Khi một người phụ nữ mất chồng, cô ấy được gọi là ‘goá phụ’. Khi một đứa trẻ mất cha mẹ, chúng được gọi là trẻ mồ côi. Nhưng khi một ông bố, bà mẹ mất con, trong tiếng Anh, không có từ nào để gọi họ. Bởi vì nỗi đau ấy quá lớn, không có từ ngữ nào có thể miêu tả được.
Thật không may khi chị Jang Ji-sung phải trải qua nỗi đau ấy khi cô Nayeon, 7 tuổi của chị qua đời cách đây 3 năm. Nhưng nhờ có công nghệ thực tế ảo (VR) mà bà mẹ người Hàn Quốc này lại được gặp lại con mình, dù chỉ là trong vòng vài phút.
MBC – một đài truyền hình của nước này đã biến điều không thể thành có thể bằng một bộ phim tài liệu ngắn có tên là ‘Gặp con’. Bộ phim được phát sóng ở Hàn Quốc hôm 6/2.
Khoảnh khắc 2 mẹ con chị Jang gặp nhau – cuộc gặp gỡ của thế giới thực và thế giới ảo đã làm lay động bất cứ ai ngồi trước màn hình. Ngay lập tức, nó thu hút sự chú ý của báo đài trên toàn thế giới.
Theo đài MBC, nhóm sản xuất đã mất 8 tháng để phát triển công nghệ mô phỏng thực tế ảo này. Họ đã sử dụng công nghệ để ghi lại chuyển động của cô bé Nayeon và tái tạo giọng nói của cô bé. Sau đó, nhóm thiết kế một công viên ảo – nơi mà 2 mẹ con thường tới để làm bối cảnh cho cuộc gặp gỡ.
Trong đoạn phim, người xem nhìn thấy chị Jang nói chuyện với con gái, trong khi chồng chị và 3 đứa con khác của chị ngồi xem qua màn hình.
Khi Nayeon xuất hiện, chị Yang ngay lập tức bật khóc. ‘Mẹ, mẹ đang ở đâu? Mẹ có nhớ con không?’ – giọng cô bé vang lên.
Trong khi đó, chị Jang cố chạm tay vào con gái. Trong cuộc phỏng vấn, chị nói: ‘Tôi muốn chạm vào con bé. Tôi cố gắng cầm vào tay và vuốt má con bé’.
Chị còn hát cho con gái nghe bài hát mừng sinh nhật. Họ cùng nhau ăn súp rong biển – một món ăn sinh nhật truyền thống của Hàn Quốc. Nayeon thậm chí còn thổi nến và ước: ‘Con ước bố đừng hút Thu*c… và mẹ đừng khóc nữa’.
Cuộc gặp gỡ kết thúc khi Nayeon nằm trên giường, đọc cho mẹ nghe bức thư của cô bé nói rằng ‘con sẽ nhớ mẹ rất lâu’. ‘Tạm biệt mẹ. Con yêu mẹ’.
Nayeon quay lại với giấc ngủ, giống như một phép màu. Cô bé biến mất và bay đi trong hình dáng một con bướm.
Sau toàn bộ trải nghiệm, chị Jang cho biết hình ảnh ấy không hoàn toàn giống con gái chị, nhưng trong một khoảnh khắc, chị đã cảm thấy như mình được gặp lại con thực sự. Trải nghiệm này dạy chị một điều rằng không nên nhớ nhung con gái nữa, mà thay vào đó hãy yêu thương mình nhiều hơn.
Nayeon là 1 trong số 4 đứa con của chị Jang. Cô bé được chẩn đoán mắc một căn bệnh hiếm gặp có tên là haemochromatosis – tình trạng khiến một người hấp thụ quá nhiều chất sắt trong chế độ ăn uống và gây ra tình trạng ‘thừa sắt’. Nó được tích tụ trong cơ thể theo thời gian, làm hỏng nhiều cơ quan, trong đó có gan và cuối cùng gây ra bệnh, thậm chí là Tu vong. Hiện tại, căn bệnh này chưa có phương pháp điều trị.
Trước video tạo hiệu ứng lớn về mặt cảm xúc như vậy, nhiều người dự đoán rằng đây có thể sẽ là manh nha cho một ngành công nghiệp mới với các công ty công nghệ sẵn sàng cung cấp trải nghiệm gặp lại người thân đã mất cho những người đang sống. Rõ ràng đây sẽ là cơ hội kiếm tiền tiềm năng cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nhiều người nhìn nhận trải nghiệm này quá bi thảm và sẽ khiến những người sống không quên được nỗi đau. Nhiều người đặt câu hỏi: liệu rằng việc tái dựng lại hình ảnh, giọng nói của người đã mất chỉ để làm thoả mãn cảm xúc của người sống trong một vài phút có phải là một cách làm nhân văn hay không?