Môi trường hôm nay

Ô nhiễm môi trường

Thêm cẩn trọng, thêm quyết tâm trên “tuyến đầu thông tin Covid-19”

(NBCL) Lệnh cách ly toàn xã hội trong 15 ngày vừa được ban bố nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch, trên tuyến đầu thông tin, những người làm báo vẫn tác nghiệp, làm việc ngày đêm với mong muốn cung cấp thông tin chính xác, kịp thời và hữu ích cho người dân.

Thêm một phóng viên bị dương tính với Sars-Cov-2, người làm báo giữa tâm dịch thêm cẩn trọng, thêm quyết tâm trong trận chiến chống lại dịch bệnh với tâm thế an toàn thông tin, an toàn sức khỏe.

Ca nhiễm bệnh tăng dần tỷ lệ thuận với áp lực của nhà báo

Áp lực với thông tin về dịch bệnh, cập nhật từng giờ, từng phút, từng giây về dịch bệnh đã khiến cơ quan báo chí căng mình với thông tin. Hằng ngày để đưa những tin nóng hổi đến được với người dân kịp thời, các phóng viên tác chiến trên mọi mặt trận, từ việc tham gia các buổi họp báo với Chính phủ, đến chạy sô ra từng điểm nóng, thậm chí sẵn sàng tiếp cận các điểm cách ly để ghi lại thông tin về tình hình của bệnh nhân, trực tiếp phỏng vấn nhiều chuyên gia nghiên cứu về dịch tễ học để thông tin cho mọi người có cách phòng chống bệnh dịch hiệu quả nhất... 

Nhà báo Tuyết Mai - phóng viên Thông tấn xã Việt Nam chia sẻ rằng, khi Hà Nội có bệnh nhân COVID–19 đầu tiên, đơn vị của chị cũng như cả “làng báo” đều sôi sục. Sau đó dịch tại Thủ đô được nâng lên cấp độ báo động mới và số ca nhiễm bệnh đang tăng dần lên theo từng ngày cũng tỷ lệ thuận với áp lực đối với những nhà báo. Chị và đồng nghiệp thường xuyên phải làm việc cả ngày lẫn đêm, và ngày nào cũng phải làm việc đến muộn mới về đến nhà, thậm chí ngồi nhà cũng phải theo dõi thông tin và tiếp tục làm việc nếu có thông tin mới, chỉ có vậy mới đảm bảo có những thông tin sớm nhất cho người dân. Không chỉ vậy, chị và đồng nghiệp cũng chuẩn bị với trạng thái sẵn sàng bất cứ lúc nào để đi trực tiếp tác nghiệp tại hiện trường, sẵn sàng đối mặt với bệnh dịch.

Áp lực không chỉ dừng ở việc chống dịch Covid-19 mà song song với đó họ phải “chiến đấu” ngày đêm với những nguồn tin thất thiệt, tin giả. Để làm được việc đó, các nhà báo vẫn phải thường xuyên, nắm bắt tìm kiếm những bài viết được đăng bởi những KOLs, những thông tin giả của bất cứ một cá nhân nào được phát tán rộng và từ đó bác bỏ những thông tin thất thiệt này trên báo mình cũng như trên mạng xã hội. Đồng thời, họ phải lên kế hoạch gia tăng các bài viết để định hướng, giúp người dân phân biệt tin giả và đặc biệt là bớt hoang mang, lo sợ bởi đại dịch thế kỷ này. 

Theo nhà báo Tuyết Mai, hiện nay môi trường trên mạng xã hội đang bị ô nhiễm bởi sự gia tăng về số lượng tin giả, chị cũng như các đồng nghiệp khác đang phải đặt ra những kế hoạch để có những tuyến tin bài phản biện lại những thông tin thất thiệt, định hướng xã hội, với mong muốn góp phần giữ gìn môi trường thông tin sạch cho người dân.

Thông tin là cần thiết nhưng quan trọng nhất vẫn là an toàn

Những ngày này, phóng viên Duy Khánh - ban Điện tử, báo Kinh tế Đô thị chia sẻ rằng, việc tác nghiệp trong đại dịch dường như đã thay đổi mọi thứ không như những sự kiện thông thường khác. Ngoài lấy tin tức, điều quan tâm hàng đầu của anh là sự an toàn. Anh không thường xuyên đến cơ quan, chủ yếu ở nhà, khi nhận nhiệm vụ của Trưởng ban anh lấy máy quay kèm theo khẩu trang và găng tay y tế. Duy Khánh cho biết: “Gần đây nhất tôi thực hiện quay ở khu vực Bệnh viện Bạch Mai, vì đảm bảo an toàn cho mình và người khác, tôi chỉ tác nghiệp ở vòng ngoài, giữ khoảng cách với những người xung quanh”. Theo phóng viên Duy Khánh, để thông tin không bị nhàm chán, anh và đồng nghiệp còn phỏng vấn thêm những người dân sống xung quanh bệnh viện và cơ quan chính quyền ở khu vực đó. Nội dung các cuộc phỏng vấn chủ yếu tập trung vào các biện pháp phòng tránh dịch, xem họ còn có những khó khăn gì không?... Trong đó tập trung nêu bật những khuyến cáo chỉ đạo từ phía chính quyền. Sau khi tác nghiệp xong, Duy Khánh bỏ khẩu trang và găng tay y tế vào thùng rác theo quy định rồi mới về nhà thay quần áo và tắm giặt. “Phải lo cho mình và vợ con đầu tiên đã, thực hiện đúng quy trình thì mình sẽ yên tâm hơn” – Duy Khánh nhấn mạnh. 

Phóng viên là nghề vất vả, phóng viên tác nghiệp trong mùa dịch càng vất vả hơn, thậm chí có những lúc còn rơi vào tình huống nguy hiểm. Như phóng viên Trần Ngọc Nam, ban Media - báo Tuổi Trẻ tác nghiệp trong “điểm nóng” của dịch bệnh lúc này chẳng hạn. Thời điểm tôi gọi điện để phỏng vấn anh cũng chính là lúc anh đang tác nghiệp tại một điểm lấy mẫu gửi xét nghiệm của một bệnh viện. Ngọc Nam chia sẻ: “Đây không phải lần đầu tôi thực hiện tác nghiệp ở khu vực lấy mẫu. Cách đây gần một tháng, tôi có thực hiện tác nghiệp ở khu vực lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại sân bay Nội Bài trước khi những vị khách của chuyến bay này được đưa đến khu vực cách ly tập trung. Một tuần sau mới biết trong số chuyến bay mình tác nghiệp lại có khách dương tích với Covid-19. Vì thế, ngay sau thông tin đó tôi đã thực hiện tự cách ly tại nhà, luôn theo dõi sức khỏe của mình xem có biểu hiện gì khác thường không”. 

Khi được hỏi về việc truyền clip, hình ảnh về tòa soạn, Nam cho biết: “Khác với các anh chị làm tin chỉ gõ text gửi về cơ quan, tôi phải dựng clip ngay tại nơi tác nghiệp. Thậm chí có lần vừa phải ngồi trên ô tô, xe máy để dựng và truyền dữ liệu về để kịp đăng tải cho độc giả. Vất vả nhưng trong quá trình làm việc được luôn được cơ quan ủng hộ và động viên”. “Đặc biệt khi tham gia vào các điểm nóng như sân bay, bệnh viện hay khu cách ly tập trung... tòa soạn luôn trang bị cho mũ, quần áo, khẩu trang để phòng chống dịch cũng như bản thân luôn chú ý tác nghiệp một cách an toàn, hiệu quả” - Ngọc Nam chia sẻ thêm. 

Còn với phóng viên Trần Hữu Khoa – báo điện tử VnExpress tác nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh cũng vậy. Anh cho biết anh là phóng viên ảnh nên thường xuyên phải đến trực tiếp thậm chí vào tận các điểm có người bị lây nhiễm để đưa tin, anh và những phóng viên mảng y tế của báo đã phối hợp và cố gắng hết sức đưa những thông tin kèm theo hình ảnh đầy đủ nhất, chân thực nhất và nhanh nhất có thể cho bạn đọc. 

