Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai chủ trì cuộc họp trực tuyến chiều 11-3 các biện pháp cấp bách khi Bình Thuận có bốn trường hợp mắc Covid-19.
Theo đó, bệnh nhân 36 sinh năm 1946, trú tại phường Lạc Đạo, TP Phan Thiết (Bình Thuận), giúp việc cho BN 34. Bệnh nhân có biểu hiện sốt. Bệnh nhân 37 là nữ, sinh năm 1983, trú xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc, là nhân viên của BN 34. Bệnh nhân có biểu sốt. Cả hai bệnh nhân này được cách ly tại Khu cách ly Trung đoàn Bộ binh 812 ở thị xã La Gi và đã được đưa về cách ly và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận ngay trong chiều 11-3.
Bệnh nhân 38 là nữ, sinh năm 1993, trú phường Đức Thắng, TP Phan Thiết, nhân viên ngân hàng, là con dâu của BN 34. Bệnh nhân có biểu sốt, ho. Hiện đang được cách ly và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận.
Ngay trong chiều 11-3, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bình Thuận họp trực tuyến với các địa phương các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch. Cùng dự cuộc họp có ông Lê Xuân Huy, Phó Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Việt, Giám đốc Sở Y tế Bình Thuận cho biết, sáng 11-3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận (CDC Bình Thuận) phối hợp với các địa phương rà soát, xác định được 21 tiếp xúc gần với bệnh nhân 34 và được đưa đi cách ly tập trung tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung đoàn Bộ binh 812 ở thị xã La Gi. Trong số này, có ba có kết quả dương tính virus Sars-CoV-2 kể trên. Đồng thời tiến hành rà soát và xác định được 17 tiếp xúc gần (F1) với ba bệnh nhân mới phát hiện mắc Covid-19 để đưa đi cách ly tập trung. Các tiếp xúc gần (F2) với các F1 đang được tiếp tục rà soát lên danh sách để giám sát tự cách ly tại nhà. CDC Bình Thuận cùng với các địa phương tiến hành phun Thu*c, xử lý môi trường tại nhà, khu vực chung quanh các này.
Cũng theo bác sĩ Việt, các trang thiết bị, vật tư y tế hiện đủ dùng cho các lực lượng trực tiếp thực hiện công tác phòng, chống dịch điều trị từ y tế cơ sở đến tuyến trên.
Doanh trại Trung đoàn Bộ binh 812 (Bộ CHQS tỉnh Bình Thuận) tại thị xã La Gi được triển khai làm khu vực cách ly tập trung đối với các trường hợp nghi nhiễm Covid-19 của tỉnh Bình Thuận.
Đại tá Chu Văn Tấn, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết, tại vùng biển huyện Tuy Phong hiện có hai tàu nước ngoài quốc tịch Hồng Công (Trung Quốc) và sáu tàu Việt Nam neo đậu tại khu vực cảng Vĩnh Tân. Lực lượng biên phòng không cho người nước ngoài rời khỏi tàu vào đất liền.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quý Bùi Thế Nhân đề xuất UBND tỉnh xem xét, cho khẩn trương áp dụng một số giải pháp sau: tạm dừng cấp phép người nước ngoài ra đảo Phú Quý; khuyến khích người nước ngoài còn đang ở đảo Phú Quý sớm về lại đất liền. Không thực hiện thủ tục cho người Việt Nam đi du lịch tại đảo Phú Quý cho đến khi có thông báo mới. Khuyến cáo nhân dân nếu không có việc cần thiết thì không nên ra, vào đảo Phú Quý trong thời gian cả nước đang tập trung phòng, chống dịch.
Ông Lê Xuân Huy, Phó Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang tham gia ý kiến đánh giá rất cao tỉnh Bình Thuận đã có tinh thần chuẩn bị tình huống phòng dịch cấp độ 3 và tình huống xấu hơn nữa. Về cách ly tập trung, Bình Thuận cần có hướng dẫn, tư vấn, động viên khuyến khích các trường hợp đưa vào cách ly tập trung, cần phải làm thật tốt và chu đáo trước khi chuyển đến cơ sở cách ly y tế cũng như cách ly tập trung. Về cơ sở khám chữa bệnh, cần lưu ý xem lại khu điều trị bệnh nhân tại tuyến tỉnh; cần có khu cấp cứu tại chỗ không thể di chuyển, bố trí phương tiện thiết bị cấp cứu điều trị bệnh nhân tại chỗ, hạn chế tối đa việc chuyển người bệnh từ phòng cách ly sang khu vực khác, đồng thời cũng bảo đảm chống lây nhiễm đối với nhân viên y tế. Đồng thời,cần phải chuẩn bị sẵn đội phiên dịch tiếng nước ngoài để khi cần tiến hành điều tra, cách ly đối với người nước ngoài.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh chuyển công tác phòng chống sang cấp độ cao hơn thực hiện phòng, chống dịch với tinh thần quyết liệt, đồng bộ. Cần có thái độ ứng xử diễn biến tình huống dịch bệnh phức tạp hơn, vừa cương quyết nhưng phải bình tĩnh, không chủ quan, mục tiêu không để dịch lây lan. Chủ động trong mọi tình huống với phương châm “bốn tại chỗ”. Cần phải công khai, minh bạch thông tin để người dân nắm bắt, chủ động phòng, ngừa. Tăng cường công tác giám sát, phát hiện các trường hợp nghi nhiễm Covid-19 để theo dõi. Thực hiện ngay một số biện pháp phòng, chống dịch trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Dừng các hội nghị chưa thật sự cần thiết để hạn chế lây lan dịch.
Các địa phương, đặc biệt là TP Phan Thiết và hai huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam rà soát lại kịch bản, các tình huống, kể các phương án cô lập khu vực, khu phố. Đối với các trường hợp được đưa về khu cách ly tập trung của tỉnh, tránh tiếp xúc lây chéo, phải xây dựng phương án cách ly tại huyện; đối tượng trong danh sách F1, F2, F3 có biểu hiện bệnh bắt buộc phải cách ly tại cơ sở y tế. Tiếp tục chỉ đạo xác lập sớm danh sách các trường hợp F1, F2, F3 tổ chức theo dõi gám sát, thực hiện tiêu độc khử trùng các khu vực có nguy cơ cao.
Chủ đề liên quan:
biển đảo biện pháp bình luận Bình luận Phê phán bình thuận Các biện pháp cấp bách Covid 19 COVID_19 di sản diễn đàn điều tra qua thư bạn đọc du lịch giải pháp giáo dục góc nhìn thứ hai hà nội kinh tế lây từ mẹ sang con mắc COVID 19