Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Thói quen nấu ăn khiến rau củ dinh dưỡng hoặc đẫm chất béo, các chị em tuyệt đối không nên mắc phải

Nếu muốn đạt được nhiều dinh dưỡng nhất từ rau củ, bạn cần quan tâm tới cách chế biến và nấu chín loại thực phẩm này.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), chỉ có 9% người Mỹ trưởng thành ăn đủ lượng rau các chuyên gia khuyến nghị mỗi ngày. Do đó, bạn xứng đáng nhận được sự khen ngợi nếu có thói quen ăn nhiều rau mỗi ngày.

Tăng cường rau xanh đem lại không ít lợi ích cho sức khỏe, từ giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường tuýp 2 cho tới một số bệnh ung thư và béo phì. Dưới đây là một số thói quen nấu ăn khiến rau củ trở nên kém lành mạnh các chị em cần tránh:

Sử dụng dầu dừa trong nấu ăn

Mặc dù đem lại hương vị tuyệt vời cho món ăn, dầu dừa lại không phải là lựa chọn hàng đầu trong quá trình chế biến thực phẩm do chúng sở hữu nhiều chất béo bão hòa có thể gây hại cho sức khỏe.

Theo chuyên gia Frances, dầu dừa là lựa chọn tuyệt vời trong một số trường hợp như làm nước sốt và món tráng miệng. Dù vậy, bạn không cần thiết phải dùng chúng để nấu rau. Sản phẩm này sẽ làm tăng chất béo bão hòa trong khẩu phần ăn, từ đó có thể dẫn tới các vấn đề sức khỏe khi sử dụng lâu dài.

Chuyên gia Frances nhấn mạnh, dầu ôliu nguyên chất là loại dầu ăn lành mạnh nhất hiện nay.

Thêm bơ vào món ăn

Mặc dù có tác dụng làm tăng hương vị và cảm giác ngon miệng, một thìa bơ cung cấp tới 100 calo và 11g chất béo. Do đó, bạn nên loại bỏ hoặc hạn chế thói quen cho bơ vào các món rau củ trong quá trình chế biến.

Thay vì dùng loại thực phẩm này, bạn nên thử dầu ôliu vì chúng vừa làm tăng hương vị vừa cung cấp chất béo có lợi cho tim.

Xào với nhiều dầu

Tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều dầu làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 và bệnh tim.

Mặc dù mang lại những lợi ích tốt cho sức khỏe, dầu ôliu vẫn chứa rất nhiều calo. Do đó, bạn chỉ nên tiêu thụ một cách điều độ, tránh lạm dụng loại dầu này.

Theo chuyên gia Frances, hãy bắt đầu với một thìa canh dầu ôliu nguyên chất, cho vào chảo rồi đảo cùng rau củ. Các chị em nên lưu ý rau xào không nên dính nhiều dầu, chỉ cần một lớp dầu mỏng bao xung quanh.

Dùng nhiều muối

Sử dụng nhiều gia vị trong quá trình chế biến thực phẩm sẽ làm tăng lượng natri hấp thụ, từ đó dẫn đến tình trạng giữ nước.

Rau là một nguồn cung cấp kali tuyệt vời, giúp chống lại tác động của natri. Tuy nhiên, nếu thêm quá nhiều muối trong quá trình chế biến, loại thực phẩm này có thể gây hại cho tim mạch.

Chuyên gia Frances khuyên, hãy cho một ít muối vào rau, sau đó nếm thử trước khi thêm bất cứ gia vị nào khác. Ngoài ra, bạn nên sử dụng các loại thảo mộc và gia vị tự nhiên như tỏi để để tăng hương vị, tránh lạm dụng muối trong trường hợp không thực sự cần thiết.

Nướng trực tiếp

Nấu chín rau củ trong thời gian ngắn vừa đảm bảo không mất dinh dưỡng vừa hạn chế hình thành các chất gây hại cho sức khỏe.

Chuyên gia Frances giải thích, khi bạn nướng thịt ở nhiệt độ cao, các amin dị vòng, hóa chất liên quan đến tăng nguy cơ gây ung thư, có thể hình thành. Trong khi đó, với rau xanh, phương pháp nấu ăn này sẽ tạo ra các chất gây ung thư như benzopyrene.

Sử dụng nhiệt gián tiếp là giải pháp tốt nhất. Theo chuyên gia Frances, thay vì nướng rau củ trực tiếp trên lửa, bạn hãy đặt chúng lên vỉ nướng.

Chỉ dùng rau sơ chế sẵn

Những gói rau củ thái sẵn vừa tiện lợi, tiết kiệm thời gian vừa giúp bạn có một bữa ăn lành mạnh một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, chúng có thể đã mất đi các chất dinh dưỡng thiết yếu vì được đặt ở trên kệ hàng quá lâu.

Do đó, nếu không thể tránh sử dụng rau củ đã cắt sẵn, bạn nên kết hợp với những loại rau xanh khác như cải xoăn hoặc cải bẹ. Ngoài ra, với rau củ đã cắt sẵn, nên ăn càng sớm càng tốt vì lượng vitamin sẽ giảm xuống sau 5-6 ngày.

(Nguồn: Livestrong)

Mạng Y Tế
Nguồn: Afamily (https://afamily.vn/thoi-quen-nau-an-khien-rau-cu-dinh-duong-hoac-dam-chat-beo-cac-chi-em-tuyet-doi-khong-nen-mac-phai-20210803115333138.chn)

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY