Kinh tế xã hội hôm nay

Thanh Hóa: Nhà thầu “lờ” lệnh Ủy ban, cả ngàn hộ dân khát nước

MangYTe - Nằm dọc đôi bờ sông Mã nhưng nhiều năm qua, hàng nghìn hộ dân xã Hoằng Quang và Hoằng Đại (TP Thanh Hóa) phải sống chung với nguồn nước ô nhiễm, không đảm bảo an toàn. Ước mơ về nguồn nước sạch như bao địa phương khác của họ đang ngày càng xa vời, mờ mịt...

Người dân dọc bờ sông Mã các xã Hoằng Quang, Hoằng Đại (TP Thanh Hóa) thiếu nước sạch do dự án chậm triển khai. Ảnh: Gia Hân

Thiếu nước sinh hoạt

Trong những ngày dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp với bao mối lo thì với người dân hai xã Hoằng Quang và Hoằng Đại (TP Thanh Hóa) còn đó một nỗi lo thường trực khác, đó là thiếu nguồn nước sạch để dùng. Ông Nguyễn Văn Trung ở thôn Vĩnh Trị 2 (xã Hoằng Quang) cho biết, để có nước sạch sử dụng, không chỉ gia đình ông mà hàng nghìn nhân khẩu nơi đây phải khoan giếng để lấy nước sinh hoạt dù biết cách làm này không đảm bảo cả về chất lượng nguồn nước cũng như ảnh hưởng đến nền địa chất. Nếu người dân đồng loạt khai thác nguồn nước ngầm thì hệ lụy sụt lún với một xã giáp ranh sông Mã là khó tránh khỏi. Trong khi đó, để nguồn nước giếng khoan đưa vào sử dụng được, người dân bắt buộc phải đầu tư thêm những công trình xử lý phụ trợ khác như: Bể lắng lọc, máy bơm...

"Việc khoan giếng, đầu tư công trình xử lý nước phụ trợ làm tiêu tốn của mỗi hộ dân vài chục triệu đồng. Thế nhưng, dù tốn tiền nhưng vẫn không có nguồn nước để dùng khiến chúng tôi rất lo lắng cho sức khỏe của mình", ông Trung tâm sự.

Không phải hộ dân nào cũng có điều kiện để khoan giếng và đầu tư hệ thống xử lý nước sinh hoạt đảm bảo cho sức khỏe. Đối với những hộ khó khăn, việc đi xin nước từng ngày là chuyện không hiếm. Một hộ dân (đề nghị không nêu tên) cho biết: "Gia đình tôi đi xin nước sạch ở xã bên, chỉ dám dùng để ăn uống, còn nước sử dụng để tắm rửa, giặt thì phải lấy từ nguồn nước sông Mã. Vậy nhưng, mỗi khi mùa lũ về, nước sông Mã đục ngầu nên không thể dùng được, chúng tôi lại phải đi xin hoặc đi mua nước khắp nơi.

"Đối với những hộ sản xuất, kinh doanh phải sử dụng nhiều tới nguồn nước sạch thì việc bỏ tiền mua nước với giá cao đang khiến họ gặp nhiều khó khăn. Hơn lúc nào hết, chúng tôi mong các cấp, các ngành quan tâm giúp người dân sớm có nước sạch để dùng", hộ dân này mong mỏi.

Cùng chung tâm trạng mong ngóng nước sạch, chị Trương Thị Son (ở xã Hoằng Đại) dẫn chúng tôi ra công trình xử lý nước của gia đình và nói: "Nhìn những mảng bám nhiễm phèn, nhiễm sắt ố loang khắp các thành bể chứa, bể lọc, máy bơm hoen gỉ… mà chúng tôi bất lực. Kinh tế gia đình có hạn nên tình trạng bảo dưỡng hệ thống xử lý nước sinh hoạt thủ công này không được thường xuyên. Từ đó dẫn tới chất lượng nước sinh hoạt không đảm bảo, nhưng chúng tôi vẫn phải sử dụng thôi. Đã nhiều lần người dân kiến nghị trong các cuộc tiếp xúc cử tri, phản ánh lên thành phố, lên tỉnh nhưng tình trạng này vẫn chưa được xem xét, giải quyết. Cứ đà này không biết đến bao giờ chúng tôi mới có nước sạch để dùng".

Chờ đến bao giờ?

Được dùng nước sạch là mong mỏi của người dân bấy lâu nay.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Tùng- Chủ tịch UBND xã Hoằng Quang cho biết: "Tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt của người dân xã Hoằng Quang xảy ra trong nhiều năm nay. Hiện 100% hộ dân phải sử dụng nước giếng khoan bị ố vàng, nhiễm phèn nặng. Chính quyền xã cũng đã nhiều lần đề nghị cấp trên nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời. Giờ đây, giải pháp duy nhất của xã là vận động bà con mua máy lọc nước sử dụng".

Theo chúng tôi tìm hiểu được biết, ngày 20/4/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Hệ thống nước sạch nông thôn liên huyện của Công ty CP Việt Thanh VnC, phạm vi cấp nước cho một số xã trong đó có xã Hoằng Quang, Hoằng Đại, với tổng mức đầu tư đã điều chỉnh là 261,24 tỷ đồng. Trong đó công trình xây dựng nhà máy nước tại huyện Hoằng Hóa có diện tích 24.800m², công suất nước sạch 6.500 m³/ngày đêm, gồm các hạng mục: Lắng sơ bộ, công trình xử lý, bể chứa nước sạch, nhà trạm bơm hóa chất, bể chứa bùn… Dự án khởi công tháng 7/2018 và dự kiến hoàn thành, đi vào hoạt động vào tháng 12/2019. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư đã nhiều lần điều chỉnh vị trí xây dựng nhà máy nước sạch, dẫn đến chậm tiến độ.

Ngày 10/7/2019, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Công văn số 8786 yêu cầu Công ty CP Việt Thanh VnC khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư xây dựng. Đồng thời, trên cơ sở bản vẽ thi công mạng lưới đường ống nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Công ty phải triển khai thi công mạng lưới đường ống cấp nước đến hai xã Hoằng Quang, Hoằng Đại và hoàn thành trước ngày 31/12/2019. Nếu đến hết ngày 31/12/2019, Công ty không hoàn thành mạng lưới đường ống nước đến hai xã theo đúng tiến độ cam kết, UBND tỉnh sẽ chấm dứt hợp đồng với công ty và giao UBND TP Thanh Hóa lựa chọn phương án khác để triển khai cấp nước sạch cho hai xã bảo đảm ổn định đời sống cho người dân.

Mặc dù Công văn UBND tỉnh Thanh Hóa ấn định thời gian như vậy, nhưng đến thời điểm hiện tại, dự án gần như vẫn "án binh, bất động". Đến bao giờ hàng nghìn hộ dân hai xã Hoằng Quang và Hoằng Đại có nước sạch vẫn đang là câu hỏi chưa có câu trả lời?

Gia Hân

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/xa-hoi/thanh-hoa-nha-thau-lo-lenh-uy-ban-ca-ngan-ho-dan-khat-nuoc-20200411010659084.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY