Năm 1226, do sự đạo diễn chính trị của Trần Thủ Độ, vua cuối cùng nhà là Lý Chiêu Hoàng đã nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Trần Cảnh lên ngôi Hoàng Đế, lập ra triều đại nhà Trần. Nhà Trần tồn tại 175 năm (1226- 1400)[1], truyền được 13 đời vua, vẫn cứ lấy tên nước là Đại Việt kinh đô là Thăng Long.
Thời nhà Trần, quân và dân Đại Việt đã ba lần chiến thắng quân Nguyên - Mông xâm lược: lần thứ I năm 1258, lần thứ II năm 1285, lần thứ III năm 1287. Từ cuối thế kỷ XIV, triều đại nhà Trần bắt đầu suy vong, phong trào nông dân khởi nghĩa bùng nổ khắp nơi. Trước tình hình đó, Hồ Quý Ly - một quý tộc trong triều đã ép vua Trần nhường ngôi cho mình để lập ra triều đại nhà Hồ. Nhà Trần chấm dứt đế nghiệp từ đây. Hồ Quý Ly, lên ngôi Hoàng đế - đặt tên nước là Đại Ngu (đóng đô ở Tây Đô - Thanh hóa).
Dưới triều đại nhà Trần, Phật giáo trở thành Quốc giáo, hệ tư tưởng Phật giáo đã được tiếp biến hòa nhập hoàn toàn với nền văn hóa dân tộc Việt, phù hợp với tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân, khát khao độc lập dân tộc và yêu chuộng hòa bình, tinh thần hòa hợp dân tộc được đẩy lên cao độ.
Khi đất nước lâm nguy Phật giáo đã phát huy sức mạnh trí tuệ và tập hợp sức mạnh tinh thần đoàn kết nhân tâm: Ông Bụt cũng từ bi, Phật bà cứu khổ và hệ giáo lý sống động thực tiễn đi vào đời sống, đạo và đời gắn bó đã làm nên sức mạnh vô song để đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược. Điều đó được thể hiện qua ba trận đánh quân Mông Nguyên lịch sử đã đi qua hơn 700 năm mà ngày nay vẫn được cả dân tộc nhắc tới: “Vua Trần Nhân Tông ngăn chặn việc ác của quân Mông Nguyên và cứu dân Việt Nam, việc làm cao đẹp này lưu danh đến ngày nay, trải qua 700 năm, Phật giáo chúng ta vẫn tôn thờ Ngài là Phật, Nhà nước coi Ngài là vị anh hùng dân tộc”[2].
Một đặc sắc nửa của Phật giáo thời Trần là tinh thần nhập thế “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian pháp”[3]. Đạo và đời cả hai dung hợp, thể nhập linh động sáng tạo và diệu dụng trong mọi hoàn cảnh xã hội. Có thể nói các vị quân vương và các vị Thiền sư thời Trần đã sử dụng đúng tiềm năng và giá trị của đạo Phật và làm cho Phật giáo trở thành một tư tưởng triết lý hùng mạnh sống động, có công năng uy lực trong xây dựng và phát triển đạo pháp, cũng như bảo vệ và mở mang đất nước dưới triều đại nhà Trần.
Khi tìm hiểu về Phật giáo thời Trần, đạo Phật không chỉ có dân tu tập sùng mộ mà vua cũng tu, hoàng thân quốc thích, hoàng hậu, phi tần, công chúa, quan lại cũng tu. Nhà Nho Lê Quát đời Trần cho rằng: “Phần nửa thiên hạ đi tu”[4]. Phật giáo lúc bấy giờ có ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực của đời sống, văn hóa, tư tưởng, chi phối hầu hết mọi tín ngưỡng, tập tục của người Việt. Không biết từ bao giờ những ngôi chùa trở thành bộ phận hữu cơ, gắn bó mật thiết với cộng đồng xã hội “Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt ”[5]. Đó cũng chính là những trí thức đầu tiên của làng, những người có uy tín, được trọng vọng đã góp phần động viên quần chúng trong nhiều cuộc kháng chiến chống xâm lược phương Bắc của dân tộc ta đi đến thắng lợi.
Tiếc rằng nửa sau thế kỷ 14, các vị vua nhà Trần lại có khuynh hướng trọng dụng Nho giáo, giới tri thức Nho giáo bước lên vũ đài chính trị và nhà Trần cũng bắt đầu suy tàn từ đó. Còn Phật giáo đi sâu vào dân gian và trở thành văn hóa quần chúng nhân dân với tinh thần vị tha, chất phác, bình đẳng và yêu thương, từ bi cứu khổ cứu nạn, tình thương đồng loại. Đây là sức sống bền bỉ của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử cho đến hôm nay
Với tất cả các yếu tố trên, Phật giáo Đại Việt thời Trần đã thực sự trở thành một hình mẫu, lý tưởng đặc sắc rất riêng có sức ảnh hưởng và tác động nhiều mặt trong đời sống xã hội, làm nên một thời đại hưng thịnh và vẻ vang trong lịch sử Đại Việt thời Trần.
Không chỉ thành công trong việc bảo vệ chính thể và sức mạnh của dân tộc mà Đại Việt thời nhà Trần đã xây dựng được một Phật quốc Đại Việt với bản sắc và văn hóa thuần việt, đó là ra đời của một Phật giáo Nhất tông: “Quá trình hình thành và phát triển Thiền phái Trúc Lâm đời Trần, một Thiền phái mang đậm một bản sắc dân tộc độc lập, tự chủ không hề phụ thuộc hay chịu ảnh hưởng bất cứ Thiền phái Phật giáo nào từ Trung Hoa”[6] . đó chính là tinh thần nhập thế rất riêng của Phật giáo Đại Việt thời Trần.
Trong suốt chiều dài của lịch sử với bao nhiêu thăng trầm Phật giáo vẫn đứng vững và phát triển mạnh mẽ cho đến hôm nay. Chúng ta không thể không kể đến Phật giáo Đại Việt thời nhà Trần. Khởi đầu là Trần Thái Tông tiếp nhận từ tư tưởng của Quốc sư Viên Chứng: “Sơn bản vô Phật, duy tồn hồ tâm, tâm tịch nhi tri, thị danh chân Phật”[7]. Đây là lời dạy cho bậc quân vương tu hành và Ngài Quốc sư cũng không quên dạy cho vua các trị nước: “Làm vua thỉ phải lấy lòng dân làm lòng mình, dân chúng muốn thế…”[8]. Vua cũng với Trần Thánh Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ là những người đặt nền móng cho Phật giáo Nhất Tông Yên Tử ra đời. Phật giáo thời nhà Trần mọi mặt đều nổi trội hơn cả về tư tưởng, cũng như văn hóa, giáo lý, sự tu chứng…Khó nói hết được những đặc sắc của Phật giáo thời đại nhà Trần.
Nhưng chúng ta có thể biết được hai thành tựu nỗi bật mang tính dân tộc, tính thời đại sâu sắc đó là: Tinh thần nhập thế tích cực của Phật giáo thời Trần của những vị Thiền sư, Chư Tăng, Vua, Cư sĩ, Phật tử… tích cực đóng góp công sức xây dựng cuộc đời tươi đẹp hiện tại và sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm đã làm rạng rỡ lịch sử nước nhà nói chung và lịch sử Phật giáo Đại Việt nói riêng.
Vua Trần Nhân Tông dù đạt được vinh quang tột đỉnh trong cuộc đời, nhưng Ngài đã thể hiện được một tinh thần thoát tục tuyệt vời, khi Ngài truyền ngôi lại cho con là Trần Anh Tông giữa độ tuổi đang sung sức để rồi lên núi Yên Tử xuất gia tham thiền, nhập định, chứng ngộ đạo quả, đem trí tuệ soi sáng cho mọi người.
Với tư tưởng siêu thoát như vậy Trần Nhân Tông không chỉ là vị vua hết sức anh minh, vị Phật của Đại Việt mà còn là nhà tư tưởng lớn, nhà thơ lớn, Ngài đã để lại cho đời nhiều tác phẩm, nhưng nổi tiếng và đậm chất thiền vị nhất có lễ là bài: “Cư Trần Lạc Đạo”. Đã mang những âm hưởng tự tại, giải thoát và có tính triết lý cao siêu nói lên được hai mặt trong cuộc đời đó là: “Chân đế và tục đế ”[9] hay nói cách khác dễ hiểu hơn là “sự và lý” có mối liên hệ hữu cơ không tách rời, cũng là nói lên sự tự tại giải thoát của người giác ngộ:
Tinh thần “Tùy duyên bất biến”[12] trong giáo lý nhà Phật được Ngài Trần Nhân Tông thấu triệt qua lý thiền, đạt được t*m đ*o, sự lý viên dung, thông các pháp, sự sự vô ngại thì ở trong đời vẫn có thể làm việc lợi lạc quần sanh, lúc này những việc tầm thường nhưng không còn là tầm thường nữa. Làm việc gì cũng thành tựu bởi trí tuệ hiện tiền thì chính là người sống vui với đạo, sống hữu ích cho đời.
