Nỗi nhớ thúc giục, vội vào phần tìm kiếm gõ hai từ “Mường Khương”, tôi tình cờ xem được những hình ảnh sắc nét, độc đáo mà đồng nghiệp ở Đài PT-TH Hà Nội ghi lại về chợ phiên xuân nơi biên giới địa đầu Mường Khương của tỉnh Lào Cai.
Phiên chợ xuân từ lâu đã trở thành một nét đẹp văn hóa trong tiềm thức của người dân tộc vùng cao. Nơi đây ngoài việc người bán, người mua có thể trao đổi hàng hóa, giao lưu văn hóa với nhau thì cũng đã trở thành địa điểm hẹn hò của những chàng trai, cô gái để rồi trong những ánh mắt tình tứ, trong những cái nắm tay thật chặt, họ đã nên duyên vợ chồng. Những hình ảnh lãng mạn ấy từ lâu đã đi vào trong văn học, âm nhạc và báo chí nước nhà.
Đối với một phóng viên đã từng một đôi lần đặt chân đến Mường Khương thì thấy mảnh đất này thật cuốn hút. Cuốn hút bởi ở đó có những con người hiền lành, chất phác, mến khách, cuốn hút bởi tiếng đàn tròn tha thiết cùng dân ca Pa Dí tha thiết mà bất cứ ai đặt chân đến cũng phải lưu luyến, bồi hồi. Và mỗi khi rời xa nơi đây, trái tim ta lại thổn thức và đôi chân ta lại giục giã về với vùng biên này. Ở đây, cũng là “mảnh đất thơ” nơi sinh ra nhà thơ dân tộc Pa Dí nổi tiếng Pờ Sảo Mìn. Tôi vẫn nhớ, sau khi được nhà thơ Pờ Sảo Mìn dẫn lên thăm cột mốc biên giới 144 ở xã Sín Tẻn, đi sâu vào bản làng dân tộc Pa Dí, đến nhà nghệ nhân hát dân ca Pa Dí nổi tiếng Pờ Chin Dín..., tôi đã viết được một phóng sự ngồn ngộn thông tin trên chuyên đề An ninh Thế giới của Báo Công an Nhân dân với tựa đề: “Khám phá “linh hồn” của dân tộc Pa Dí”.
Thật vui mừng và hạnh phúc khi bài báo được đăng tải, soạn giả Mai Văn Lạng, Trưởng phòng Dân ca và nhạc cổ truyền Đài Tiếng nói Việt Nam, một nhà báo có tình yêu lớn với dân ca và nhạc cổ truyền dân tộc, đã nhắn tin cho tôi: “Chính những bài báo như này đã truyền niềm tin và động lực cho anh tiếp tục say mê và nhiệt huyết với âm nhạc dân tộc, tiếp tục sáng tạo trong việc đưa những chương trình hay, hấp dẫn, chất lượng trên cánh sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam”. Còn em Pờ Sử Mai, người dân tộc Pa Dí, hiện đang là sinh viên Ngành Bác sĩ đa khoa, Đại học Y dược Thái Nguyên đã rất xúc động khi “linh hồn” của dân tộc mình được lên phương tiện truyền thông đại chúng. Có thể nói với một người làm báo khi sản phẩm báo chí của mình được công chúng đón nhận luôn là một điều tuyệt vời nhất, ngọt ngào nhất mà không phải nghề nghiệp nào cũng có được.
Nhưng rồi ký ức đẹp đẽ ấy lại có dịp được “thổi bùng” trong tôi khi xem một chương trình ý nghĩa của Đài PT-TH Hà Nội trong dịp xuân Canh Tý này. Ở đó, tôi đã được “gặp lại” những gương mặt nghệ sĩ quen thuộc, như nhạc sĩ Đoàn Bổng, nhà thơ Bàng Ái Thơ và tất nhiên không thể thiếu nhà thơ Pờ Sảo Mìn. Ấy là phóng sự thực hiện khi gần đây nhạc sĩ Đoàn Bổng đã phổ nhạc bài thơ “Vợ chồng đi chợ xuân” của cố thi sĩ Bàng Sĩ Nguyên. Bằng giai điệu vui tươi, bài hát “Vợ chồng đi chợ xuân” của nhạc sĩ Đoàn Bổng đã thể hiện niềm hạnh phúc, phấn khởi của vợ chồng người dân tộc Mông trong ngày hội xuân, trong phiên chợ xuân. Bài hát mở đầu với tiếng sáo Mông, cho người nghe cảm nhận về những đỉnh núi mờ sương cùng tiếng nhạc ngựa trong sương sớm, những nét nhạc mang đậm nét vùng cao trong sáng, phóng khoáng như con người và thiên nhiên nơi đây.
Nhớ về Mường Khương trong những ngày này, tôi lại rưng rưng khi nhớ cuộc trò chuyện cùng dược sĩ Bùi Thị Mỵ, là em gái của liệt sĩ, nhà báo Bùi Nguyên Khiết, với bao nỗi mất mát, đau thương mà cuộc chiến biên giới đem đến cho gia đình bà. Vậy là đã 41 năm kể từ ngày người chiến sĩ, nhà báo ấy hy sinh, đó cũng là từng ấy năm Đảng, Nhà nước và nhân dân ta có những hoạt động thiết thực tưởng nhớ về sự hy sinh anh dũng của lớp lớp chiến sĩ trên mặt trận biên giới phía Bắc vào mùa xuân năm 1979. Trong những chiến sĩ hy sinh năm ấy thì liệt sĩ Bùi Nguyên Khiết là người thật đặc biệt, vì vốn dĩ anh là một nhà báo, một nhà báo say nghề, tận tâm với công việc nhưng do tình hình chiến sự căng thẳng, anh đã đồng thời cầm cả chiếc máy ảnh và cây súng. Sự hy sinh của anh khiến cho lớp nhà báo thế hệ hôm nay thêm nhiều chiêm nghiệm về sự nghiệp cầm bút của mình, về trách nhiệm với công chúng, với xã hội và cao hơn hết là với Tổ quốc yêu dấu.
Và qua phương tiện thông tin đại chúng và nhất là qua báo Nhà báo và Công luận, tôi còn biết được hiện nay đã có những nhà báo vẫn đang tiếp bước nhà báo Bùi Nguyên Khiết trong tuyến đầu thông tin tại Mường Khương nói riêng và toàn tỉnh Lào Cai nói chung.
Có thể kể đến như nhà báo Quốc Hồng (cơ quan thường trú Báo Nhân Dân tại Lào Cai) “thắt lòng” tác nghiệp vùng lũ và anh quan niệm khi chứng kiến thiên tai thì bản thân người cầm bút sẽ không chỉ truyền tải thông tin dừng lại ở con số, chạy sau các sự kiện mà còn có những cảnh đời, những thân phận. Còn nhà báo Tuấn Ngọc (Báo Lào Cai) tác nghiệp trong điều kiện địa hình, khí hậu vô cùng khắc nghiệt, khó khăn nhưng qua chia sẻ của anh thì đúng là gian nan không cản được bước chân của nhà báo. Tôi cũng thực sự thấm thía với quan niệm làm báo của anh rằng: “Hiểu, cảm thông và chia sẻ với cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số qua các tác phẩm, mang tới bạn đọc cái nhìn cận cảnh về những miền đất xa xôi nhất của một tỉnh vùng cao biên giới”.
Và có thể nói trên mảnh đất “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” còn thật nhiều nhiều nữa những nhà báo như Quốc Hồng, Tuấn Ngọc. Họ vẫn ngày đêm bám sát cơ sở, kịp thời phản ánh thông tin đến công chúng một cách xác thực nhất, sinh động nhất. Chắc chắn nghề báo với họ không chỉ đơn thuần là công việc mà còn là cả một sự nghiệp, một sự nghiệp nhân văn mà đòi hỏi mỗi nhà báo phải tác nghiệp bằng tình yêu nghề nghiệp lớn lao, bằng trách nghiệm nghề nghiệp cao cả và bằng trái tim nóng hổi của người cầm bút.