Theo Tổng cục Thống kê, giá các mặt hàng thực phẩm 4 tháng đầu năm 2020 tăng 13,65% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI tăng 3,08%. Trong đó, giá thịt heo tăng 61,5% so cùng kỳ năm trước đã làm CPI tăng thêm 2,58%.
Hiện tại, giá heo hơi ở mức 75.000-90.000 đồng/kg, giá thịt bán lẻ trên thị trường từ 140.000-180.000 đồng/kg. Nếu giá thịt heo tiếp tục đứng ở mức cao như vậy sẽ là áp lực đối với lạm phát năm 2020. Riêng thịt heo chiếm 4,2% trong “rổ” tính toán CPI hàng tháng.
Tổng cục Thống kê cho rằng chi phí trung gian trong giá thành thịt heo hiện chiếm tỷ lệ lớn từ 70-90% giá heo hơi. Vì vậy, giá thịt heo trong nước vẫn ở mức cao dù thịt heo hơi giảm. Tại các chợ truyền thống, giá thịt heo hiện vẫn được bán phổ biến ở mức cao từ 110.000-170.000 đồng/kg tùy loại.
Như vậy, việc ổn định CPI đang dồn “gánh nặng” vào việc đưa giá thịt heo hơi về mức 60.000-65.000 đồng/kg. Đây cũng là yếu tố quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% năm nay.
Chính phủ và Thủ tướng đã tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, cơ quan chức năng và địa phương tập trung thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi, tăng cường tái đàn, cân đối cung cầu để điều hành giá thịt heo năm 2020 về mức từ 60.000 - 65.000 đồng/kg. Điều này nhằm đảm bảo lợi ích tiêu dùng, doanh nghiệp cũng như ổn định vĩ mô.
Tuy nhiên, Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn) nói rằng nguồn cung thịt heo đang thiếu hụt do dịch tả heo châu Phi nên giá khó giảm. Báo cáo của các địa phương cho thấy đến hết tháng 2 năm nay, tổng đàn heo của cả nước đạt gần 24 triệu con, chỉ tương đương 74% so với tổng đàn heo trước khi có dịch tả heo châu Phi.
Đáng chú ý, hiện nay 15 doanh nghiệp chăn nuôi heo quy mô lớn chỉ chiếm thị phần 35% heo thịt, dù các doanh nghiệp này cam kết đưa giá heo hơi về mốc 70.000 đồng/kg từ 1.4. Trong khi đó, 65% thị phần còn lại nằm ở các doanh nghiệp nhỏ, trang trại, hộ nông dân chưa đồng bộ xuống giá. Do vậy, các biện pháp bình ổn trong thời gian qua chưa đủ sức để kéo giá heo xuống 70.000 đồng/kg.
Không những vậy, heo hơi xuất chuồng đến tay người tiêu dùng phải qua 2-5 khâu trung gian nên làm giá tăng gần 43%. Mặt khác, giá thức ăn chăn nuôi hỗn hợp tăng trên 10%; chi phí phòng chống dịch bệnh tăng cao do phải áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, Thu*c sát trùng… cũng làm giá heo hơi tăng.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng để kéo giá thịt heo xuống phải tập trung tái đàn một cách nhanh chóng, kết hợp với bảo đảm an toàn, tránh dịch bệnh, hướng tới khả năng cân bằng cung cầu trong quý 3 và quý 4. Các bộ ngành cũng phải vào cuộc hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp tái đàn lợn; đặc biệt là ngân hàng trong hỗ trợ vốn.
Bên cạnh giá thịt heo, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định giá xăng dầu bắt đầu bắt đầu tăng trở lại cũng gây áp lực lên lạm phát. Trong ngày 13.5, giá xăng đã tăng 578 đồng đối với xăng E5 RON 92 và 604 đồng đối với xăng RON95.
“Giá xăng trong nước có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới khi giá xăng, dầu thế giới vẫn đang tiếp tục hồi phục. Nguyên nhân là do nhu cầu tiêu thụ tăng lên khi các nước bắt đầu có kế hoạch dỡ bỏ các lệnh phong tỏa và từng bước mở cửa lại nền kinh tế.
Kiềm chế lạm phát trong mức mục tiêu 4% sẽ là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong năm 2020. Nếu có thể kiểm soát tốt lạm phát, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể có thêm dư địa để tiếp tục hạ lãi suất trong thời gian tới nhằm hỗ trợ hồi phục kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19”, BVSC nhận định.
Chủ đề liên quan:
áp lực áp lực lạm phát giá thịt heo lạm phát lạm phát tăng thịt heo thịt heo giá cao thịt heo tăng giá