Giữa bao la vạn tượng, vô cầu là người thảnh thơi an lạc: “Hễ đói thì ăn, mệt thì ngủ, khát thì uống” là nếp sống thường ngày. Có thực mới vực được đạo, khi vật chất vừa đủ thì bắt đầu lo tinh thần, đó là nghĩa cũng tùy duyên, tùy hoàn cảnh của nhân sinh xã hội. Chính hai câu đầu của bài phú đã nói sự cần thiết của đời sống nhân sinh: “Ở đời vui đạo hãy tùy duyên – Đói đến thì ăn mệt ngủ liền”.
Một trạng thái thảnh thơi an lạc của một vị Thiền sư, người thường thì không thể có được, nhờ chuyển hóa thân tâm làm cho lắng động tham, sân, si ba nghiệm thanh tịnh thì thân và tâm ta mới thảnh thơi được “Muôn nghiệp lặng, an nhàn thể tánh”[13] nên đời sống ngày càng tốt hơn, đạo thì vui, ở trong cuộc đời này không thể không có những chuyên bình thường như vậy, cho dù là người tu hay người đời là vì sao ?.
Bởi vì, chúng ta bị tham, sân, si chi phối, làm cho tâm trí điên đảo nên thấy biết sai lầm, còn Ngài Trần Nhân Tông là người đạt được quả chứng nên nhận thức được đời sống thực tế, đó nên ngài cũng diệu dụng của một bậc thánh giả trong mỗi hoàn cảnh không muốn làm khác đi mà vẫn cao siêu hơn người khi ngài nhận chân được báu vật “Chân tâm”[14] của chính mình, thì cuộc sống được tự tại, giữa vô thường vẫn thấy cái chân thường, giữa đau khổ của cõi đời mà mình vẫn an lạc, giữa những sự bận rộn lo toan của cuộc đời mà được thảnh thơi nhàn nhã, diệu dụng phương tiện thiện xảo cứu đời, cứu người mà không dính mắc, thật là tuyệt vời, là sự thành tựu cao nhất, vinh quang nhất của mỗi kiếp nhân sinh là hai câu cuối bài: “Cư Trần lạc Đạo” như sau: “Trong nhà có báu thôi tìm kiếm – đối cảnh vô tâm hỏi chi thiền” là dụng ý nói lên con người học đạo thấy được “Phật tánh” sáng suốt, diệu dụng vô cùng vì đây là kết quả của hành giả tự tu tập chứng nghiệm chứ không thể mong cầu tìm kiếm đàng ngoài thân tâm có được, chỉ cần trừ bỏ “tam độc” thì Phật tánh hiển lộ là đạt được mục đích tối hậu của người tu sĩ Phật giáo.
Cho nên trong “Thiền uyển tập anh, Thiền sư Thường Chiếu có dạy: Rõ tâm mình mà tu đạo, thì ít sức mà dễ thành; không rõ tâm mà tu đạo, thì chỉ phí công vô ích mà thôi”[15]. Như vậy có thể nói Ngài Trần Nhân Tông là người thấy rõ bổn tánh tức thì ứng với câu: “Trực ngộ chân tâm, kiến tánh thành Phật ”[16] trong kinh Pháp Hoa, cũng như trong Pháp Bảo Đàn Kinh, Kinh Lăng Nghiêm.Thật là ứng với tâm ấn của chư Tổ Thiền tông. Thiền sư Thiện Hội có dạy cho học trò của mình là Thiền sư Vân Phong “Chính trong sinh tử, mới nắm được không sinh tử ”con người có thể giác ngộ ngay trong đời sống thường nhất của chính mình.
Trong “Cư Trần Lạc Đạo” của Ngài Trần Nhân Tông được thừa hưởng những tư tưởng và quan điểm: “Tâm tịch nhi tri, thi danh chân Phật (dịch) Lòng lặng mà biết, đó chính là chân Phật ” là quan điểm mới về Phật được hình thành trong bối cảnh Đại Việt thời bấy giờ. Thật cụ thể ngay chính cõi đời này có thể thành Phật, dứt khoát không có sai, cho nên khi mê không biết ta là Phật, Phật và ta không là hai chẳng phải một đó chính là giá trị nhân văn sâu sắc trong tâm mỗi con người. Tìm kiếm rong ruổi ngoài chi cho mất công, mãi một việc không xong, ngồi lại nhìn vào tâm mình, khi tỉnh rồi hãy ra giúp cho đời tươi đẹp.
Vậy học thuyết của “Cư Trần Lạc Đạo” ngài Trần Nhân Tông thực sự mang tư tưởng nhân văn cao thượng, vượt trên mọi ước lượng, suy lường viễn vông, mà thực sự có giá trị ngay trong đời sống hiện tại nơi chính con người của Ngài. Vừa làm vua, vừa làm vị Phật “Tìm Phật là tìm lại bản tâm, tìm lại tấm lòng mình”. Nếu nhận thức được như vậy thì mọi người đều bình đẳng, đều có thể thành Phật, “Học đạo bất phân nam nữ tướng – Tu hành bất luận phú hay bần” không phân biệt sống giữa đời hay sống ẩn dật trong rừng núi, không phân biết là ai nếu biết sống được với tâm mình thì người ấy thành Phật.
Cũng ứng với lời dạy Quốc sư Viên Chứng: “Sơn bản vô Phật, duy hồ tại tâm” Thật quá rõ ràng khi so với câu “Trong nhà có báu thôi tìm kiếm ”của Trần Nhân Tông thật là khế hợp với lời của Quốc sư Viên Chứng dạy Trần Thái Tông. Rõ ràng là có ảnh hưởng hệ tư tưởng truyền thừa đồng nhất quan điểm của “Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Tuệ Trung Thượng Sĩ, để rồi rút ra tư tưởng cốt lõi và đúc kết “Cư Trần Lạc Đạo” trở thành học thuyết làm nền tảng cho nhà Trần thịnh vượng lâu dài, chói sáng trong trang sử Việt Nam. Thể hiện một tinh thần nhân văn tuyệt vời trong chính hồn thơ của Phật Hoàng Trần Nhân Tông.
Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc trong suốt chiều dài của lịch sử, chống lại sự xâm nhập, đồng hóa của Trung Hoa. Phật giáo du nhập vào nước ta bằng con đường hòa bình nên có sự tiếp nhận và hòa nhập văn hóa Việt. “Bình minh lịch sử dân tộc ta cũng gắn liền với Phật giáo. Đó là ghi nhận của nhà nghiên cứu sử học Trần Văn Giàu”[17] Nghiễm nhiên nếp sống văn hóa Phật giáo đi sâu vào mỗi cá nhân, gia đình, xã hội Đại Việt thời bấy giờ. Tư tưởng nhập thế của Phật giáo đóng vai trò chủ đạo chống lại sự đồng hóa của ngoại bang, tạo nên bản sắc văn hóa Việt, do đó Phật giáo vượt khỏi khuôn viên nhà chùa, đóng góp nhiều công sức trong công cuộc kiến thiết và xây dựng đất nước rất cụ thể: “các tri thức Phật giáo - những trí thức đầu tiên của dân tộc, đóng vai trò quan trọng đối với nền chính trị quốc gia. Tăng thống Ngô Chân Lưu hiệu Khuông Việt đại sư và Thiền sư Đỗ Pháp Thuận là hai trong số những trí thức yêu nước tiêu biểu ấy”[18].
Thiền sư Đỗ Pháp Thuận là ‘Người có công dự bàn sách lược’ đại diện triều đình tiếp sư thần nhà Tống khiến họ nể phục . Thiền sư Vạn Hạnh có công đưa Lý Công Uẩn lên ngôi. Các vị của dân tộc Đại Việt như Thiền sư Mãn Giác, Thiền sư Thường Chiếu Quốc sư Phù Vân, Quốc sư Đại Đăng, Thiền sư Tiêu Diêu, Thiền sư Huyền Quang, Pháp Loa, Trí Viễn, Trí Thông.v.v.[19]. Đến thời nhà Trần không chỉ có các vị Thiền sư mà còn có các vua đều là các Thiền gia đắc pháp bên cạnh các cư sĩ như Tuệ Trung … như là những vị có công lớn trong việc hộ quốc an dân, cũng là các nhà thơ trong thời đại. Khi xong việc lại rút về nếp sống thiền môn thanh nhàn nên không có chuyện tranh chấp giữa giáo quyền và thế quyền qua cái nhìn duyên sinh, với tinh thần vô ngã, vị tha, độ lượng, cống hiến cho đời không đòi hỏi đã góp phần đưa tư tưởng nhập thế siêu việt của Phật giáo làm nên bản sắc dân tộc Đại Việt, chấn hưng an bang tế thế, tạo nên hào khí Đông A bất diệt muôn đời.
Với quá trình nghiên cứu: “Tinh thần nhập thế của Phật giáo Đại Việt trong sự nghiệp phát triển đạo pháp và xây dựng đất nước thời Trần” là người con Phật, chúng con khát khao được sống lại với quá khứ hào hùng của dân tộc với “Hào khí Đông A ngút trời, một Phật giáo hưng thịnh được xây dựng trên nền tảng lịch sử Thiền phái Trúc Lâm, cả dân tộc Đại Việt bước sang kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập tự chủ để xây dựng đất nước”[20]. Gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc anh hùng với những nhân vật mà tên tuổi gắn liền trong lịch sử dân tộc, lịch sử Phật giáo Đại Việt như: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông…Vừa làm vua, vừa làm Phật ngay giữa cõi đời, thật hiếm có trong lịch sử nước nhà và lịch sử thế giới.
Không chỉ có các vị tướng anh hùng, vị vua Phật mà còn có sự tham gia đóng góp tích cực của các vị: Quốc sư Phù Vân, Quốc sư Đại Đăng, Tổ Pháp Loa, Tổ Huyền Quang, Thiền sư Cảnh Ngung…Cùng Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ…Thật khó nói hết thời đại ưu tú với những con người thắp lên niềm tin, chiếu sáng công hạnh, phổ nguyện chúng sinh, vô ngã vị tha, từ bi trí tuệ đã làm nên những trang sử sáng chói bất diệt cho con dân Đại Việt thời nhà Trần. Những tư tưởng, quan điểm “Phật tại tâm, Hòa quang đồng trần, Cư Trần lạc đạo, Tùy duyên…” đã được sáng tạo và nâng tầm khi đi vào hiện thực cuộc sống, làm nền tảng tư tưởng cho cả hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa, tôn giáo và tín ngưỡng dân tộc. Tạo ra sức mạnh vô song đủ sức đương đầu với thế với các thế lực ngoại xâm, gìn giữ, bảo vệ thành công Đại Việt. Tạo ra định hướng đúng đắn để phát triển đạo pháp. Không những thế nó còn trở thành ý thức hệ nhân văn sống mãi với thời gian, tư tưởng nhân văn căn bản ấy ăn sâu vào xương tủy của mỗi người dân Việt, là khát khao cháy bỏng phục hồi những giá trị nhân văn và đạo đức vốn có của Phật giáo, đáp ứng nhu cầu lịch sử của từng thời đại.
Ngày nay, chúng ta đang sống giữa thế kỷ XXI, một xã hội hiện đại với nhiều tiến bộ về khoa học kỹ thuật, mang đến cho con người vô số tiện lợi, hữu ích của cuộc sống. Nhưng cùng mang lại cho con người và xã hội vô số phiền lụy và nguy hiểm như: “Đạo đức xuống cấp”[21]. Đả phá tinh thần bài bác Tôn giáo một cách mù quáng, thiếu cơ sở khoa học và khiếm nhã. Truyền bá sai các quan điểm vật chất, tinh thần, hiện thực và siêu thực, mê tín dị đoan...Hiện tại lối sống của một bộ phận giới trẻ bị mất phương hướng, rồi xảy ra các điều đáng tiếc đối với các gia đình và xã hội.
Trong ý nghĩa đó, tìm về “Tính nhân văn trong Cư trần lạc đạo của Trần Nhân Tông” có ý nghĩa tích cực làm vực dậy ý thức nhân văn và lý tưởng sống của con người, hướng về một cuộc sống tốt đẹp, sống và cống hiến hết mình cho đời bằng cả tình yêu và nhiệt huyết. Một khi con người biết sống vị tha, có nhân văn thì tốt đẹp cho mọi người và vì cuộc đời thì cuộc sống này thật có ý nghĩa.
Là người Việt ai cũng muốn được sống lại tinh thần và hào khí Đông A vang vọng một thời. Nhưng thật khó để khôi phục lại các giá trị cốt lõi của tinh thần nhập thế Phật giáo thời Trần sau thời gian bị lãng quên, đó cũng là một bài học lịch sử để lại cho thế hệ trẻ hôm nay nhiều suy nghĩ. Muốn tạo được nguồn cảm hứng dấn thân phục vụ tha nhân, chúng ta phải biết khơi dậy niềm tự hào dân tộc, phải biết văn sử nước nhà, phải khôi phục lại hệ tư tưởng nhân văn cao đẹp trong thơ thiền của Trần Nhân Tông nói riêng, mà phải đưa được hệ tư tưởng nhập thế của Phật giáo vào trong môi trường giáo dục một cách hệ thống để rồi có những tiếp biến phù hợp với hoàn cảnh thời đại và cũng là muốn tạo nên nét đặc trưng riêng của Phật giáo Việt Nam thời hội nhập.
1. Ngô Đức Thọ - Hoàng Văn Lâu dịch, 2017, Đại Việt sử ký toàn thư, Bản in nội các quan bản.(Mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18(1697)), Nxb Văn học, Hà Nội, tr.213-348.
2. Hòa thượng Thích Trí Quảng (2011). Khai Thị-2009, Nghề nghiệp chân chánh, Nxb Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, tr.347.
3. Phật pháp ở tại cõi đời này, không tìm ngoài có được. Đạo không thể tách rời cuộc đời và đời không thể thiếu vắng đạo được.
4. Người xuất gia quá đông, chùa chiền đâu cũng có, lúc này đạo Phật hưng thịnh nhất trong lịch sử Việt Nam.
5. Thích Minh Châu (2001). Chánh Pháp Và Hạnh Phúc, Chùa Việt Nam và mối liên hệ với nền văn hóa dân tộc, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 257.
6. Thích Phước Đạt (2013), Giá Trị VH Trong Tác Phẩm của Thiền Phái Trúc Lâm,Nxb Hồng Đức, Hà Nội, tr. 43.
7. Thư Viện Đại Học Vạn Hạnh (1970. Tư Tưởng Số 4 (Năm 1970), Thiền Tông Đời Lý, In tại Đăng Quang - Phan Thanh Giản - Sài Gòn, tr.51.
9. Tỷ Kheo Trí Quang (2010). Tổng Tập Giới Pháp Xuất Gia (Tập 1 & 2), 1. Kinh Phụng Kinh Dị giáo: Hai, Lược Giải, Nxb Văn Hóa Sài Gòn, TP. Hồ Chí Minh, tr.180.
11. Hoàng Thị Ngọ, khảo cứu (2009).Trung tâm nghiên cứu Quốc học. Thiền Tông Bản Hạnh, Nxb Văn Học.TP.HCM. tr.125.
12. Thích Tâm Hạnh (2012). Hãy Là Chính Mình, Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử, Nxb Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, tr. 56.
14. Hòa thượng Thích Trí Quảng (1999). Lược giải Kinh Pháp Hoa, 26. Phẩm 24 Diệu Âm Bồ Tát, Thành Phố Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, tr. 639.
15. Lê Mạnh Thát(1999), Nghiên cứu về Thiền Uyển Tập Anh, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, tr. 238.
18. Ban Giáo Dục Tăng Ni TW (2012). Hội Thảo Khoa Học: Giáo Dục Phật Giáo - Định Hướng & Phát Triển, Từ Những Đóng Góp Của Các Trí Thức Phật Giáo Trong Quan Hệ Bang Giao Việt - Trung Buổi Đầu Kỷ Nguyên Độc Lập Đến Những Suy Ngẫm Về Nền Giáo Dục Phật Giáo Ngày Nay, Lưu hành nội bộ, tr.138.
21. Thích Thiện Siêu (2002). Thức biến, Đạo Phật Ở Huế Và Vấn Đề Văn Hóa Xã Hội, Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, tr. 305.
Chủ đề liên quan:
Cư trần lạc đạo Lạc Đạo nhân văn Phật giáo trong thời đại nhà Trần Thiền phái Trúc Lâm Trần Nhân Tông