Thông tin trên báo Tuổi Trẻ, một nhóm nhà nghiên cứu Hồng Kông cho hay họ đã phát minh một thiết bị có hiệu quả kinh tế giúp xác định virus corona chủng mới (2019-nCoV) chỉ trong 40 phút.
Ông Ôn Duy Giai (Wen Wei Jia), giáo sư vật lý tại Đại học khoa học kỹ thuật Hồng Kông (HKUST) và là người dẫn đầu nhóm nghiên cứu, thông tin cụ thể, thiết bị này kiểm tra các mẫu chất lỏng cơ thể và theo nhóm nghiên cứu trên là có thể phát hiện virus corona chủng mới nhanh hơn công nghệ hiện tại. "Điểm tốt nhất là thiết bị này nhanh và có thể xách tay".
Ông Ôn cho biết thêm, thiết bị này đã được đưa vào sử dụng tại 2 thành phố ở Trung Quốc là Thâm Quyến cùng Quảng Châu, và ít nhất một bộ thiết bị đang được gửi đến tỉnh Hồ Bắc, trung tâm bùng phát dịch. Vị giáo sư này nói: "Chúng tôi đã gửi thiết bị này tới nhiều nơi và hi vọng mọi người có thể sử dụng nó".
Bước đột phá này được công bố trong bối cảnh giới chuyên gia cảnh báo tình trạng thiếu hụt các bộ dụng cụ xét nghiệm ở Trung Quốc đại lục.
Giáo sư Ôn kể lại, nhóm nghiên cứu của ông đã vào cuộc chế tạo một thiết bị kiểm tra như trên vào tháng trước. Họ đã sử dụng các nguồn lực từ phòng thí nghiệm của ông Ôn ở Thâm Quyến, thành phố nằm sát Hồng Kông.
Các thiết bị kiểm tra truyền thống trong phòng thí nghiệm thường mất từ 90 phút tới 3 giờ để xác định virus corona chủng mới, bằng cách sử dụng một phương pháp trong quá trình kiểm tra ADN có tên Phản ứng chuỗi Polymerase (PCR).
Hiện phương pháp PCR cũng được sử dụng trong các cuộc kiểm tra của Trung tâm bảo vệ sức khỏe Hồng Kông và mất tới khoảng 3 giờ mới kiểm tra xong.
Nguyên lý của phương pháp này là khuếch đại ADN của mẫu và phát hiện ARN của virus. Tuy nhiên, mẫu cần được gia nhiệt và việc gia nhiệt nhanh hay chậm sẽ ảnh hưởng tới tốc độ kiểm tra.
Thiết bị phản ứng PCR truyền thống sẽ tăng từ 4 - 5 độ C mỗi giây. Tuy nhiên, với phương pháp mới được dùng trong thiết bị của nhóm nghiên cứu Hồng Kông, tốc độ gia nhiệt có thể nhanh tới 30 độ C/giây. Do đó, thời gian phát hiện virus có thể giảm từ 1,5 - 3 giờ xuống còn 40 phút, trang Minh Báo dẫn lời giải thích của ông Ôn.
Giáo sư Ôn cho biết, nhóm của ông bắt đầu nghiên cứu sau khi nhận được một mẫu virus corona từ Trung tâm kiểm soát dịch bệnh ở Bắc Kinh, Trung Quốc hôm 20/1.
Thông tin thêm về thiết bị trên, tiến sĩ Cao Nhất Bác (Gao Yi Bo), một người tham gia dự án cho biết, thiết bị mới có độ chính xác cao miễn là mẫu được lấy chính xác và được thiết kế để sử dụng ở những nơi bên ngoài bệnh viện cũng như phòng thí nghiệm. Thiết bị này dài 33cm, rộng 32cm và cao 16cm, mỗi lần có thể kiểm tra cùng lúc 8 mẫu.
Các nhà nghiên cứu trên thế giới đang tăng tốc chế tạo thiết bị mới giúp quá trình kiểm tra bệnh nhanh hơn. Việc phát hiện một người nhiễm virus corona chủng mới sớm đang là vấn đề mà nhiều nơi quan tâm.
Liên quan tới các thiết bị phát hiện sớm virus corona, báo VnExpress đưa tin, trước đó tại Việt Nam, TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội truyền nhiễm, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đề xuất, Việt Nam phải tự sản xuất sinh phẩm để chủ động việc kiểm tra. Test kit phải tự làm không thể chờ quốc tế hỗ trợ. Khi có bộ kit, Việt Nam có thể chủ động sàng lọc các ca nghi vấn để cách ly.
Ông Kính cũng cho biết thêm, sau việc sản xuất bộ kit, cần có nghiên cứu tổng thể về bệnh viêm phổi do virus nCoV.
Đồng quan điểm, PGS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP. HCM cho rằng, việc chủ động sản xuất test kit giúp rút ngắn thời gian phát hiện bệnh nhân.
Còn theo PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho đơn vị có năng lực và trình độ nghiên cứu sản xuất nhanh bộ kit test, đồng thời nghiên cứu dịch tễ học về bệnh này.
Chủ đề liên quan:
corona dịch viêm phổi Vũ Hán Dịch virus Corona hồng kông phát hiện phát hiện virus Phát hiện virus corona thiết bị thiết bị phát hiện virus corona virus corona