Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 227/TB-VPCP kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh.
Thông báo nêu rõ, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (ttx) giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 được thủ tướng phê duyệt tại quyết định số 1658/qđ-ttg ngày 1.10.2021 và quyết định số 882/qđ-ttg ngày 22.7.2022.
Chiến lược TTX bước đầu triển khai thành công, từng bước góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, mở rộng khả năng tiếp cận bình đẳng cho nhân dân về thành quả phát triển của quá trình chuyển đổi xanh…
Để triển khai hiệu quả chiến lược TTX, Phó thủ tướng yêu cầu các cơ quan liên quan chủ động, tích cực thực hiện các nội dung đã được phân công tại chiến lược và kế hoạch hành động TTX.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan thường trực ban chỉ đạo căn cứ quy chế làm việc, chủ trì, phối hợp với các cơ quan thành viên và các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng chương trình làm việc cụ thể giữa hai kỳ họp ban chỉ đạo làm cơ sở theo dõi, đánh giá hiệu quả việc triển khai chiến lược TTX và kế hoạch hành động; khẩn trương rà soát, cập nhật chiến lược TTX cho phù hợp với tình hình, bối cảnh mới (cam kết chuyển dịch năng lượng công bằng JETP, Quy hoạch điện 8, xu thế mạnh mẽ của chuyển đổi số…).
Phó thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu, đề xuất các định hướng lớn, mục tiêu, nhiệm vụ cốt lõi để thực hiện chiến lược TTX; lựa chọn một số dự án điển hình (5-7 dự án) có tiềm năng tạo ra đột phá làm thí điểm và được theo dõi, đánh giá rút kinh nghiệm trước khi triển khai quy mô rộng hơn…); nghiên cứu, xây dựng một bộ tiêu chí khoa học về phân loại xanh quốc gia, hài hòa với thông lệ quốc tế, giúp các cơ quan có cơ sở pháp lý cụ thể hơn trong việc lựa chọn các dự án đầu tư ở các bộ, ngành, địa phương cũng như lượng hóa, đánh giá tiến bộ của TTX.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì hoặc phối hợp với bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan, tổng hợp đề xuất các cơ chế huy động nguồn lực trong nước và quốc tế, các cơ chế tài chính bảo đảm hiện thực hóa các mục tiêu TTX tận dụng lợi thế của nền tảng số và chuyển đổi số.
“Phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, các bộ, ngành, địa phương trong hoạt động hội nhập, "ngoại giao công nghệ", "ngoại giao khí hậu"; tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các quốc gia, tổ chức quốc tế”, Phó thủ tướng nêu.
Ngoài ra, Phó thủ tướng cũng yêu cầu đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách cho TTX để thực hiện các cam kết quốc tế đảm bảo theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế; đồng thời, chủ động phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, cơ quan liên quan đề xuất các giải pháp cho các ngành hàng xuất khẩu khi các quốc gia, tổ chức ban hành các tiêu chuẩn về môi trường liên quan đến việc sản xuất các sản phẩm đó.
Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển… nghiêm túc, khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại chiến lược TTX và kế hoạch hành động (phân công trách nhiệm rõ ràng, có thời hạn cụ thể); kịp thời đề xuất, kiến nghị với trưởng ban xem xét việc sửa đổi, bổ sung các vấn đề quan trọng, liên ngành, cơ chế, chính sách, giải pháp để thực hiện chiến lược TTX và kế hoạch hành động trên phạm vi toàn quốc.
“Xây dựng, cập nhật kế hoạch hành động TTX của ngành, địa phương với các lĩnh vực, nhiệm vụ có tính chất ưu tiên cao nhất cho giai đoạn từ nay đến năm 2025 (trong đó có bao gồm các nội dung: hoàn thiện khung khổ pháp lý cho TTX; ứng dụng khoa học và công nghệ; đổi mới sáng tạo; áp dụng chuyển đổi số…) gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp”, Phó thủ tướng nêu.
Ngoài ra, Phó thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu, ban hành hoặc trình cấp thẩm quyền ban hành các bộ tiêu chí về TTX trong phạm vi ngành mình, đảm bảo phù hợp với bộ tiêu chí phân loại xanh quốc gia, lượng hóa các nội dung TTX đề ra tại chiến lược TTX và phù hợp với chuẩn mực, thông lệ quốc tế; xây dựng cơ chế định giá carbon theo đúng quy định tại Luật Bảo vệ môi trường, phù hợp với thông lệ quốc tế…