Tâm linh hôm nay

Tiểu sử đại lão Hoà thượng Thích Thiện Tâm (1928-2017)

Thuận thế vô thường, ngài giã từ cõi tạm cát bụi phù du, xả huyễn thân, thể nhập chân thường vào lúc 14h30 phút, ngày 01/09/2017 (ngày 11/07/Đinh Dậu) tại chùa Chánh Giác, xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Trụ thế 90 Xuân, 70 Hạ lạp, với cao danh Hòa thượng Trưởng lão.

1. Thời thơ ấu


Đại lão Hòa thượng thuộc dòng thiền Lâm Tế Chánh tông đời thứ 41, Pháp danh Không Tâm, Pháp hiệu Thiện Tâm. Tục danh Trần Văn Lộc, sinh ngày 3 tháng 4 năm 1928 (13/02/Mậu Thìn) tại làng Tân Thạnh, xã Tân Hòa, Vĩnh Long giáp ranh Đồng Tháp.


Song thân của ngài là cụ ông Trần Văn Tươi, hiền mẫu là cụ bà Lê Thị Ngởi. Cụ ông và cụ bà đã hạ sinh được 06 người con, ngài là con thứ.


Ngài vốn sinh ra trong một gia đình trung lưu, theo truyền thống Phật giáo lâu đời, kính tin Tam bảo. Thuở ấu thơ, bắt đầu vào học đường trường làng, ngài thường theo song thân đến chùa Phước Long, chùa Long Hòa, để tụng kinh niệm Phật, công quả, thấm nhuần suối nguồn từ bi. Năm 12 tuổi, ngài đã thuộc làu nhị thời Công phu triêu tịch, thiện duyên khai phát, đất Bồ đề được vun bồi, thêm một hoa bát nhã tô điểm chốn tòng lâm, được Trưởng lão Hòa thượng Viên Ngộ hiệu Thiện Hòa (bác ruột) cho thế phát xuất gia tại chùa Long Hòa, nay thuộc xã Tân Hội, thành phố Vĩnh Long.


Năm 16 tuổi, ngài thụ giới Sa di và làm đệ tử của Trưởng lão Hòa thượng Huệ Hòa - Chơn Giảng (1898-1956), Tổ đình Kim Huê, Sa Đéc và được ban Pháp danh Không Tâm, nối pháp mạch dòng Thiền Lâm Tế Chánh tông đời thứ 41. Sau đó, ngài tiếp tục chương trình thế học với những bằng cấp loại giỏi, nên được mời luyện thi cho các lớp đệ thất, đệ lục.

Năm 20 tuổi, ngài đăng đàn thụ Cụ túc giới tại Tổ đình Kim Huê, Sa Đéc, do Trưởng lão Hòa thượng Luật sư Chánh Quả - Ngộ Giác (1880-1956) đương vi Đàn đầu Hòa thượng.

2. Thời hoằng pháp


Sau khi trở thành Tỳ kheo, ngài tham học với Trưởng lão Hòa thượng Khánh Anh - Chơn Quý (1895-1961), Tổ đình Phước Hậu, Trà Ôn. Đồng thời ngài phụ trách lớp gia giáo tại Bổn tự Kim Huê. Để hòa hợp chúng trong việc truyền thống tu học, ngài luôn luôn hiện diện tại các trường Hương những tỉnh lân cận.


Ngài được Hòa thượng Bổn sư cho dự các trường tuyển Phật khắp trong lục tỉnh, với phẩm vị Điển lễ, Giáo thọ.


Năm 22 tuổi, ngài du phương tham học các Phật học đường Ấn Quang, Liên Hải, Phước Hậu...


Đương thời, những pháp hữu đồng học với ngài như, các vị Thích Minh Cảnh, Thích Trí Không, Thích Thiện Tánh, Thích Thiện Thông... Trong thời gian này ngài tham gia giảng dạy tại các Phật học đường đào tạo tăng tài ở thành phố Sài Gòn Gia Định.


Năm 40 tuổi, ngài dừng chân vùng đất Nha Mân mầu mỡ, sông nước hữu tình, cây lành trái ngọt quanh năm, nhưng lại bất an bởi tử thần luôn rình rập mọi người khi đi ngang khu vực này. Để trấn an dân chúng làng quê, ngài dừng chân nơi đây, dựng am tranh vách đất để tiện bề tu niệm và kết duyên Bồ đề quyến thuộc Phật pháp. Với hình ảnh vị chân tu thoát tục ở một nơi đầy tử khí, được sự cảm mến của quần chúng nhân dân địa phương, có vị tín chủ phát tâm cúng hiến cho ngài một mảnh đất và kiến tạo ngôi Niệm Phật đường Chánh Giác, nơi che chở tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân thời ly loạn.


Qua những bước thăng trầm của sự thế đổi thay, năm tháng bôn ba từng vùng quê hẻo lánh, hòa quyện với việc mang ánh sáng từ bi trí tuệ vào đời. Ngài khai sơn ngôi Chánh Giác Tự bằng những giọt mồ hôi của những năm tháng miệt mài không mệt mỏi. Mọi người thường thấy ngài ngày hai buổi với chiếc nón lá rộng vành, cọc kệch trên chiếc xe đạp cũ kỹ, vì tương lai của Phật giáo trong sự nghiệp giáo dục đào tạo tăng tài, từng bước chân an lạc quang lâm đến các trường Phật học tại Sa Đéc như Phước Hưng, Kim Huê, Phước Huệ, Long An...


Năm 44 tuổi, ngài nhận 20 đệ tử xuất gia tu học. Đến ngày thống nhất đất nước, non sông liền một dãy, vì nhu cầu của thời đại mới, ngài đã cho đàn con chấp cánh vào đời xây dựng xã hội tương lai, hiện nay đã trở thành những y sĩ, kỹ sư, cán bộ công chức, những công dân gương mẫu. Bên cạnh ngài chỉ còn lại những pháp hữu thâm niên cao lão đã lần lượt quảy gót quy Tây. Riêng ngài vẫn kiên tâm bền chí:


Hoài bão vốn ngàn đời trưởng dưỡng,

Tâm lành từ muôn kiếp cưu mang,

Gieo mầm sống cho bồ đề xanh lá;

Tạo vườn hoa bát nhã ngát hương từ...


Trong sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh, ngài luôn vững tiến, với những chức vụ và bổn phận mới, trong hai thời kỳ xây dựng và chuyển tiếp. Ngài nỗ lực không ngừng trong sự nghiệp giáo dục đào tạo tăng tài “Truyền đăng tục diệm, báo Phật ân đức” tại các đạo tràng: Phước Ân, Bửu Lâm, Bửu Hưng, Phước Thạnh, Tân Long, Thới Long, Hội Khánh, Thiên Phước, Long Thiền, Phước Huệ, Long An, Hải Huệ, Kim Huê, Thiền Lâm, Phước Thạnh, Tam Bảo, và các tỉnh Sóc Trăng – Cà Mau…


Dấu chân hoằng hóa của ngài in đậm trên khắp nẻo đường cát bụi miền Tây Nam Bộ. Mỗi bước chân an lạc của ngài, nơi đó sen hồng nở ngát hương trong lòng người con Phật.


Những bộ kinh ngài chọn giảng dạy, đều mang đậm chất trải nghiệm trong sự nghiệp tự thân tu hành như: Khuyến Phát Bồ Đề Tâm Văn, Tứ Thập Nhị Chương, Nhị Khóa Hiệp Giải, Quy Sơn Cảnh Sách, Phật học Dị giải, Bát thức Quy củ v.v… Tăng ni chúng học được ngài giáo dưỡng tại Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, nhiều người đã thành tựu có học hàm học vị là cử nhân, tiến sĩ, hiện đang nắm giữ những vị trí quan trọng trong Giáo hội cũng như kế thừa sự nghiệp giáo dục của ngài như: Thích Thiện Năng, Thích Thiện Mỹ, Thích Minh Thuần, Thích Lệ Thọ, Thích Huệ Tâm, Thích Trí Hải, Thích Chơn Tâm, Thích Chơn Trí, Thích Lệ Nhựt, Thích nữ Như Tâm, Thích nữ Như Thanh, Thích nữ Như Từ v.v…


Qua sự cống hiến như những cánh chim không mỏi, ngài vẫn tâm niệm câu lục tự Di Đà với đầu ngữ “Vạn duyên phóng xả, nhứt đao nhị đoạn” làm chỉ nam, y cứ cốt tủy bài kinh Khuyến phát Bồ Đề Tâm văn do ngài giảng dạy thuở nào,... Đến tuổi lục tuần, tùy duyên theo sự sắp xếp của Giáo hội, ngài khiêm tốn ngồi chứng minh, để cùng mọi người đưa PG tỉnh nhà đi lên. Cũng vào những năm này, ngài xuất gia cho 4 nữ đệ tử, qua tu học được khai tâm mở trí, có 3 người có đạo tràng ở 3 nơi trù phú.


Tuổi hạc niên cao, ngài luôn sống tịnh lạc, sự vô tư của ngài luôn tùy duyên thanh nhàn “cư trần lạc đạo”. Khi tăng, ni, phật tử đến tham vấn cầu học, ngài rất chân tình từ tốn nhưng hùng hồn trong huấn thị, phát ngôn của ngài mang đậm dấu ấn trong thể nghiệm giáo lý Phật đà. Tâm ngài thanh thản như ngọn thu phong thoảng trong không gian mênh mông vô tận...


Vào thời điểm ngoài thất thập cổ lai hy, được thỉnh làm cố vấn cho Giáo hội tỉnh nhà, ngài hoan hỷ mỉm cười từ tốn rằng: Kẻ đi trước rước người đi sau, mới gọi là “Phật nhật tăng huy, pháp luân thường chuyển”. Ngài xem việc giáo dục đào tạo và bồi dưỡng tăng chúng, trong hai lĩnh vực tu - học như là dưỡng chất, là niềm vui tinh thần của mình. Cho đến tuổi đã xế chiều mà ngài vẫn đăng đàn truyền giới vì sự nghiệp kế thừa của đàn hậu tấn.


Trong sự nghiệp hành chính Giáo hội, ngài đã trải qua các chức vụ:


- Năm 1964, Chánh Thư ký GHPGVNTN tỉnh Sa Đéc – Vĩnh Long.


- Năm 1972, Đặc ủy Văn hóa – Phụ tá tăng sự GHPGVN tỉnh Sa Đéc.


- Năm 1984, Ủy viên Văn hóa GHPGVN tỉnh Đồng Tháp.


- Năm 1982-1985, Ủy viên Nghi lễ GHPGVN tỉnh Đồng Tháp.


- Năm 1998, ngài được Tỉnh hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Tháp tôn vinh lên hàng Giáo phẩm Chứng minh Tỉnh hội, ngài cũng là thành viên HĐCM T.Ư GHPGVN cho đến khi viên tịch.


Trong đời sống, ngài rất bình dị, luôn thể hiện câu: “Tri túc thường lạc”. Ngài thực sự hiền hòa đáng là một vị chân tăng trưởng lão Hòa thượng.


3. Thời viên tịch


Nhạn quá trường không, ảnh trầm hàn thủy, nhạn vô lưu tích chi ý, Thủy vô lưu ảnh chi tâm...

Thuận thế vô thường, ngài giã từ cõi tạm cát bụi phù du, xả huyễn thân, thể nhập chân thường vào lúc 14h30 phút, ngày 01/09/2017 (ngày 11/07/Đinh Dậu) tại chùa Chánh Giác, xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Trụ thế 90 Xuân, 70 Hạ lạp, với cao danh Hòa thượng Trưởng lão.


Sinh tiền ngài sưu tầm và biên soạn: kinh A Di Đà Nghĩa và 36 bài Sám hay; xuất bản năm 1961, Liên Hoàn Sám nguyện; xuất bản năm 1961...


Sự ra đi của ngài là một mất mát lớn của GHPGVN nói chung và tỉnh Giáo hội PG Đồng Tháp nói riêng, cũng như toàn thể tăng ni, phật tử vô vàn kính tiếc một bậc thầy trọn đời hiến thân cho sự nghiệp giáo dục đạo đức Phật giáo, kính nguyện giác linh ngài sớm hồi nhập ta bà quảng độ quần sinh.


Nam mô Chánh Giác đường thượng Từ Lâm Tế chánh tông, tứ thập nhất thế pháp húy Không Tâm, hiệu Thiện Tâm, Trần công Giác linh Trưởng lão Hòa thượng.

PG Đồng Tháp

PGVN

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/tieu-su-dai-lao-hoa-thuong-thich-thien-tam-1928-2017-d28241.html)
Từ khóa: tiểu sử

Chủ đề liên quan:

tiểu sử

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY