Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT rà soát khả năng giải ngân các dự án thuộc kế hoạch đầu tư năm 2020 của Bộ và khả năng giải ngân của Dự án tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình trong năm 2020, trên cơ sở đó, chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 đã được giao để cân đối vốn thực hiện Dự án theo quy định.
Trường hợp Bộ GTVT không cân đối đủ nguồn theo khả năng giải ngân của Dự án, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT và các cơ quan liên quan đề xuất bổ sung vốn kế hoạch năm 2020 cho Bộ GTVT để thực hiện từ nguồn cắt giảm, điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2020 giữa các bộ, ngành, địa phương theo Nghị quyết số 84/NQ-CP của của Chính phủ.
Đối với số vốn còn thiếu chưa cân đối đủ cho Dự án theo tổng mức đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Bộ GTVT rà soát, tổng hợp trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
Về việc ứng trước kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 và việc các địa phương ứng trước vốn để triển khai ngay giai đoạn 2 Dự án, Thủ tướng yêu cầu thực hiện đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có chiều dài 47,7 km đi qua địa phận 2 tỉnh Hưng Yên và Hà Nam được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư dự án vào tháng 2/2011 và điều chỉnh dự án vào tháng 9/2015 với tổng mức đầu tư 4.486 tỷ đồng.
Dự án được phân kỳ thực hiện đầu tư làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 đầu tư quy mô 2 làn xe, nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m, đã hoàn thành đưa vào khai thác năm 2019; giai đoạn 2 đầu tư mở rộng với quy mô 4 làn xe cơ giới theo kế hoạch vốn được giao.
Theo báo cáo của tỉnh Hưng Yên và tỉnh Hà Nam, sau khi đưa vào khai thác lưu lượng xe trên tuyến tăng nhanh gây ùn tắc do các phương tiện vận tải từ Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Bình đi về khu vực miền Trung, phía Nam đều qua tuyến này.
Sau khi cầu Hưng Hà đưa vào khai thác vào tháng 2/2020 lượng xe tăng đột biến, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông trên tuyến.
Hai tỉnh dọc tuyến cũng cho rằng, trong điều kiện dự án đã thực hiện xong GPMB, đầu tư một số cống ngang theo quy mô hoàn chỉnh, nếu không thực hiện đầu tư hoàn chỉnh sẽ phát sinh hiện tượng tái lấn chiếm mặt bằng Dự án.
Bộ GTVT cho biết, theo Quyết định đầu tư dự án, giai đoạn 2 được triển khai theo kế hoạch vốn được giao. Hiện nay, hồ sơ dự án đầu tư giai đoạn 2 đã được Bộ GTVT phê duyệt, mặt bằng giai đoạn 2 đã được giải phóng trong giai đoạn 1, khi được bố trí vốn đầu tư có thể triển khai ngay công tác thiết kế kỹ thuật và thi công. Trường hợp được bố trí nguồn vốn, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các chủ đầu tư triển khai ngay các thủ tục liên quan để sớm thi công giai đoạn hoàn chỉnh Dự án.
Chủ đề liên quan:
cao tốc Hà Nội Hải Phòng Cầu Giẽ Ninh Bình đường nối mở rộng sớm triển khai thủ tướng yêu cầu