Các phóng viên tác chiến tại hiện trường luôn phải động viên nhau, dù thông tin là cần thiết nhưng sức khỏe và sự an toàn vẫn luôn là điều quan trọng nhất. “Một kinh nghiệm tôi luôn nằm lòng để tác nghiệp khi có dịch bệnh là tuân thủ những hướng dẫn của bác sỹ về bảo hộ, trang bị đồ dùng bảo hộ. Để đưa thông tin chính xác, độc quyền và nhanh nhất thì phải liên kết với nguồn tin để có thể tác nghiệp ở nơi mà sẽ rất ít phóng viên được tiếp cận. Sau khi đã có hình ảnh độc quyền thì nhanh chóng sử dụng smartphone để xử lý hình ảnh và gửi bài về tòa soạn” – Hữu Khoa chia sẻ. 

Có thể nói rằng, trong cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19 chưa có hồi kết này, những người làm báo, đội ngũ nhà báo phóng viên đang rất nỗ lực trên mặt trận tin tức. Với sự nhiệt huyết và trách nhiệm, họ luôn tích cực trên trận tuyến thông tin, để cung cấp những thông tin chính xác nhất, kịp thời cũng như phản biện chống lại những thông tin giả, mang đến thông tin sạch cung cấp cho công chúng. Trong cuộc chiến chống “giặc Covid-19”, những người cầm bút Việt Nam không đứng ngoài cuộc...

Huy Hoàng - Viết Tâm 

Mạng Y Tế
Nguồn: Công luận (https://congluan.vn/them-can-trong-them-quyet-tam-tren-tuyen-dau-thong-tin-covid-19-post75864.html)

Tin cùng nội dung

  • Những bất lợi do dùng Thuốc gây ra được gọi chung là “PHẢN ỨNG CÓ HẠI CỦA Thuốc” (người nước ngoài gọi ADR
  • Phát hiện sớm và can thiệp sớm trước tuổi đi học có thể tác động to lớn tới khả năng học các kỹ năng và sự hòa nhập xã hội của trẻ tự kỷ.
  • Chào Mangyte! Em là sinh viên ở Quận 5. Bác sĩ cho em hỏi là xét nghiệm HIV ở Viện Pasteur giá khoảng bao nhiêu và bao lâu có kết quả? Đi đến đó thì mình có được đảm bảo kết quả và giữ bí mật thông tin người bệnh? Mong nhận được câu trả lời sớm nhất của Mangyte ạ! Em chân thành cám ơn! (Châu Nguyễn - Quận 5 - TPHCM)
  • Bệnh tiểu đường (hay đái tháo đường) là danh từ dùng để chỉ một nhóm các bệnh lý ảnh hưởng đến cách cơ thể sử dụng đường trong máu, thường đặc trưng bởi tăng đường máu.
  • Động kinh là bệnh của hệ thần kinh trung ương trong đó hoạt động của tế bào thần kinh bị rối loạn, biểu hiện bởi những cơn co giật (cơn động kinh) với những hành vi, triệu chứng, và cảm giác bất thường, bao gồm cả mất ý thức khi lên cơn.
  • Bệnh sarcoidosis (sarcoidosis) là hậu quả sự phát triển các ổ viêm nhỏ tại nhiều cơ quan khác nhau của cơ thể - thường nhất ở phổi, hạch bạch huyết, mắt và da.
  • Sau đây, kênh Mạng Y Tế xin giới thiệu: Thông tin về Bệnh xơ cứng bì. Xin mời các bạn cùng tham khảo.
  • Hen phế quản (bệnh hen hay hen suyễn) là tình trạng đường dẫn khí bị hẹp và phù nề cũng như tăng tiết đàm nhầy. Điều này làm việc thở khó khăn và dễ gây ho, khò khè và thở hụt hơi.
  • Huyết áp thấp có thể gây ra các triệu chứng chóng mặt và ngất xỉu. Trong những ca bệnh nặng, huyết áp thấp có thể đe dọa đến tính mạng.
  • Bệnh ung thư, bạn đang muốn tìm hiểu để biết rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng và điều trị ung thư
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY