Làm đẹp hôm nay

Ta thường nói cái này đẹp, cái kia xấu; đọc bài văn khen hay, nhìn bức tranh khen khéo, nghe đàn mà cảm động, xúc cảnh mà hứng hoài. Bấy nhiêu thứ đều gợi ra trong tâm tình ta một cái cảm riêng, nhà tâm lý gọi là “mỹ cảm”

Tia laser: Sự đột phá thần kỳ trong y học và thẩm mỹ

(SKGĐ) Một trong những phát minh có nhiều ứng dụng nhất đối với đời sống con người trong thế kỷ XX là tia laser.

Laser (Light Amplification by Stimulated Emission of Radiation) trong tiếng Anh có nghĩa là “Khuếch đại ánh sáng bằng bức xạ cưỡng bức”. Tia laser lần đầu tiên xuất hiện vào 1960 (tại Phòng nghiên cứu Hughes ở Malibu, California) khi Theodore Maiman bật một dụng cụ làm lóe lên một đốm sáng màu đỏ trên một máy dò quang. Kể từ đó, laser ngày một trở nên nhỏ hơn, mạnh hơn, và không thể thiếu trong ngành công nghiệp viễn thông, quân sự, địa chất, vũ trụ, chế tác… và y học.

“Tia laser là chiếc bánh xe vô hình. Một nửa tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ được tác động bởi laser - Ngày nay, toàn bộ cơ sở hạ tầng kinh tế của chúng ta dựa trên các thông tin gửi đi trong các sợi quang bằng ánh sáng laser - Nếu bạn tắt hết ánh sáng laser, điều đó sẽ làm lụn bại nền kinh tế của chúng ta”, phát biểu của Tom Baer, giám đốc quản trị của Trung tâm Nghiên cứu Quang lượng tử học Stanford, Palo Alto, California, Mỹ.

Tia laser giống như tia sáng của ngọn lửa, của bóng đèn dây tóc… không bị ion hoá nên không nguy hại cho sức khoẻ. Leon Goldman (Mỹ) - “cha đẻ của y học laser” là người đầu tiên dùng laser để điều trị các tổn thương mạch máu và sắc tố đen. Laser phát huy tối đa tác dụng của nó trên các tổn thương sắc tố bẩm sinh hoặc bị mắc phải như bớt xanh đen, tàn nhang hoặc một số tổn thương mạch máu da bẩm sinh như u mạch máu…

Đến nay, một bước tiến quan trọng của công nghệ tia laser trong y học nữa là phương pháp phẫu thuật mắt bằng laser vốn ít bị xâm hại sinh học và ít đau hơn so với phẫu thuật mắt thông thường. Các nhà nghiên cứu còn nghĩ rằng một quá trình sử dụng laser để quét ADN sẽ là trọng tâm cho các công nghệ tương lai có thể giải mã bộ gene người.

Tia laser đối với y học và thẩm mỹ hiện đại

TS.BS. Trần Thị Anh Tú, Thẩm mỹ viện Bác Sĩ Tú, Nguyễn Cư Trinh, Quận 1, Tp.HCM đã chia sẻ về những ứng dụng đặc biệt của tia laser đối với y học và thẩm mỹ hiện đại:

Giảm béo: Laser là một trong những liệu pháp tối ưu để giảm lượng mỡ thừa trên toàn thân. Nhiệt lượng từ laser phát huy tác dụng khi nó tiếp xúc với các mô mỡ. Nhiệt sẽ phá hủy màng tế bào mỡ, làm tan chảy nhanh chóng các mô mỡ dưới da. Mỡ một phần được đào thải và một phần được đưa ra ngoài trực tiếp qua ống hút laser. Tác dụng thể hiện rất rõ ở vùng lưng, bụng, đùi, cánh tay, bắp chân và đầu gối.

Trị nám da: Dùng laser điều trị nám da có hiệu quả cao đối với các vết bớt sậm màu, đặc biệt là các bớt ở sâu dưới da, đồng thời do sự hấp thụ chọn lọc của sắc tố, nên các tế bào da không bị tổn thương, do đó không gây hại cho da, không để lại các sẹo di chứng. Nếu chỉ bị nám da nhẹ, việc dùng lazer dễ làm tổn thương và gây bỏng da. Ngoài ra, không phải kỹ thuật lazer nào cũng có thể áp dụng để trị nám da.

Ảnh minh họa

Tẩy sẹo: Đối với sẹo lồi, laser không làm vết sẹo mất hẳn nhưng có thể nhanh chóng thu hẹp kích thước và độ dày của sẹo, làm cho sẹo mềm hơn, ít đau, ít ngứa hơn. Đặc biệt, laser làm giảm nhanh màu đỏ của sẹo, đưa da nhanh chóng trở về màu sắc bình thường.

Triệt lông: Đối với triệt lông, sử dụng thuốc hoặc tẩy lông tại spa không làm cho lông triệt tiêu vĩnh viễn. Nếu sử dụng thuốc không đúng còn dẫn đến viêm hoặc dị ứng da. Tia laser làm lông mọc chậm lại và sử dụng đúng cách lông có thể mọc chậm trong vòng 10 năm và sau đó sẽ mọc thưa dần. Riêng về trị mụn, công nghệ laser giúp bình ổn tuyến bã trên da, nguyên nhân chính làm da bị mụn. Bên cạnh đó tia laser còn giúp cải thiện rõ nét trong chữa trị nám, xóa nếp nhăn và hút mỡ không cần phẫu thuật.

Trong nha khoa: Laser thường được dùng để trám các lỗ sâu răng nhỏ hoặc trung bình ở cả người lớn và trẻ em. Vì có thể lấy đi nhanh chóng và chính xác phần mô răng hư nên laser bảo tồn được phần răng còn lại nhiều hơn, nguyên vẹn hơn so với khi tạo xoang trám bằng máy khoan siêu tốc. Ngoài ra, laser còn góp phần giảm thiểu sự lây nhiễm và giảm thời gian điều trị cho bệnh nhân, giúp chất trám răng đông cứng nhanh hơn.

Sử dụng tia laser an toàn

- Không được chiếu tia laser trực tiếp vào mắt dù công suất chỉ là 1mW.

- Khi sử dụng đèn laser có công suất cao (> 5mW) nên chọn không gian rộng và có ít kính, vì tia laser có khả năng phản chiếu vào mắt.

- Không được chiếu tia laser vào máy bay, xe cộ đang chạy trên đường. Vì tia laser có thể khiến phi công và tài xế chói mắt không nhìn thấy đường, và có thể gây ra tai nạn.

- Không được sử dụng laser công suất cao tại nơi đông người.

- Khi chế tạo, sửa chữa hoặc chơi laser công suất cao trong khu vực chật hẹp thì bạn cần phải đeo kiếng bảo hộ chống tia laser, bạn phải mua loại kiếng chuyên dụng dành cho laser…

Bình Nguyên

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/lam-dep/tia-laser-su-dot-pha-than-ky-trong-y-hoc-va-tham-my-19611/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY