Tôi là gái thành phố, còn chồng là dân tỉnh lẻ, chúng tôi học cùng nhau, yêu nhau, rồi trở thành vợ chồng. Cưới nhau xong, hai vợ chồng sống ở thành phố, thi thoảng mới về quê, nên Tết năm nào vợ chồng tôi cũng ăn Tết ở quê chồng. Vui thì có vui, nhưng tôi vẫn cảm thấy sợ.
Không chỉ sợ quãng đường từ thành phố về nhà chồng hơn 300 cây số, năm nào con cũng khóc vì say xe, tôi còn sợ những bữa cơm, rượu cứ nối tiếp nhau ở nhà chồng. Từ chiều 29 Tết, khi vợ chồng tôi về đến nơi, còn chưa hoàn hồn sau một chuyến đi dài thì đã lao vào dọn dẹp, nấu nướng đãi khách đến tận tối mịt mới xong.
Bố mẹ chồng tôi năm nào cũng thế, cứ gần Tết là liên tục điện thoại, hỏi khi nào về, rồi chốt ngày là ông bà đi mời họ hàng hôm đó đến ăn cơm. Tôi biết, bố mẹ làm vậy chỉ muốn chúng tôi vui, để cảm thấy rằng cả năm về quê được gia đình, họ hàng chào đón, yêu thương.
Chồng tôi lại là người duy nhất trong dòng họ học hành tử tế, thành đạt nhất, nên bố mẹ chồng cũng tự hào, cũng muốn khoe với họ hàng về anh. Tôi hiểu và cảm thông được tâm lý của những người làm cha, làm mẹ. Nên không trách ông bà.
Chỉ có điều năm nào cũng như năm nào, ăn xong ngày 29 thì dọn dẹp đến ngày 30 lại làm mâm cơm tất niên, lại mời gọi mọi người đến. Được nghỉ ngày mùng 1, mùng 2, không nấu nướng ở nhà thì họ hàng lại gọi sang ăn uống, nấu nướng.
Mùng 3 Tết, trước khi vợ chồng lên thành phố, bố mẹ chồng lại tiếp tục làm cỗ mời họ hàng sang ăn. Cứ như thế, mấy ngày Tết ở quê chồng tôi tất bật với những món ăn, xào đảo, nấu nướng, mệt bở cả hơi tai. Quần áo mua về cũng chẳng kịp diện, son phấn cũng chẳng dùng đến.
Chồng tôi biết vợ vất vả, nhiều lúc cũng muốn bố mẹ bỏ qua những thủ tục không cần thiết để dành thời gian nghỉ ngơi, nhưng bố mẹ chồng thì vẫn muốn giữ nếp cũ. Có khi còn muốn năm sau hoành tráng hơn những năm trước.
Đi làm cả năm có 3 ngày Tết để nghỉ ngơi, tôi chỉ mong được nghỉ ngơi thực sự chứ không phải phục vụ cơm nước như gần 10 năm qua ở nhà chồng. Nhưng xem ra lấy chồng quê thì thật khó.
Chủ đề liên quan:
tâm sự