Tháp vốn là kiến trúc riêng của Phật giáo, nhưng trong quá trình lịch sử đã trở thành những thắng cảnh thờ Phật ở ngoại vi thành phố, hoặc trở thành tháp phong thủy. Trung Hoa còn giữ được hơn 3.000 tòa tháp các loại.
Tất cả những tòa tháp cổ còn lưu lại đến ngày nay đều là kết tinh trí tuệ của nhân dân lao động, cũng là sự biểu hiện lịch sử nền văn hóa huy hoàng của dân tộc Trung Hoa. Người Trung Hoa đã dựng lên những tòa tháp trong khuôn viên tự viện theo nhiều hình dạng khác nhau với vật liệu là gỗ, hoặc đá và gạch được sử dụng phỏng theo vật liệu gỗ. Khi đạo Phật bắt đầu thịnh hành từ thời Đông Hán (năm 25 sau Công Nguyên) thì chính là lúc những tự viện có tòa tháp trang nghiêm phóng lên khoảng không trở thành các trung tâm sinh hoạt của tăng ni Phật giáo đồ.
Theo kinh sách, tòa tháp xuất hiện sớm nhất ở Trung Hoa là tòa tháp được xây dựng trong một ngôi chùa ở tỉnh Giang Tô vào năm 193, có sức chứa 3.000 người. Kế đến là Tháp gỗ Thích Ca ở chùa Phật Cung (huyện Ứng, tỉnh Sơn Tây), có 5 tầng, chiều cao 67,31 mét, tầng nào cũng có tượng Phật, xung quanh có hành lang xoáy trôn ốc. Còn phải kể đến tòa tháp xuất hiện ở Giang Nam, được xây dựng vào thời Tam Quốc được gọi là tháp Tự A Dục Vương. Các loại tháp khác như: Tháp Bảo Tọa Kim Cương là loại tháp có nhiều tháp nhỏ trên một đài cao, được đặt nhiều tượng Phật. Ngoài ra còn có những tháp kiểu Miến Điện của dân tộc Thái ở tỉnh Vân Nam, hao hao giống giống tháp Bảo Tọa Kim Cương. Tháp Lạt Ma ở Tây Tạng, Nội Mông có thân giống bảo bình, bên ngoài màu trắng muốt trông lại thật vững chãi.Về sau, có tháp Mật Thiền, tầng một cao, tầng hai trở lên mái hiên trùng nhau, chân tháp có hình tứ giác, lục giác hoặc bát giác, nền tháp có trang trí hoa văn, cây cối…
Theo ghi chép trong lịch sử thì Trung Hoa có 4 tòa tháp nổi tiếng là: Tháp Vĩnh Minh Tự ở cách Lạc Dương khoảng 15km, được xây dựng năm 516 nằm trong khuôn viên chùa Vĩnh Minh, tháng 2 năm 534 tòa tháp bị cháy, nay chỉ còn lưu lại chân tháp. Tháp Đồng Thái Tự ở Thiên Nam Kinh, được xây dựng vào cuối thế kỷ VI, nhưng chỉ mười năm sau thì bị hỏa hoạn, người đời sau đã trùng tu lại thành tòa tháp 12 tầng. Tháp Đại Từ Ân Tự ở Tây An được xây dựng từ đầu đời nhà Đường, nằm trong khuôn viên chùa Từ Ân cách thành phố Tây An ( Thiểm Tây) về phía Nam 4 km. Và tháp Đại Báo Ân Tự ở Nam Kinh, được xây dựng vào đời nhà Minh (1431), cao 33,6 mét, gồm 9 tầng, và 5 mặt đều là kính với 152 quả chuông các loại…
Vào ngày 15 tháng 12 năm 1994, Bộ Bưu chính Viễn thông nước CHND Trung Hoa đã có phát hành một bộ tem “Nghệ thuật kiến trúc tháp cổ Phật giáo Trung Hoa”. Đây là bộ tem gồm 4 mẫu, đưa hình ảnh 4 tháp cổ nổi tiếng ở bốn tỉnh khác nhau:
Để ý, ta sẽ thấy các con dấu hủy trên cả 4 tấm Card-Maximum khác nhau: Tháp Đại Nhạn được đóng dấu Tây An-Thiểm Tây, tháp Trấn Quốc đóng dấu Tuyền Châu-Phúc Kiến, tháp Lục Hòa đóng dấu Hàng Châu – Triết Giang, và tháp Hựu Quốc được đóng dấu Khai Phong-Hồ Nam, nhưng cả 4 con dấu đều cùng ngày phát hành.
Tháp Đại Nhạn, tức tháp Đại Từ Ân Tự, được xây dựng vào năm thứ ba đời Đường Cao Tông, được xem là “kiệt tác hùng vĩ của nền kiến trúc cổ Trung Hoa”. Năm 625 đời Đường Cao Tông, vị sư trụ trì chùa Từ Ân chính là Huyền Trang (về sau trở thành nhân vật Tam Tạng nổi tiếng trong truyện Tây Du Ký) đi thỉnh kinh Phật ở Ấn Độ trở về, được vua ban thưởng rất trọng, trong đó có việc cho tu sửa tòa tháp trong khuôn viên chùa. Tên cũ của tháp là Từ Ân, sau vì có một con chim nhạn lớn từ trên trời sa xuống và ch*t trên tháp, nên được gọi là Đại Nhạn. Tháp được xây bằng gạch, với dáng hình vuông, ban đầu cả tòa tháp chỉ có 5 tầng, sau được nâng cấp thành tòa lầu các 7 tầng, rồi được trùng tu thành tháp 10 tầng, nhưng sau bị chiến tranh tàn phá mất 3 tầng, nên chỉ còn lại 7 tầng với chiều cao 64,1 mét cho đến ngày nay.
Tháp Trấn Quốc, còn gọi là Tây Tháp, nằm trong khuôn viên chùa Khai Nguyên. Cần biết rằng, chùa Khai Nguyên được xây dựng từ thời Đường năm Thùy Củng thứ 2 ( 686), danh tiếng ngang với chùa Quảng Tế ở Bắc Kinh và chùa Linh Ẩn ở Hàng Châu. Chánh điện chùa được gọi tên là “Tử Vân Đại Điện” có gần 100 cây cột đá làm trụ đỡ, nên thời xưa gọi là “chùa Trăm Cột”, phía sau chùa có Giới đàn được tôn là một trong 3 Giới đàn lớn nhất Trung Hoa.Vì chùa có đến hai tòa tháp nằm ở ngoài hành lang cách nhau 200 mét ở hai phía đông tây, nên tháp Trấn Quốc còn gọi là Tây Tháp để phân biệt với tòa tháp kia là tháp Nhân Thọ - Đông Tháp. Hai tháp Đông Tây còn được gọi là “Tử Vân Song Tháp”, được người đời ngợi ca như hai hạt minh châu của Mân Nam, và là biểu tượng độc đáo của thành Tuyền Châu. Tháp Nhân Thọ được xây dựng từ cuối thời Đường, tháp Trấn Quốc được xây vào thời Ngũ Đại Thập Quốc, về sau cả hai toà tháp đều được xây lại bằng đá, và trở thành những kiến trúc bằng đá rất quý báu từ thời cổ đại còn lại cho đến ngày nay.
