Khoa học hôm nay

Thời tiết biển phía Nam đang rất nguy hiểm

(HNMO) - Ba ngày qua, nhiều địa phương ven biển từ Nam Trung Bộ đến Tây Nam Bộ liên tiếp hứng chịu ảnh hưởng tiêu cực của sóng to gió lớn do biển động.

(HNMO) - Ba ngày qua, nhiều địa phương ven biển từ Nam Trung Bộ đến Tây Nam Bộ liên tiếp hứng chịu ảnh hưởng tiêu cực của sóng to, gió lớn do biển động. Hàng nghìn du khách đang kẹt lại những đảo ngoài khơi do chưa thể về bờ. Sóng gió lớn gây nhiều thiệt hại cả về người và của.

Ngày 13-7, UBND phường Dương Đông, thành phố Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) thông tin, lực lượng chức năng và người dân địa phương đã tìm và vớt được thi thể của 1 trong 2 người mất tích trên ghe lưới ghẹ tại vùng biển xóm Cồn, khu phố 3, phường Dương Đông. Khi đó, trên ghe có 7 người. Lực lượng Biên phòng và người dân địa phương cứu được 5 người, còn 2 cha con mất tích.

Sóng to, gió lớn mấy ngày qua đã khiến hơn 240 căn nhà ở Kiên Giang bị sập hoặc tốc mái. Gió trên vùng biển Tây Nam hiện đang giật cấp 7, cấp 8, biển động mạnh. Tỉnh đã phải dừng toàn bộ tàu thuyền từ đất liền ra khơi hoặc ra các đảo. Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang Bùi Quốc Thái cho biết, hiện có khoảng hơn 4.100 du khách trong và ngoài nước đang kẹt lại đảo Phú Quốc do chưa có phương tiện để về đất liền.

Cùng lúc này, tại tỉnh Bình Thuận, lực lượng chức năng vẫn đang tìm kiếm tàu cá BTh 97478 TS bị mất liên lạc trên biển từ chiều 12-7. Ông Nguyễn Hùng Tân, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận cho biết, tín hiệu vô tuyến cuối cùng của con tàu được ghi nhận tại vị trí trên biển cách đảo Phú Quý khoảng 84 hải lý về hướng Tây Bắc và cách cảng Phan Thiết khoảng 126 hải lý về hướng Bắc Tây Bắc.

Tàu có công suất 310 CV, gồm 18 lao động, hành nghề lưới vây rút chì, ra khơi từ hôm 10-7. Chủ tàu (kiêm thuyền trưởng) là ông Bùi Văn Toàn (50 tuổi, địa chỉ thường trú phường Đức Nghĩa, thành phố Phan Thiết). Tỉnh Bình Thuận cũng đã báo cáo sự việc đến Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để phối hợp tìm kiếm, cứu nạn người và phương tiện mất tích.

Còn tại Cà Mau, dông, lốc kèm theo mưa to làm hư hại hơn 750 căn nhà dân tại các xã ven biển; gần 345ha lúa hè thu và 1ha rau màu bị ngập úng; ít nhất 6 phương tiện thủy, tàu cá bị sóng lớn đánh chìm… tổng thiệt hại ước tính hơn 5,2 tỷ đồng.

Cũng tại Cà Mau, địa phương đang huy động hơn 140 người gia cố, bảo vệ 3 vị trí sạt lở đê biển Tây thuộc đoạn Đá Bạc - Kênh Mới, đê biển Tây, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời với chiều dài 110m. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đang chỉ đạo các lực lượng tham gia hộ đê khẩn cấp. Ông cho biết: “Nhiều vị trí cách đây mấy ngày có đai rừng phòng hộ chân đê từ 5-7m, nay đã bị sóng biển phá hủy. Nếu không được ứng cứu kịp thời, vỡ đê là điều khó tránh khỏi. Hiện nước dâng hơn 1,75m do sóng lớn khiến nước đang tràn qua nhiều đoạn đê biển”.

Theo bản tin của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ phát lúc 16h ngày 13-7, hiện dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua Trung Trung Bộ nối với vùng áp thấp khu vực giữa Biển Đông suy yếu. Trên khu vực vùng biển Nam Bộ, gió mùa Tây Nam vẫn hoạt động mạnh. Trong 24h tới, gió cấp 6, giật cấp 7. Độ cao sóng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang ở khoảng 1,8 đến 2,4m.

Với mức độ sóng, gió này, sóng lớn kết hợp với triều cường dâng cao sẽ uy hiếp trực tiếp đến nhiều tuyến đê biển tại các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang.

Mạng Y Tế
Nguồn: Hà Nội Mới (http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Khoa-hoc/1036812/thoi-tiet-bien-phia-nam-dang-rat-nguy-hiem)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY