Tại cuộc họp, đại diện các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế thế giới, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đánh giá rất cao nỗ lực và sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Bộ Y tế Việt Nam nói chung và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương nói riêng trong việc tổ chức chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19, ưu tiên cho những lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Bà Rana Flowers – Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp Quốc (UNICEF) Việt Nam - cho biết, để chung tay phòng chống COVID-19, UNICEF đã hỗ trợ các quốc gia mua và đặt hàng vaccine, thương thuyết để có vaccine với mức giá tốt. Thông qua chương trình COVAX Facility (Việt Nam là thành viên) mà UNICEF đã hỗ trợ Việt Nam, thời gian tới đây có thể đảm bảo 20% dân số được tiêm vaccine AstraZeneca.
Bà Rana Flowers – Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp Quốc (UNICEF) Việt Nam.
Theo bà Rana, khi Việt Nam đáp ứng đầy đủ khuôn khổ các văn bản pháp lý theo quy định, UNICEF sẽ đưa các lô vaccine đầu tiên hỗ trợ cho Việt Nam qua chương trình COVAX. Theo đó, trong tháng 3 sẽ có thêm 1,2 triệu liều và tháng 4 có 2,8 triệu liều.
Cuộc họp được tổ chức ngay sau khi những mũi tiêm vaccine đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 sáng 8/3.
Trả lời câu hỏi của báo chí quốc tế về kế hoạch tiêm vaccine cho những tỉnh nằm ngoài danh sách 13 tỉnh được ưu tiên sẽ tiêm đợt 1 như thế nào, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, trong 117.600 liều vaccine đầu tiên về Việt Nam cuối tháng 2, Bộ Y tế đã có kế hoạch phân bổ về tới 13 tỉnh/thành (có bệnh nhân COVID-19) và các cơ sở điều trị COVID-19. Kế hoạch tiêm tại các địa phương do chính UBND các tỉnh này quyết định, dưới sự chỉ đạo chuyên môn của cơ quan y tế.
Đối với các tỉnh nằm ngoài 13 tỉnh/thành trong đợt 1, kế hoạch phân bổ và tiêm vaccine sẽ tuỳ vào lượng vaccine Việt Nam nhận được, dựa trên tinh thần Nghị quyết 21 của Chính phủ về mua và sử dụng vaccine.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn.
Việt Nam hiện đang nghiên cứu và phát triển 3 loại vaccine COVID-19, dự kiến nếu kết quả thử nghiệm thành công, Việt Nam sẽ tự sản xuất được vaccine vào cuối năm 2021, đầu năm 2022.
"Dựa trên số lượng vaccine có được, Việt Nam sẽ triển khai dần từng bước, theo thứ tự ưu tiên của Nghị quyết 21 của Chính phủ. Cố gắng bao phủ tiêm vaccine cho toàn bộ đối tượng có chỉ định trong năm 2021-2022" – Thứ trưởng nói và cho biết, với người nước ngoài ở Việt Nam, cơ quan chức năng sẽ họp bàn với đại sứ các nước tại Việt Nam để có kế hoạch cụ thể.
Bà Rana Flowers trò chuyện với nữ điều dưỡng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, sáng 8/3, trước khi những mũi tiêm đầu tiên được tiến hành. Ảnh: Lê Bảo
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, đợt tiêm vaccine phòng COVID-19 lần này là khởi đầu cho chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với hơn 100 triệu mũi tiêm được thực hiện trên toàn quốc.
"Đây là sự đầu tư rất lớn của Chính phủ để phòng, chống dịch hiệu quả, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân trên cả nước" – GS.TS Trần Văn Thuấn cho hay.
Nhấn mạnh không có vaccine nào an toàn 100% và không có vaccine nào có tác dụng phòng bệnh 100%, do vậy, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định muốn bảo vệ xã hội khỏi nguy cơ mắc COVID-19, đồng thời với tiêm chủng cần thực hiện tốt khuyến cáo 5K của Bộ Y tế (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập và khai báo y tế).
Cập nhật đến 11h ngày 8/3, đã có 41 nhân viên y tế tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 được tiêm vaccine AstraZeneca phòng COVID-19.
Chủ đề liên quan:
vaccine COVID-19