Tháp Lục Hòa được xây dựng năm 970 trên sườn núi Nguyệt Luân bên sông Tiền Đường. Tương truyền rằng các sư tăng trong chùa đã xây lên tòa tháp này để trấn áp các loài thủy quái dưới sông. Qua hơn 1.000 năm lịch sử với bao binh biến thăng trầm, tháp Lục Hòa đã được trùng tu rất nhiều lần, lúc mới xây có 9 tầng cao hơn 50 trượng, đến năm 1121 tháp bị thiêu trụi và bỏ hoang phế trong một thời gian rất dài. Năm 1153, tháp được xây dựng lại với thời gian thi công kéo dài đến 11 năm ròng, đầu năm 1163 mới hoàn tất. Từ đó về sau tháp còn trải qua nhiều lần tu bổ khác, và hình dáng tháp chúng ta được thấy hiện nay là kết quả của cuộc đại trùng tu vào năm 1990. Tuy qua nhiều lần tu sửa như vậy, nhưng tháp Lục Hòa vẫn giữ được dáng vẻ cổ kính u trầm của thời Bắc Tống. Tháp được xây bằng gạch, kết hợp với các kết cấu gỗ. Toàn bộ tháp như một tòa lầu nhỏ hình bát giác, chiếm diện tích khoảng 1,5 mẫu với chiều cao 59,89 mét, gồm cả thảy 13 tầng. Mỗi tầng có 8 diềm mái với 104 góc mái, mỗi góc mái treo một quả chuông nhỏ, tổng cổng có 104 quả chuông. Ở giữa mỗi tầng là một buồng nhỏ, xung quanh có hành lang. Từ tầng dưới lên tầng trên có thang gỗ chạy theo hình xoáy trôn ốc, đi theo bậc thang có thể lên đến tầng trên cùng của tòa tháp để ngắm nhìn toàn cảnh trên sông Tiền Đường thơ mộng. Mỗi khám thờ ở mỗi tầng trong lòng tháp đều có một công trình nghệ thuật tuyệt mỹ với các họa tiết trang trí đa dạng phong phú rất sống động. Phần diềm mái của mỗi tầng tháp cũng được trang trí hoa văn tinh xảo công phu. Đặc biệt, mặt Bắc của tòa tháp còn bảo tồn được phiến đá ghi bút tích của vua Càn Long: “Đăng Khai Hóa Tự Lục Hòa Tháp Ký”.
Tháp Hựu Quốc có nghĩa là “tháp ở chùa Hựu Quốc”, còn tên gọi khác là Tháp Sắt, nằm ở phía đông bắc thành phố Khai Phong nổi tiếng với nhân vật lịch sử Bao Công –“Thiết Diện Vô Tư”, được xây dựng từ thời Tống (năm 959). Xưa, tháp được xây bằng gỗ, cao 360 mét với 13 tầng, được trang trí bằng vàng và đá quý thật lộng lẫy, là một tháp Phật sáng nhất nhất kể từ khi Phật giáo truyền bá vào Trung Hoa. Năm 1044, tháp bị sét đánh hỏng, nhà Tống cho trùng tu lại bằng cốt sắt, xây bằng gạch men nâu sẫm, pha sắc tía, trên lợp ngói lưu ly, trông rắn chắc như sắt thép nên người đời mới gọi là Tháp Sắt. Thân tháp có 8 mặt được ốp bằng 28 loại gạch men màu nâu sẫm với nhiều hình dạng khác nhau. Mặt ngoài của tháp có đến 50 họa tiết hoa văn trang trí như: Phật ngồi, tiên đồng, ngọc nữ, kỳ lân, sư tử, rồng, hoa quý, nhạc công, sư tăng… Trên đỉnh tháp có đặt bình báu bằng đồng, treo quanh các tầng tháp có đến 104 quả chuông nhỏ như ở tháp Lục Hòa. Lòng tháp rỗng, có xây tâm trục cùng những bậc thang uốn lượn dẫn lên đỉnh tháp. Lên đến tầng 5 của tháp là đủ để ngắm nhìn được toàn cảnh thành phố Khai Phong, lên đến tầng thứ 7 sẽ nhìn thấy được con đê lớn ven sông Hoàng Hà, và lên đến tầng 9 thì con sông Hoàng Hà hiện ra trước mắt như một dải lụa uyển chuyển luồn qua những hàng cây xanh um…
Cả 4 tòa tháp chùa trên đều là di sản văn hóa, di tích lịch sử rất cần được bảo tồn kỹ lưỡng bằng sự tôn kính chân thành của đất nước Trung Hoa, và đó còn là những pháp bảo vô cùng quý báu của Phật giáo trên toàn thế giới.
Chủ đề liên quan:
Những tháp cổ Phật giáo ở Trung Hoa Những tháp cổ Phật giáo ở Trung Quốc phật giáo Tháp cổ Phật giáo ở Trung Quốc trung hoa