Dự án thủy điện Luang Prabang đang được tham vấn (tháng 4-2020) và có thể được khởi công xây dựng vào tháng 7-2020 tới đây. Nếu trở thành hiện thực, thủy điện này sẽ tiếp nối đập Xayabury (ở Lào) trên dòng chính của sông Mekong và nhiều đập khác (ở thượng nguồn- Trung Quốc), những tác nhân ngăn dòng nước phù sa, làm cạn kiệt dòng sông và kết hợp với biến đổi khí hậu gây ra hạn mặn khốc liệt ở ĐBSCL mà chúng ta đang chứng kiến.
Như chúng ta đã biết, thủy điện hiện nay không còn là nguồn năng lượng quan trọng và được ưa chuộng trên thế giới (vì vốn đầu tư lớn và ảnh hưởng đến môi trường). Điện có thể được tạo ra bởi những nguồn năng lượng sạch khác có hiệu quả (tài chính và kinh tế) hơn. Việc phá rừng, chặn dòng chảy để làm thủy điện, không chỉ tác hại lâu dài đối với nước sở tại, mà cả quốc gia khác trong khu vực. Sau thảm họa vỡ đập thủy điện Xe Pian Xe Nam Noy tại Lào, Liên minh Cứu sông Mekong (LMCSMK) đã yêu cầu các chính phủ tìm kiếm giải pháp năng lượng thay thế và chính sách phát triển bền vững. Mới đây, đối với dự án thủy điện Luang Prabang, LMCSMK đã kêu gọi hủy bỏ lập tức đập này vì có thể gây thiệt hại to lớn cho dòng sông.
Xét ở góc độ vi mô, khách hàng sử dụng điện ở Việt Nam sẽ bị thiệt hại khi sử dụng điện với giá cao hơn hiện nay. Tính toán về hiệu quả tài chính còn chưa đầy đủ và tỏ ra không hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Chưa kể là nhiều rủi ro về thị trường, khi Thái Lan không sẵn lòng sử dụng nguồn điện này trong tương lai. Nếu xóa thế độc quyền trong kinh doanh điện, áp dụng cơ chế thị trường thì khó có thể có lãi. Và nếu kinh doanh điện bị thua lỗ, trong nhiều trường hợp ngân sách nhà nước phải chi trả.
Xét ở góc độ vĩ mô, ĐBSCL là nơi có khoảng 20 triệu người sinh sống là đối tượng chịu tác động tiêu cực một cách trực tiếp từ dự án, và toàn diện các mặt sản xuất, sinh hoạt và môi trường sinh thái. Ủy hội sông Mekong (MRC) cũng chỉ ra, nếu xây dựng thủy điện Luang Prabang, ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn: đất nông nghiệp sớm suy thoái, mặn ngày càng nhanh và gay gắt hơn. Mạng lưới sông ngòi VN (VRN) cũng phản đối dự án này, vì việc phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mekong đe dọa nghiêm trọng đến môi trường và sinh kế của hàng triệu người dân đang sống dựa vào sông này, sẽ làm trầm trọng hơn những tác động môi trường mà ĐBSCL đang phải đối mặt: suy giảm trầm tích, xâm nhập mặn diễn ra sớm hơn, thiếu nước ngọt, sụt lún (do khai thác nước ngầm quá mức), đẩy nhanh quá trình di cư,... Như vậy, để cứu vãn hoặc để hỗ trợ người dân trong vùng chịu ảnh hưởng xấu bởi dự án, ngân sách trung ương hoặc các tỉnh/thành phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để xây dựng các công trình trữ nước ngọt, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, hỗ trợ sinh kế người dân…
Ngoài ra, không chỉ có ĐBSCL, khách hàng sử dụng điện trên cả nước cũng gánh chịu hậu quả. Điện (giá cao hơn, có thể gần gấp đôi mức giá hiện nay).Và trong điều kiện nước tưới giảm, lương thực thực phẩm ắt sẽ khan hiếm và đắt đỏ hơn.
Có thể nói, dự án thủy điện Luang Prabang là một dự án thiếu tính khả thi ngay cả mặt hiệu quả tài chính chứ chưa kể đến hiệu quả kinh tế-xã hội và môi trường. Vốn đầu tư tuy có thể không lớn đối với chủ đầu tư PV Power (PVN), nhưng hậu quả của nó là khôn lường đối với xã hội.
Dự án này là thách thức cho an ninh lương thực của Việt Nam, là cách bần cùng hóa người dân ĐBSCL nhanh hơn (so với chỉ có biến đổi khí hậu), đi ngược lại mục tiêu Phát Triển Bền vững với sự bất công xã hội càng lớn.
Vì những lẽ trên, Liên minh cứu sông Mê Kông, MRC, VRN và nhiều tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước cho rằng, dự án thủy điện Luang Prabang chưa thể hiện một sự đảm bảo lợi ích về kinh tế - xã hội - môi trường cho Việt Nam. Như VRN khuyến cáo, việc xây dựng thêm nhiều đập trên dòng chính sẽ càng làm cho mọi việc trở nên tồi tệ hơn. Thật vậy, thêm đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong, sinh kế của người dân vùng hạ lưu như ĐBSCL càng thêm khốn khó. Do đó, kiến nghị Tổng công ty dầu khí Việt Nam (PVN) và các cơ quan hữu trách xem xét lại. Việc dừng tham gia vào dự án thủy điện Luang Prabang là sáng suốt. Thay vào đó, nên đẩy mạnh việc đầu tư cho những dự án khai thác nguồn năng lượng sạch mà Việt Nam có ưu thế.
TS Trương Thị Kim Chuyên - ThS Trang Thị Huy Nhất- ThS Trần Đức Luân Viện Nghiên cứu Hỗ trợ Quy hoạch (IRP)Chủ đề liên quan:
đập thủy điện dự án thủy điện Luang Prabang năng lượng sạch sản xuất nông nghiệp thủy điện vỡ đập thủy điện