Phóng sự hôm nay

Thời gian trên những mái nhà

Những ngôi nhà cổ bao giờ cũng để lại một ấn tượng gì đó trong tôi. Khi là hàng rêu xanh trên những viên gạch đất nung sứt sẹo. Lại có khi chiếc cửa gỗ xô lệch mốc thếch với thời gian.

Hoặc đâu đó, những con mắt rồng khắc họa trên xà gỗ, mờ đục ai hoài. Lần này, tình cờ tôi đến thăm một ngôi nhà cổ tại TP. Thủ Dầu Một (Bình Dương), lại giật mình vì 3 cánh dại (bình phong) chắn trước hiên nhà...

Đó là ngôi nhà cổ của cố Giáo sư Nha khoa Trần Công Vàng tại phố Ngô Tùng Châu, bên cạnh chợ cá Thủ Dầu Một (được công nhận “Di tích văn hóa Quốc gia” - năm 1993). Đây là ngôi nhà hiếm hoi còn giữ lại được những cánh dại cổ trong hàng chục ngôi nhà mà tôi đã đi qua. Nghe nói cách đây gần 130 năm, cụ tổ nhà họ Trần Công đã rinh được toàn bộ một ngôi nhà rường từ Huế ra đây - một mẫu nhà của quan lại triều Nguyễn xưa. Tất cả được dựng bằng gỗ, đóng mộng, chốt gỗ chắc chắn, không dùng một chiếc đinh sắt nào. Ngôi nhà được đứng tên GS. Trần Công Vàng (đời thứ tư họ Trần Công). Ông là một trong những bác sĩ nha khoa đầu tiên ở nước ta, được đào tạo từ Pháp về. Đồng thời, ông còn là giáo sư của Trường đại học Y khoa TP. Hồ Chí Minh, mất năm 1999. Hiện trong ngôi nhà cổ 5 đời này có khá nhiều di vật của BS. Trần Công Vàng để lại. Đặc biệt, đó là chiếc giường sắt, bộ máy quay đĩa và 2 bức tranh cổ của những họa sĩ Pháp được ông đem về từ những thập niên 20 của thế kỷ trước.

Ngôi nhà tre trong quán Cà phê gió và nước.

Theo như cô Nguyễn Thị Ly - cháu ngoại của BS. Trần Công Vàng nói, 3 cánh dại của ngôi nhà được giữ gìn cẩn thận, bao giờ cũng là lá chắn gió mạnh và nắng gắt cho những dãy cửa chính. Nhất là những gian thờ tự (ở 3 gian giữa) mang chất nghi lễ trang trọng - nếp sống của một nhà quan lại xưa - tôn ti trật tự bởi dòng họ Trần lớn, giàu có và nổi tiếng trong tỉnh Bình Dương. Hầu hết con cháu trong họ đều đỗ đạt, thành danh hơn 100 năm qua. Ngôi nhà này được dựng từ năm 1892, theo kiểu chữ “Đinh”, đến nay không hề bị xuống cấp - uy nghi trầm mặc với thời gian. 48 cây cột bền bỉ vững chãi không hề bị dịch chuyển một tấc cho dù đã trải qua sóng gió bão tố. Ngôi nhà rộng 323m2, trong khu vườn gần 4 sào đất, gây ấn tượng trước con chợ bên sông Sài Gòn.  Trên hàng mái ngói âm dương lốm đốm những cây cỏ xanh mướt cùng đàn chim sẻ bay nhảy ríu rít. Bên dưới là hàng cây mai tứ quý sần sùi vàng rượm những cánh hoa. Chúng tôi bồi hồi bên cây liễu rủ bên thềm nhà e lệ, dịu dàng, như nhập hồn vào ngôi nhà ấm áp xuân về.

Đặc biệt, những hoành phi câu đối đều được chạm trổ, sơn thếp xà cừ rất tráng lệ. Khi chiếc dại được đẩy lên, ánh sáng ùa vào. Những hàng chữ lung linh với sắc màu rực rỡ. Chúng tôi thực sự ngạc nhiên khi cô cháu gái là sinh viên trường kinh tế mới tốt nghiệp nhưng lại thuộc khá kỹ những câu đối - hàng chữ của ông cha để lại trên ban thờ và cột nhà. Cô chỉ vào một cặp câu đối rồi đọc: Hiếu để truyền mãi trong nhà. Thi thư đời đời nối nghiệp. Nhưng tôi nhớ nhất câu “Lễ vật hiến dâng quý ở sự tinh khiết”, cô gái giải thích thêm rằng, ý nói là báo hiếu cha mẹ đó là sự thanh bạch ở đạo đức, tấm lòng chân thành. Đúng như đạo Phật đã răn: “Tội lớn nhất của con người là sự bất hiếu”. Khi chúng tôi đang mải ngắm khu vườn đầy hoa, đâu đó tiếng nhạc vang lên từ ngôi nhà ngang. Bài hát Mùa xuân trên những mái nhà... Một thời yêu dấu đã qua. Gót hồng em muốn quay về. Dù trần gian có xót xa cũng đành về với quê nhà...”. Giai điệu như an ủi vỗ về. Hoa mai vàng rực, lung linh như những bông hoa nắng, muốn níu bước chân chúng tôi ở lại bên thềm.

Bức sơn mài Cây Lúa - tranh cổ trong nhà Trần Công Vàng.

Cũng đành về với quê nhà, trong tâm thế của nhạc sĩ trở về với thiên nhiên, không khác gì ngôi nhà mà tôi sẽ nói đến. Đó là vẻ đẹp độc đáo của một cửa hàng giải khát mang tên “Cà phê Gió và nước” cũng thuộc TP. Thủ Dầu Một. Nếu ngôi nhà của cố GS. Trần Công Vàng toàn bằng các loại gỗ quý thì công trình này được dựng bằng 7.000 cây tầm vông (dòng tre). Một ngôi nhà xanh với đúng nghĩa như một ngôi nhà toàn gỗ. Sự trở về với quê nhà là đây khi kiến trúc sư trẻ Võ Trọng Nghĩa muốn đưa gió và nước vào tận từng bàn của thực khách. Phong thủy trong kiến trúc là hòa với thiên nhiên một cách thân thiện nhất. Không hề có sự cách biệt giữa con người cùng vạn vật xung quanh. Hãy sống với tâm thế mình là trời là đất, là cỏ cây, hít thở một cách hồn nhiên.

Cấu trúc của ngôi nhà tuy là một cửa hàng nhưng được thiết kế tựa một sân vườn, cỏ hoa đua sắc. Ngôi nhà nằm trong “Không gian xanh” của những cụm tre bao quanh. Kiến trúc sư muốn lấy gió và nước để làm mát công trình, tựa chiếc máy điều hòa khổng lồ mà thiên nhiên ban tặng. Bên cạnh kiến trúc cong của tre trúc còn được kết nối suối nguồn nhân tạo, gợi tưởng đến những câu chuyện thần tiên. Ở giữa quán rộng chừng 500m2, một con hồ nhỏ hút năng lượng mặt trời ở thời điểm nóng nhất. Những người ngồi chung quanh thật sự thoải mái khi gió hút tứ phía cùng nước mát róc rách dưới chân.

Người dẫn tôi đến đây là nhà thơ Cát Du - Hội viên Hội VHNT Bình Dương. Chị say sưa nói về sự độc đáo của kiến trúc ngôi nhà tre này. Đây là công trình đầu tiên của nước ta được nhận “Giải thưởng Kiến trúc Quốc tế” năm 2008. Một ngôi nhà thật mượt mà với những đường cong uốn lượn của cây tầm vông, sâu đậm màu sắc Foklor. Nữ sĩ Cát Du kể về kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa với sự thán phục hết lời. Câu chuyện về ước mơ của một học trò nghèo vùng Quảng Trị muốn mọi ngôi nhà không bao giờ được gục đổ trước gió bão hay mưa to gió lớn bởi ngôi trường cậu học trò Nghĩa học hồi cấp một tại xã luôn phải làm đi làm lại mỗi mùa gió bão. Mộng ước của cậu chỉ đơn giản: khi lớn lên phải làm ra những ngôi trường không bao giờ sập đổ. Hết cấp 3, cậu đã thi vào Trường Kiến trúc Hà Nội và miệt mài chăm chỉ. Là một sinh viên xuất sắc, lại nhận được học bổng của Chính phủ Nhật Bản (1996), Võ Trọng Nghĩa du học với nhiều hoài bão lớn lao.

Rồi kiến trúc sư trẻ Võ Trọng Nghĩa tốt nghiệp thủ khoa bên Nhật (2002). Sau đó, anh còn bảo vệ luận án thạc sĩ kiến trúc một cách xuất sắc (hạng ưu) với đề tài “Khí động học - Gió và nước” (năm 2004). Nhưng có điều kỳ lạ đã xảy ra, khi được ở lại làm tiếp luận án tiến sĩ thì Võ Trọng Nghĩa đã bỏ dở, trở về quê nhà lập công ty làm ăn (2006). Có thể nói, đó là cái duyên định mệnh mà Võ Trọng Nghĩa dấn thân vào sự nghiệp thực hành cùng với những ý tưởng kiến trúc mới lạ. Anh đã thành công với nhiều công trình kiến trúc cùng 15 giải thưởng lớn trong nước và quốc tế. Chính quán hàng “Cà phê gió và nước” là công trình đầu tiên mà anh trình làng kiến trúc ở Thủ Dầu Một (năm 2007). Đó là một thành công lớn, khởi đầu cho sự nghiệp kiến trúc của Võ Trần Nghĩa trong hơn 12 năm qua.

Toàn cảnh ngôi nhà cổ Trần Công Vàng.

Nếu ngôi nhà cổ có mái nhà đặc trưng với hàng ngói âm dương quen thuộc thì mái nhà của kiến trúc sư Võ Trần Nghĩa lại hướng tới bầu trời, cây xanh. Phong thủy với đúng nghĩa của Võ Trần Nghĩa là do kiến trúc nương nhờ vào thiên nhiên mà đón gió và hứng nắng một cách hòa hợp. Phong thủy của những ngôi nhà cổ đều phải chọn dựa vào thế có điểm tựa sau lưng như núi, thành, gò, đá. Còn phía trước là hồ, sông biển, suối rừng. Nhưng với “Kiến trúc Xanh” của Võ Trần Nghĩa lại trông cậy vào những ý tưởng thiết kế, tạo nên phong thủy cho bất kể vị trí đất ở đâu.

Đó là cả một câu chuyện dài, chỉ đến thời Võ Trọng Nghĩa kiến trúc mới được cởi mở, sáng tạo cùng thiên nhiên. Sự mách bảo của trời đất luôn ngân vang bài ca cuộc sống mà người kiến trúc sư cần lắng nghe và vận dụng ra sao. Đó là nghệ thuật của “Khí động học” kỳ diệu mà Võ Trần Nghĩa đã tạo nên những nhịp điệu mới trong kiến trúc. Tối giản. Đẹp và rẻ. Mọi ngôi nhà luôn luôn phải đưa cây xanh vào đúng chỗ, đón nắng gió và nước vào tận chân giường. Triết lý sạch và xanh cùng nắng gió của Võ Trọng Nghĩa đem lại phong cách mới trong nghệ thuật sắp đặt. Con người phải tận dụng nó một cách thông minh. “Thiền sâu” cùng trời đất, ngay cả từ trong giấc mơ.

Bài và ảnh: Cảnh Linh

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/thoi-gian-tren-nhung-mai-nha-n157270.html)
Từ khóa: thời gian

Chủ đề liên quan:

thời gian

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY