Tâm linh hôm nay

Toàn Nhật Thiền sư - đưa tinh thần Phật giáo xuống cho triều đại Tây Sơn

Điều quan trọng không phải là sống ở thị thành hay núi rừng. Vấn đề là làm sao giác ngộ được sự thật. Đấy mấu chốt của vấn đề. Ta đã thấy sự giác ngộ có thể tìm thấy ở bất cứ nơi đâu, đặc biệt là chính giữa cuộc đời trần tục đầy những hệ lụy thế sự. Chính trong cuộc sống trần tục ấy mà giác ngộ được thì giá trị còn nâng lên gấp bội.

Nhưng nếu trước khi xuất gia, Toàn Nhật đã từng làm tướng rồi sau đó mới “tuốt dép lánh xa khỏi nơi doanh liễu”. Vậy thì bây giờ ta thử xem Thiền sư Toàn Nhật đã làm tướng cho triều đại nào?


Theo tác giả Toàn Nhật Quang Đài, trong những tác phẩm đã tìm lại được thì chỉ có tác phẩm Xuất gia tối lạc tỉnh thể tu hành vãn là Toàn Nhật có nhắc đến triều đại nhà Nguyễn:


Ấy triều đại cổ kim thật lục

Nối truyền qua bản quốc Nam thiên

Những vì thánh chúa tôi hiền

Tượng kinh tôn trọng chùa chiền nghiêm trang.

Nỗi riêng than có thành có quách

Nếu vui thôi thì ắt thái qua

Mừng nay minh chúa Nguyễn Gia

Trung hưng chánh pháp gần xa tôn sùng.

Dựng tăng phòng lại trau Phật điện

Tạo trống chuông nổi tiếng vang lừng

Tăng ni thong thả tu thân

Cảnh thiền tiêu sái áng trần phiền lao.


Nhưng thời bấy giờ ở Đàng Trong có hai chúa Nguyễn, là Nguyễn Gia Long và Nguyễn Tây Sơn, vậy câu: “Mừng nay minh chúa Nguyễn Gia” của Toàn Nhật muốn nói đến Nguyễn Gia Long hay Nguyễn Tây Sơn?


Và đây là lời giải đáp của giáo sư Lê Mạnh Thát, tác giả Toàn Nhật Quang Đài:


“Đương nhiên, nó không thể là nhà Nguyễn của các chúa Nguyễn bởi vì kể từ năm 1771 trở đi, lúc Toàn Nhật mới 14 tuổi, thì toàn bộ dòng họ chúa Nguyễn đã bị đánh bật ra khỏi ngôi vị của mình, để có thể làm chuyện “trung hưng chánh Pháp”. Do vậy, chỉ có thể là nhà Nguyễn Tây Sơn hay nhà Nguyễn Gia Long mà thôi. Đối với nhà Nguyễn Gia Long, tuy Toàn Nhật sống hơn 30 năm còn lại của đời mình dưới sự thống trị của dòng họ này và đã biểu thị một thái độ hết sức đặc biệt. Ông hầu như không thừa nhận sự hiện diện của nhà Nguyễn ấy qua việc ông không bao giờ sử dụng niên hiệu của các vị vua nhà Nguyễn trong các tác phẩm để ghi lại những đơn vị thời gian cần thiết.


Chẳng hạn, trong ba bài bạt ta hiện tìm được viết cho những lần in kinh năm 1819 và 1829, thì một bài bạt không đề ngày tháng gì hết, còn hai bài bạt kia, ta chỉ thấy ghi “tuế thứ Kỷ Mão” và “tuế thứ Kỷ Sửu”. Việc ghi niên đại kiểu này, trong khi đất nước đang có chủ quyền, là một biểu thị khinh nhờn cực kỳ nghiêm trọng đối với nhà đương quyền. Nói trắng ra, Thiền sư Toàn Nhật không thừa nhận nhà Nguyễn Gia Long là chính thống, do thế đã không sử dụng niên hiệu của Gia Long và Minh Mạng ngay cả lúc cần thiết.[1]

Trong tác phẩm Lược sử Phật giáo và các chùa Phú Yên, hai tác giả Nguyễn Đình Chúc và Huệ Nguyễn khi viết về Thiền sư Diệu Nghiêm và chùa Từ Quang cũng xác nhận rằng: “Đệ tử thành đạt của tổ sư có đến 28 vị thành danh, trong đó có Thiền sư Toàn Nhật Quang Đài nguyên là mưu thần của vua Quang Trung về sau xuất gia và làm trụ trì chùa Viên Quang”.[2]


Nhưng tại sao Toàn Nhật đã gặp được “Chúa thánh tôi hiền” để phục vụ lại phải vội vã từ giả khi mới có 30 tuổi đầu? Chắc chắn phải có một biến cố đau lòng nào đó? Tác giả Toàn Nhật Quang Đài cho rằng:


“Lý do cho sự từ quan có thể xuất phát từ cuộc tranh chấp nào đó, mà ngày nay vì thiếu tư liệu, chúng ta không thể nào xác định được một cách rõ ràng. Trong Từ Quang Tự sa môn Pháp chuyên Luật truyền Diệu Nghiêm Thiền sư xuất thế nhân do sự tích, dù được viết vào năm Gia Long thứ 3 (1805) nhà Tây Sơn xung đột với nhau bằng từ ngữ “thủ túc tương tranh”. Ta biết việc kéo quân vào Quy Nhơn vây Nguyễn Nhạc xảy ra vào khoảng tháng 9 năm 1786 sau khi đã rút quân khỏi Thăng Long vào tháng 7 năm Bính Ngọ (1786), và Nguyễn Nhạc đã than khóc với Nguyễn Huệ về việc nồi da xáo thịt. Như vậy khi Toàn Nhật nói mình xuất gia vào năm 30 tuổi, và ông lại sinh vào năm Đinh Sửu (1757), thì năm Bính Ngọ ông đúng 30 tuổi theo cách tính của người Việt Nam. Việc rũ áo từ quan đi xuất gia của Toàn Nhật do thế phải chăng đã liên hệ với sự kiện anh em Tây Sơn xung đột vừa nói?[3]


Trong suốt 2 tác phẩm Tham thiền vãn và Thiền cơ yếu ngữ vãn, ta nghe thấy một nỗi buồn nào đó với con đường lợi danh mà Toàn Nhật vừa rũ bỏ để ra đi.


Quyết một bề trèo non đào giếng

Kẻo lời phàm đeo tiếng thị phi

(Tham Thiền vãn)


Không phải chỉ buồn thôi mà còn có một cái gì đó vừa chua chát vừa đắng cay:


Danh lợi đã đề nên tiếng sĩ

Đâu ở mình xử kỷ chẳng toan

Súng kia nhắm dạng dè làn

Thiên cơ dễ biết ngộ duyên quân thần

Đã cầm cân non già từng nhắc

Dai hay sao tráo trác đấu đong

(Tham Thiền vãn)


Nhưng không sao, vì Toàn Nhật có đủ nghị lực cũng như ý chí để vượt qua những phong ba bão táp của cuộc đời, vì ông đã tự nhắc nhở cho chính mình:


Miễn là neo nọc cho bền

Gió lồng mặc gió, vững thuyền thì thôi

(Tham Thiền vãn)


hoặc là:

Lời thị phi khen chê mặc thế

Hơi nào mà cấm chợ ngăn sông?


Và nếu Toàn Nhật đã từng theo Chúa Nguyễn Tây Sơn, thì nhất định triều đại Tậy Sơn phải là một triều đại tôn sùng Phật giáo như Thiền sư Toàn Nhật đã hết lòng ca ngợi:


Mừng nay minh chúa Nguyễn Gia

Trung hưng chánh Pháp gần xa tôn sùng

Dựng tăng phòng lại trau Phật điện

Tạo trống chuông nổi tiếng vang lừng

Tăng ni thong thả tu thân

Cảnh thiền tiêu sái áng trần phiền lao


Tác giả Lê Mạnh Thát đã khẳng định như thế này: “Lịch sử và dã sử cũng như truyền thuyết đều xác nhận nhà nước Tây Sơn dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Huệ, đã có những chính sách cải cách Phật giáo thực to lớn. Điều này cũng không có gì lạ khi ta nhớ rằng trong ba anh em nhà Nguyễn Tây Sơn, có người đã ở chùa làm sư rồi sau đó mới ra làm tướng, làm vua.


Có thuyết nói rằng người đã từng làm sư ấy là Nguyễn Lữ, nhưng thuyết đáng tin cậy hơn lại nói người đó chính là Nguyễn Huệ. Ngày nay, tại chùa Trúc Lâm ở Huế còn giữ một tấm gấm thêu kinh Kim Cang bằng chỉ đỏ do Ngọc Hân Công chúa thực hiện vào năm Cảnh Thịnh thứ 2. Và văn tế vua Quang Trung do Ngọc Hân viết cũng nói đến cái ch*t của vua Quang Trung như “miền cực lạc xe mây vùn vụt”. Vua Quang Trung phải là người như thế nào về phương diện tôn giáo, thì Công chúa Ngọc Hân mới nới tới miền cực lạc. Cũng thế, thái độ tôn giáo của triều đình Tây Sơn Quang Trung như thế nào, thì Ngọc Hân mới thêu kinh Kim Canh Bát Nhã lên gấm”.[4]


Nguyễn Xuân Nhân, trong tác phẩm Văn học dân gian Tây Sơn cũng xác nhận như thế này đối với thông tin trên:


“Trước khi dấy nghĩa, Nguyễn Lữ cùng theo hai anh học văn học võ với thầy giáo Hiến. Sau đó có một thời gian xuất gia nên ông còn được gọi là thầy Tư Lữ. Mấy năm làm nhà sư, ông có dịp trao đổi võ thuật với các nhà sư Trung Quốc vốn là những người mang tư tưởng “Phục Minh Kháng Thanh” trú ngụ ở An Thái (Bình Định). Ông muốn cho bộ môn võ thuật nước nhà thích hợp với thể chất của người mình nên cùng các chiến hữu tìm hiểu kỹ các thế đánh của đôi gà chọi nhau, rồi sáng tạo nên nhiều thế đánh mới hợp thành một thể thống nhất gọi là Hùng Kê Quyền”.[5]


Nếu những điều trên có thể làm cho ta bán tín bán nghi vì nửa là lịch sử và nửa là dã sử thì những bằng chứng sau đây cũng của tác giả Toàn Nhật Quang Đài chắc chắn là sự khẳng định rõ ràng của lịch sử:


“Không những thế, triều đình nhà Tây Sơn, cụ thể là triều đình vua Quang Trung, gồm những người cốt cán lại là những phật tử. Ta có Hải Lượng đại Thiền sư, tức Binh Bộ Thượng Thư Ngô Thời Nhiệm (1746-1803) cùng những người trong Trúc Lâm Thiền viện của ông như Hương Lĩnh Bá Nguyễn Đăng Sở, Phan Huy Ích, Vũ Trinh… Ngoài ra vị quân sư của Nguyễn Huệ là Trần Văn Kỷ, lại có con đi xuất gia có hiệu là Đạo Minh Trung Hậu Hòa thượng. Triều đình nhà Tây Sơn do thế là một triều đình Phật giáo”.[6]


“Ngoài ra, từ Quang tự sa môn Pháp chuyên Luật truyền Diệu Nghiêm Thiền sư xuất thế nhân do tích chí có cho ta biết về việc thầy của Toàn Nhật là thiền sư Pháp chuyên luật truyền Diệu Nghiêm đã được vua quan nhà Tây Sơn ủng hộ. Chẳng hạn, vào năm Bính Thìn (1796) tại tỉnh Phú Yên, Pháp chuyên đã tổ chức một giới đàn để thọ giới cho hơn 200 tăng ni, thì đã được chủ trấn là Đoàn Luyện quận công của nhà Tây Sơn ủng hộ.


Rồi đến năm Mậu Ngọ (1798) Thiền sư Diệu Nghiêm lại được Hoàng Thái hậu nhà Tây Sơn mời ra Huế để chứng minh việc đúc Đại Hồng Chung và được ban cà sa màu tím. Ta biết những năm 1796 cho đến 1798, quân Nguyễn Ánh chưa lấy được Phú Yên và Thuận Hóa”.[7]


Và như vậy, tác giả Toàn Nhật Quy đài kết luận:


“Trên cơ sở những phân tích vừa thấy “minh chúa Nguyễn Gia”, tất không thể ai hơn là vua Quang Trung. Từ đó, nếu trước khi xuất gia, Toàn Nhật đã làm quan và làm tướng thì ông đã làm quan làm tướng với nhà Tây Sơn”.[8]


Bởi vậy nên mặc dù đã rời bỏ hàng ngũ của phong trào Tây Sơn để đi xuất gia, nhưng Toàn Nhật vẫn tích cực hỗ trợ cuộc cách mạng của Tây Sơn. Chính vì sự hỗ trợ này nên khi nhà Tây Sơn sụp đỗ và Nguyễn Gia Long chiếm được chính quyền thì Toàn Nhật lại phải sống lao đao cùng với vận nước nổi trôi, như chính Toàn Nhật đã ghi lại trong một bài phú:


Ở không nơi; về không chốn

Than rằng biển khổ rất mênh mông

Lênh đênh chẳng khác thuyền trôi

Biết đâu dừng đỗ.

Lãng đãng cũng như bèo nổi

Theo đó hợp tan

Công đã đi tu

Phận muối dưa lại không an phận.

Lòng toan học đạo,

Thân bả bô chẳng đặng dung thân

Ở không nơi, phải tạm ở đình

Đình vốn rộng trống sau trống trước.

Quán cũng lạ không vào ngụ quán

Quán tuy nhiều, khó mượn khó toan

Đặng gặp nơi nào

Cũng nhờ chốn ấy.

(Thơ Bà Vãi)


Nhưng tại sao một người như Toàn Nhật lại hết lòng ủng hộ cuộc khởi nghĩa của Tây Sơn? Vì Tây Sơn đã đánh đuổi chúa Nguyễn ở Đàng Trong, đã xóa tên hai tập đoàn phong kiến là chúa Trịnh và vua Lê ở Đàng Ngoài, đặc biệt là đã oanh liệt đánh tan tành hai cuộc xâm lăng của nhà Thanh ở phương Bắc và Xiêm La ở phương Nam chăng?


Nếu chỉ hùng mạnh về quân sự không thì chưa đủ để thuyết phục một nhà trí thức lỗi lạc như Toàn Nhật, để Toàn Nhật có thể ủng hộ cuộc khởi nghĩa của Tây Sơn. Vì sao? Vì lý do đơn giản là xưa nay lịch sử đã từng chứng minh rằng, một chế độ chỉ biết đề cao võ trị thì chế độ đó luôn luôn chuyên quyền và độc đoán và nạn nhân thê thảm cho sự chuyên quyền và độc đoán này chính là người dân vô tội chứ không ai khác.


Vậy chắc chắn triều đại Tây Sơn ngoài sức mạnh về quân sự ra thì phải còn có những chính sách nào đó rất phù hợp với lòng dân nên một trí thức như Toàn Nhật mới ủng hộ một cách tích cực như vậy chăng?

Cố học giả Trần Trọng Kim, đã nhận định về con người của Quang Trung Nguyễn Huệ như thế này:


“Vua Quang Trung nhà Nguyễn Tây Sơn là ông vua anh dũng, lấy võ lược mà dựng nghiệp, nhưng ngài có độ lượng, rất am hiểu việc trị nước, biết trọng những người hiền tài văn học. Khi ngài ra lấy Bắc Hà, những người như Ngô Thời Nhiệm, Phan Huy Ích, đều được trọng dụng và nhất là đối với một người xử sĩ như Nguyễn Thiếp thì thật là khác thường.


Nguyễn Thiếp, tức là Khải Chuyên hiệu là Nguyệt Úc, biệt hiệu là Hạnh Am. Ông làm nhà ở Lục Niên thành, thuộc huyện La Sơn, Hà Tĩnh bây giờ, cho nên người ta gọi là Lục Niên tiên sinh hay là La Sơn Phu tử.


Vua Quang Trung từ khi đem quân ra đánh Bắc Hà, biết tiếng Nguyễn Thiếp, đã mấy lần cho người đem lễ vật mời ông ra giúp, ông không nhận lễ và cũng từ chối không ra. Đến khi ngài đăng cực, lại mấy lần cho người đến mời ông, ông có đến bái yết và khuyên vua nên lấy nhân nghĩa mà trị dân trị nước, rồi lại xin về. Vua Quang Trung tuy không dùng được ông, nhưng bao giờ cũng tôn kính ông như bậc thầy, và việc chính trị trong nước thường theo ý mà Nguyễn Thiếp đã trình bày”.[9]


Đó là chính sách của nhà nước Tây Sơn đối với giới trí thức, còn đối với người dân thì sao? Người dân nước ta ở nửa cuối thế kỷ 18 thì hầu hết đều sống bằng nghề nông, lao động suốt ngày nhưng vẫn nghèo khổ. Vậy chính sách của nhà nước Tây Sơn đối với những người nghèo khổ này thì sao? Những người Tây phương có mặt từ những ngày đầu của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn nói rằng, khẩu hiệu của nghĩa quân là “hãy tước đoạt của ngưởi giàu chia cho người nghèo”.


“Bọn Nguyễn Nhạc muốn đem ánh sáng công lý soi tới chúng dân và giải thoát khỏi gông cùm của nhà vua, các quan và các cố vấn. Bọn chúng tuyên truyền tính bình đẳng trong mọi địa hạt. Trung thành với thuyết tân xã hội, bọn Nguyễn Nhạc tước đoạt tài sản của các quan thống trị giàu có và đem chia cho dân cùng đinh khố rách”[10].


Như vậy, chắc chắn những tác phẩm của Toàn Nhật, đặc biệt là Hứa sử truyện vãn đã được Toàn Nhật viết ra để hỗ trợ cho cuộc khởi nghĩa do chính những người từ giới nông dân nghèo khổ ấy cầm đầu. Bởi thế, theo tác giả Toàn Nhật Quang Đài thì: “Thể hiện rõ nét bản lĩnh tư duy của nhân dân ta trước những vấn đề trọng đại của đất nước. Chúng không phải là những luận đề cũ rích vay mượn từ những sách vở Trung Quốc, không có một liên quan thiết yếu đến đời sống dân tộc.


Trái lại, chúng là những vấn đề nóng bỏng của thời đại tác giả sống, đòi hỏi phải có những giải đáp thích đáng. Cho nên, chúng không cần phải bao bọc trong những câu thơ óng chuốt, trưởng giả, đầy những điển cố chữ nghĩa, sự tích xuất phát từ dòng văn hoá bác học và ít nhiều mang tính ngoại lai.


Thay vào đó, chúng được trình bày một cách thẳng thắn, cố nhiên là dưới hình thức truyện vãn, qua những lời thơ bình dị, trong sáng đến nỗi giống như lời nói hằng ngày của nhân dân. Do thế, trên toàn bộ, Hứa sử truyện vãn đã thể hiện sức sống dạt dào đang cuồn cuộn dâng lên của dân tộc ta trong thời kỳ nổ ra cuộc cách mạng Tây Sơn do nhà anh hùng áo vải Nguyễn Huệ lãnh đạo lần đầu tiên đánh thắng hai thế lực quân chủ lực kỳ Ph*n đ*ng trong nước và thế lực xâm lược ngoại bang”.[11]


Nhưng với Toàn Nhật, một người được nuôi dưỡng từ truyền thống tư tưởng của Phật giáo, thì chỉ công bằng trên bình diện xã hội không chưa đủ mà còn phải bình đẳng và công bằng ngay cả trên phương diện nhân phẩm của mỗi cá nhân con người nữa. Như vấn đề gọi là chính thống và ngụy triều sau đây chẳng hạn:


“Những người làm quốc sư nước Tàu và nước ta thường chia những nhà làm vua ra chính thống và ngụy triều. Nhà nào, một là đánh giặc mở nước, sáng tạo ra cơ nghiệp, hai là được kế truyền phân minh, thần dân đều phục, ba là dẹp loạn yên dân, dựng nghiệp ở đất Trung Nguyên, thì cho là chính thống. Nhà nào, một là làm tôi cướp ngôi vua, là sự thoán đạt không thành, hai là xưng đế, xưng vương ở chỗ rừng núi, hay là ở đất biên địa, ba là những người ngoại chủng vào chiến nước làm vua thì cũng cho là ngụy triều”.[12]


Như vậy, nhà Tây Sơn được xem là kẻ ở rừng núi, ở biên địa, là ngoại chủng vào cướp nước làm vua nên sử nhà Nguyễn đã gọi là Ngụy Tây Sơn.


Thế nào là chính thống và thế nào là ngụy triều? Và ai là kẻ có thẩm quyền đứng ra để bảo rằng triều đại này là chính thống và triều đại kia là ngụy triều là không chính thống? Và có cái gì để bảo chứng rằng những người được sinh ra từ giới thống trị, sanh ra ở vùng trung nguyên là hơn kẻ sanh ra ở vùng biên địa hay thôn dã quê mùa?


“Sự sanh trưởng không làm cho con người được liệt vào giai cấp Bà la môn hay bị loại ra khỏi giai cấp này. Chính nếp sống hàng ngày tạo ra người nông dân, thương gia hay nô bộc. Nếp sống hàng ngày tạo ra hạng trộm cắp, binh sĩ, tu sĩ hay vua chúa.


Và thông điệp này cứ được nhắc đi nhắc lại mãi trong giáo pháp của đức Phật:


“Là cung đình không phải do sanh trưởng là Bà la môn không phải do sanh trưởng do hành động, người này là cung đình do hành động người này là Bà la môn (Sutta Nipàta –Vasalasutta).


Từ lời khẳng định này của Phật giáo ta mới thấy rằng cái gọi là chính thống cũng như không chính thống, gọi là ngụy triều hay chính triều chỉ là trò bày đặt của giai cấp thống trị mà thôi chứ chẳng có bất cứ một giá trị đích thực nào cả.

Trong Tống vương truyện, sau khi thái tử nước Tống lấy con gái của một người chài lưới nghèo khổ, thì nhà vua nhường ngôi cho con để “hồi đầu phật tử, thế phát tu hành”, còn trong Hứa sử truyện vãn, vị quan Đỗng Vân sau khi dẹp xong quân ngoại xâm thì vua nước này là Việt vương cũng đã “tuổi cao tỉnh ngộ, hỏi dò Phật gia” để rồi cuối cùng:


Cởi quăng ngọc toã kim già

Cao xương huệ kiếm, diệt tà vô minh.

Đều hay lánh chốn trần lao

Vượt ra ma võng, thẳng vào Phật môn.


Dường như vì hình bóng của các vua Trần ở thế kỷ 13 nhất là Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông, những ông vua có thể nói là minh triết nhất trong lịch sử dân tộc ta, sau khi đánh bại ngoại xâm, đất nước thái bình thịnh trị thì cũng đều nhường ngôi lại cho con mà xuất gia học đạo. Phải chăng những ông vua đó vẫn luôn luôn là hình bóng “lý tưởng” mà Toàn Nhật muốn triều đại Tây Sơn cũng phải có những ông vua như đời Trần oanh liệt?


Không biết khởi đầu từ bao giờ nhưng có phần chắc là kể từ khi Thái tử Tất Đạt Đa từ bỏ ngôi vua vào rừng sâu để tìm đạo, kể từ khi Lão Tử cỡi trâu đi biệt tăm sau khi đã giao bản thảo đạo đức kinh cho Doãn Hỷ thì có lẽ vấn đề mới được đặt ra là: Nếu muốn thành tựu con đường sống đạo thì nên vào rừng ở ẩn hay là cứ ở lại chốn phồn hoa đô hội mà vẫn làm chủ được tâm mình không hề bị đời sống phồn hoa cám dỗ. Đó chính là vấn đề được hai tác giả lớn của đời Trần đề cập. Từ câu nói lừng danh của vị Quốc sư Trúc Lâm trên núi Yên Tử ở thế kỷ 13: “Trong núi vốn không có Phật, Phật ở ngay trong lòng” đến hai câu mở đầu bài phú Cư Trần lạc đạo của Trần Nhân Tông:


Mình ngồi thành thị

Nết dụng Sơn Lâm.


Trong Hứa Sử truyện vãn của Thiền sư Toàn Nhật, Hứa Sử cùng đặt vấn đề ấy với Việt Vương:


Thị thành lại với lâm tuyền

Tu hành công đức hai đường đâu hơn?


Việt Vương trả lời:

Nay thầy lời đã hỏi ta

Lấy trong sự lý phân ra cho tường

Lâm truyền thanh cảnh náu nương

Đặng phần tịch mịch, khỏi đường huyên hoa

Song thời cũng ở lòng ta

Lòng ta thanh tĩnh, cảnh hoà cùng thanh

Dẫu mà ở chốn non xanh

Lòng còn loạn động thị thành khác chi

Thị thành xao xuyến nhiều bề

Lòng ta thanh tĩnh khác gì Sơn Lâm

Tu hành yếu vốn tại tâm

Nếu nệ nơi cảnh, mắc lầm hoà hai.


Ta phải hiểu thế nào về quan điểm trên của Toàn Nhật, có phải Toàn Nhật muốn nói như thế này chăng:


“Điều quan trọng không phải là sống ở thị thành hay núi rừng. Vấn đề là làm sao giác ngộ được sự thật. Đấy mấu chốt của vấn đề. Ta đã thấy sự giác ngộ có thể tìm thấy ở bất cứ nơi đâu, đặc biệt là chính giữa cuộc đời trần tục đầy những hệ lụy thế sự. Chính trong cuộc sống trần tục ấy mà giác ngộ được thì giá trị còn nâng lên gấp bội”.[23]


Còn một vấn đề quan trọng nữa mà tôi nghĩ rằng có lẽ Toàn Nhật cũng muốn triều đại Tây Sơn phải tiếp tục con đường mà đời Trần đã vạch ra, đó là vấn đề sử dụng chữ quốc âm. Khi đọc những bài thơ chữ Hán của Toàn Nhật, tác giả Toàn Nhật Quang Đài nhận xét rằng:


“… Qua những bai thơ chữ Hán, chứng tỏ khả năng sử dụng chữ Hán văn rất điêu luyện và thành thục của Toàn Nhật. Điều hãy còn cho ta thấy là việc phần lớn tác phẩm Toàn Nhật viết bằng tiếng quốc âm không có nghĩa là ông không thể sử dụng chữ Hán. Ngược lại, dù là một người rất giỏi chữ Hán nhưng ông đã tìm về với tiếng nói của dân tộc để chuyển tải những gì mình muốn nói với nhân dân. Ý muốn xây dựng một nền văn học quốc âm, không chỉ dân tộc mà còn cho Phật giáo, đã đặt Toàn Nhật không những vào những nhà thơ lớn của dân tộc mà còn của Phật giáo. Thứ đến, với những bài thơ đó nền văn học quốc âm của dân tộc ta vào cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19 chứng tỏ sự đa dạng và phong phú với những tình tự và nhận thức của những con người khác nhau”.[24]


Tiếng quốc âm của dân tộc ta chắc chắn đã có từ rất lâu, có thể từ các triều đại vua Hùng trước Tây lịch, nhưng “chỉ đến thời vua Trần Nhân Tông, với hai tác phẩm của mình là Cư Trần lạc đạo phú và đắc thú lâm truyền thành đạo ca cùng Vịnh Vân Yên tự phú của Thiền sư Huyền Quang (1234-1334) và giáo tử phú của Mạc Đĩnh Chi (1284-1361), thì nền văn học tiếng việt mới có những tác phẩm đầu tiên hoàn chỉnh của mình còn được bảo tồn đến ngày nay. Vị trí văn học của vua Trần Nhân Tông do thế đối với dân tộc ta rất là vĩ đại”.[25]


Cố học giả Trần Trọng Kim trong phần viết về việc học hành và thi cử đời Tây Sơn có nói rằng: “việc cai trị thường hay dùng chữ Nôm. Nhà vua muốn nói rằng người Việt Nam thì phải dùng tiếng Việt Nam, để gây thành cái tinh thần của nước nhà, và cái văn chương đặc biệt, không phải đi mượn tiếng mượn chữ của nước Tàu. Vậy nên khi thi cử thường bắt quan ra bài chữ Nôm và bắt sĩ tử làm bài bằng chữ Nôm. Thời bây giờ nhiều người không hiểu rõ cái ý nghĩa sâu xa ấy, cho là nhà Tây Sơn dùng hà chính mà ức hiếp nhân dân”.[26]


Bằng chứng hùng hồn về lòng tự hào đối với tiếng nói của dân tộc mình, đó là việc vua Quang Trung đã dõng dạc đọc bản tuyên ngôn độc lập bằng tiếng Nôm trước ba quân trước khi xuất quân đi đánh đuổi quân Tàu:


Đánh cho để dài tóc

Đánh cho để răng đen

Đánh cho nó chích luôn bất phản

Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn

Đánh cho nó sử tư Nam Quốc anh hùng chi hữu chủ.


Nếu quả đúng Toàn Nhật là tướng của Tây Sơn hay quan trọng hơn nữa là mưu thần của vua như hai tác giả Nguyễn Đình Chúc và Huệ Nguyễn đã xác nhận trong tác phẩm biên khảo Lịch sử Phật giáo và các chùa ở Phúc Yên thì chắc hẳn việc sử dụng tiếng Nôm như tiếng chính thức trong hành chánh công như trong thi cử của triều đình Tây Sơn Quang Trung thì tất nhiên phải có sự đóng góp công sức lớn lao của Toàn Nhật, vị thiền sư đã hết lòng yêu thương tiếng nói của dân tộc mình, và mặc dù rất giỏi chữ Hán nhưng đã để lại gần hai mươi tác phẩm bằng chữ Nôm.


Và không còn hồ nghi gì nữa, một người biết trân trọng tiếng Nôm mà còn là một thiền sư của Phật giáo Việt Nam thì qua hai tác phẩm Cư Trần lạc đạo phú và Đắc thú lâm truyền thành đạo ca, Toàn Nhật đã ý thức một cách triệt để rằng “Tiếng Việt như một ngôn ngữ có thể phát biểu những tư tưởng trừu tượng tương đối khó nắm bắt một cách khéo léo và dễ hiểu. Từ đó Tiếng Việt đã từ thành một ngôn ngữ đủ khả năng chuyển tải bất cứ nội dung tư tưởng khác nhau nào và có vẻ đẹp riêng của nó”.[27]


Lời kết:


Chúng ta, những người phật tử Việt Nam nên nhìn sự hưng thịnh cũng như suy vong như thế nào của lịch sử Phật giáo Việt Nam qua các thời đại? Và có phải chỉ có các triều đại Đinh Lê và nhất là Lý Trần thì mới đựơc xem là thời kỳ hưng thịnh nhất của Phật giáo Việt Nam chăng?


“Chẳng hạn, các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần thay đổi khác nhau, hết triều đại này tới triều đại kia, nhưng Phật giáo vẫn vươn lên phát triển và có những đóng góp to lớn cho dân tộc. Điều này chứng tỏ bên ngoài sự thay đổi của các triều đại, dân tộc vẫn phát triển theo tính quy luật của nó, bất chấp ý chí chủ quan của một triều đại. Có vẻ như dân tộc có một sức sống của riêng nó, và Phật giáo biết bám vào sức sống này của dân tộc để cùng dân tộc đi lên. Các triều đại thay đổi và chúng đã không đáp ứng được yêu cầu của sức sống dân tộc, nên đã bị loại bỏ”.[28]


Giả như không có trường hợp của Toàn Nhật thì quan điểm trên về lịch sử Phật giáo Việt Nam của giáo sư Lê Mạnh Thát khó có thể chấp nhận đối với nhiều người, vì ai cũng có thói quen nghĩ rằng, chỉ có Đinh, Lê và đặc biệt là Lý, Trần mới là thời cực thịnh của Phật giáo Việt Nam, còn sau đó thì Phật giáo suy tàn và Nho giáo đã thay thế chỗ đứng của Phật giáo. Nhưng vì có trường hợp của Thiền sư Toàn Nhật nên theo tôi quan điểm lịch sử ấy hoàn toàn chính xác, nghĩa là Toàn Nhật đã tham gia cuộc cách mạng của Tây Sơn, vì theo quan điểm của Toàn Nhật cuộc cách mạng ấy phù hợp với lòng dân nhưng khi cuộc cách mạng Tây Sơn tan rã, triều đại khác lên thay, Toàn Nhật nhận thấy triều đại ấy không đáp ứng được yêu cầu của sức sống dân tộc thì vị thiền sư của chúng ta chỉ còn “biết bám vào sức sống của dân tộc”.


Kết quả là, ngày nay chúng ta có được gần 20 tác phẩm bằng tiếng quốc âm, mà theo giáo sư Lê Mạnh Thát thì: “Kho tàng văn học cổ điển Việt Nam chưa bao giờ có một nhà thơ nhà văn để lại một lượng lớn tác phẩm bằng tiếng quốc âm như Toàn Nhật. Chỉ với số lượng đó thôi, nó đã biển thị không những sức sống dạt dào của dân tộc đang lên thể hiện qua tiếng nói nhân dân”.[29]


Nhưng theo tôi, điều quan trọng nhất trong quan điểm đó là chúng ta, những người Phật giáo Việt nam hiện tại cũng như mai sau nên “bám vào sức sống của dân tộc để đi lên” thay vì chỉ biết bám vào các triều đại hay các nhà nước, vì “các triều đại sẽ phải thay đổi khi không còn đáp ứng được yêu cầu của sức sống dân tộc”.


Vậy là, chỉ có “bám vào sức sống của dân tộc” thì Phật giáo Việt nam mới có thể tồn tại mãi trong lòng của dân tộc mà thôi.


Có phải đó là bài học lịch sử lớn lao mà Thiền sư Toàn Nhật ở nửa cuối thế kỷ 18 đã để lại cho chúng ta, những người Phật giáo Việt Nam hôm nay chăng?


Thích Phước An


Chú thích:

[1] Toàn Nhật Quang Đài toàn tập I, NXB TP.HCM.2005 trang 27-28.

[2] NXB Thuận Hóa 1999 trang 90.

[3] Toàn Nhật Quang Đài tập I, NXB TP HCM 2005, trang 30.

[4] Sdd tập I trang 28.

[5] NXBTrẻ TP. HCM 1999.

[6] Sdd tập I trang 28.

[7] Sdd tập I trang 29.

[8] nt.

[9] Việt Nam sử lược NXB tổng hợp TP.HCM tái bản 2005 trang 373.

[10] Ngô Thời Nhiệm trong văn học Tây Sơn của Mai Quốc Liên NXB VHTT Nghĩa Bình 1985 trang 110.

[11] Sdd tập I trang 41.

[12] Trần Trọng Kim, Sdd trang 359.

[13] Sdd tập I trang 67-70.

[14] Trần Trọng Kim, Sdd trang 360-361.

[15] Trần Nhân Tông toàn tập của Lê Mạnh Thát, NXB TP.HCM năm 2000.

[16] Sdd tập II, trang 290.

[17] Sdd tập I, trang 78-79.

[18] Trần Trọng Kim, Sdd trang 364.

[19] Sdd tập II, trang 291.

[20] Sdd tâp II, trang 93.

[21] Sdd tâp II, trang 179.

[22] Sdd tâp II, trang 148.

[23] Trần Nhân Tông toàn tập, sdd trang 251.

[24] Sdd tập II, trang 265.

[25] Trần Nhân Tông toàn tập Sdd trang 269-270.

[26] Trần Trọng Kim Sdd trang 375.

[27] Trần Nhân Tông toàn tập, Sdd trang 274.

[28] Lịch sử Phật giáo Việt Nam tập II của Lê Mạnh Thát – NXB TP Hồ Chí Minh 2001, lời tựa.

[29] Sdd tập I, trang 11-12.

Thích Phước An

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/toan-nhat-thien-su--dua-tinh-than-phat-giao-xuong-cho-trieu-dai-tay-son-d24751.html)

Tin cùng nội dung

  • Trong hệ thống huyệt vị châm cứu, có khá nhiều huyệt có tác dụng “đề thần”, nhưng trước hết phải kể đến huyệt Bách hội.
  • Chúng ta ai cũng biết “có thực mới vực được đạo”. Kể từ khi có loài người, con người ta phải ăn để tồn tại.
  • Trong chúng ta ai cũng đã từng được trải nghiệm qua một cơn đau đầu. Đây là một chứng bệnh thường hay gặp nhất trong các loại đau của cơ thể.
  • Tùy theo mùa, một số loại thực phẩm, đặc biệt là rau xanh, trái cây... có tác động giải tỏa căng thẳng và mang lại cho bạn trạng thái vui vẻ hơn
  • Chúng ta ai cũng biết “có thực mới vực được đạo”. Kể từ khi có loài người, con người ta phải ăn để tồn tại.
  • Một nghiên cứu mới đây của Australia đăng trên Australian Health Review cho thấy những người bị béo phì mắc nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần hơn.
  • Nếu họ không giới thiệu thì tôi không biết ai là chị, ai là em bởi họ giống nhau như hai chị em sinh đôi vậy. Chỉ có một điểm khác biệt - đó là sắc thái gương mặt. Bà chị thì khắc khổ lo âu còn cô em thì âu sầu ngơ ngác.
  • Cuộc sống tinh thần ở người cao tuổi (NCT) có tính chất nền tảng, quyết định điều khiến nhịp độ lão hóa. Ngược lại, mục đích cơ bản của việc làm chậm sự lão hóa, kéo dài tuổi thọ là nhằm kéo dài thời gian lao động có ích và ước vọng sống lâu, khỏe mạnh.
  • Ngay cả những người có sức khỏe tinh thần tốt đôi khi cũng có vấn đề về tình cảm hoặc bị các bệnh tâm thần. Bệnh tâm thần thường có một nguyên nhân vật lý, chẳng hạn như một sự mất cân bằng hóa chất trong não. Căng thẳng và các vấn đề với công việc, gia đình, trường học đôi khi có thể gây ra bệnh tâm thần hoặc làm cho nó tồi tệ hơn. Tuy nhiên, những người có sức khỏe tinh thần tốt học được cách để đối phó với sự căng thẳng và các vấn đề nảy sinh. Họ biết khi nào cần tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ
  • Những nhà nghiên cứu y học đang tìm hiểu hậu quả của chế độ ăn uống đối với tâm trạng cũng như sức khoẻ tinh thần. Hiện tượng này đôi lúc được gọi là mối quan hệ giữa thức ăn và tâm trạng. Có rất nhiều câu hỏi vẫn chưa được trả lời. Ví dụ như việc thiếu vitamin có làm cho con người dễ bị trầm cảm hơn không? Có phải thực phẩm chức năng chỉ giúp cải thiện sức khoẻ tinh thần của người bị suy dinh dưỡng? Cần cung cấp bao nhiêu thực phẩm chức năng là đủ để cải thiện sức khoẻ tinh thần của môt người
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY