trung Quốc), Italy, Iran.
Bộ Ngoại giao Thái Lan mới đây cho biết Văn phòng Nhập cư Hàn Quốc thông báo rằng hơn 5.000 người Thái Lan đã báo cáo với văn phòng trong giai đoạn từ tháng 12-2019 đến ngày 1-3-2020 với mong muốn trở về nước. Số liệu thống kê cho thấy, có ít nhất 140.000 người Thái Lan làm việc bất hợp pháp ở Hàn Quốc, trong khi số lượng lao động hợp pháp chỉ vào khoảng 20.000 người.
Tại Thái Lan cho tới nay đã ghi nhận 50 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có một trường hợp Tu vong. Trước tình trạng thiếu khẩu trang trầm trọng tại các các bệnh viện công, Tổ chức Dược phẩm Chính phủ (GPO) đã thông báo ngừng bán khẩu trang cho người dân và chuyển số hàng họ có cho các bệnh viện. Giám đốc điều hành GPO Withoon Danwiboon cho biết, cơ quan này phải cung cấp toàn bộ số khẩu trang được phân bổ cho các bệnh viện công đang phải đối mặt một cuộc khủng khoảng nguồn cung khẩu trang do dịch Covid-19.
Trước đó, Chính phủ Thái Lan thông qua Bộ Thương mại đã quyết định nắm quyền kiểm soát sản xuất khẩu trang, yêu cầu các nhà máy phải cung cấp 45% sản lượng (600.000 chiếc mỗi ngày) cho trung tâm phân phối của Nhà nước, trong khi phần còn lại sẽ do các nhà máy tự phân phối.
Thái Lan hiện có 11 nhà máy sản xuất khẩu trang trên toàn quốc. Các nhà máy này đang tăng sản lượng từ 36 triệu chiếc/ tháng lên 38 triệu chiếc/ tháng. Ngày 5-3, Bộ trưởng Thương mại Jurin Laksanawisit đã thông qua lệnh ấn định giá bán khẩu trang trong nước là 2,5 baht/ chiếc (khoảng 1.900 đồng). Lệnh này có hiệu lực từ 9-3 và sau đó nếu ai bán khẩu trang cao hơn giá được ấn định sẽ phải đối mặt án năm năm tù giam và mức phạt 100.000 baht hoặc một trong hai mức tù giam và phạt tiền.
Chủ đề liên quan:
bán khẩu trang biển đảo bình luận Bình luận Phê phán cách ly di sản diễn đàn điều tra qua thư bạn đọc du lịch giải pháp giáo dục góc nhìn thứ hai hà nội khẩu trang kinh tế lây từ mẹ sang con nhân ái phạt nặng phát ngôn sống khỏe