Cần phải khẳng định thêm một lần nữa rằng, trong công tác cán bộ của Đảng, không có bất cứ quy định nào hạn chế năng lực của những người trẻ tuổi. Rằng phải bao nhiêu tuổi mới có thể nắm giữ vị trí này, chức vụ kia. Thậm chí trong cơ cấu cán bộ, có hẳn quy định về chỉ tiêu số lượng cấp ủy các cấp tuổi U40, U30...
Nói thế để thấy, từ khi ra đời và lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn chăm chút đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ. Trong những năm tháng chiến tranh, nhiều nhà cách mạng trẻ tuổi từng gánh vác những vị trí trọng yếu của đất nước. Họ đã được tôi luyện trong lò lửa cách mạng, đã cống hiến hy sinh để trưởng thành. Tên tuổi, sự nghiệp của họ đã được lịch sử và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Trên thế giới, không ít nhà lãnh đạo U40 đã tạo được dấu ấn đáng kể trên chính trường. Sức trẻ của họ đã truyền cảm hứng cho cộng đồng, trở thành một nguồn năng lượng kích thích sự sáng tạo cho xã hội.
Trong thực tế, không ít cán bộ trẻ ở nước ta được đào tạo bài bản, có ý chí nỗ lực, phấn đấu rèn luyện đã bộc lộ những phẩm chất, năng lực vượt trội, trở thành những nhà lãnh đạo xuất sắc.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đã có quá nhiều bài học về những cán bộ trẻ được cất nhắc, bổ nhiệm thiếu tiêu chuẩn, không đúng quy trình đã “trượt dốc”, thậm chí sa ngã, gây mất niềm tin đối với nhân dân.
Nhiều người trong số họ được liệt vào hàng “hạt giống đỏ”, thừa hưởng nền tảng truyền thống gia đình, được đào tạo bài bản nhưng cuối cùng ngồi chưa ấm chỗ đã bộc lộ những hạn chế, yếu kém, dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng.
Đó là một Lê Phước Hoài Bảo, con trai Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Phước Thanh (nhiệm kỳ 2015 - 2020) mới 30 tuổi đã ngồi ghế Sở Kế hoạch và Đầu tư, một trong những Sở quan trọng bậc nhất ở địa phương. Kết cục, do đi học Thạc sỹ bằng ngân sách nhà nước không đúng quy định và hàng loạt vi phạm khác, “hạt giống đỏ” Lê Phước Hoài Bảo đã bị hủy bỏ các quyết định bổ nhiệm. Ông bố Lê Phước Thanh cũng bị cách chức nguyên Bí thư Tỉnh ủy.
Đó là một Nguyễn Xuân Anh, 39 tuổi đã làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhưng ngồi ghế chưa được 2 năm đã mất chức. Vi phạm của ông Xuân Anh, ngoài việc kê khai bằng cấp thiếu trung thực còn vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, có biểu hiện áp đặt quyết định về nhân sự, “lấn sân” chỉ đạo nhiều công việc cụ thể của chính quyền…
Đó chỉ là 2 trong số không ít ví dụ về những cán bộ trẻ, được cất nhắc bổ nhiệm giữ những trọng trách quan trọng nhưng đã sớm bị thui chột. Điều đáng nói là đa phần những cán bộ lãnh đạo trẻ “đứt gánh giữa đường” đều thuộc diện “con ông cháu cha”. Điều đó cho thấy truyền thống gia đình, đã không được những con người này kế thừa và phát huy.
Có những người bị mất chức do bổ nhiệm không đủ tiêu chuẩn, không đúng quy trình, có dấu hiệu nâng đỡ không trong sáng nhưng cũng có những người bằng cấp, tiêu chuẩn đầy đủ nhưng vẫn sa ngã.
Điều đó đặt ra vấn đề không phải cứ có bằng cấp, cứ vào cấp ủy là có thể ngồi ghế lãnh đạo. Làm người đứng mũi chịu sào, đấy là một thử thách cho bất cứ ai cả về phẩm chất đạo đức, năng lực, bản lĩnh chính trị. Bởi thế, nó cần phải được thử thách, rèn luyện theo trình tự từ thấp đến cao, từ nhân viên đến cấp phó, từ cấp phó đến cấp trưởng, từ địa phương đến Trung ương.
Trong công tác cán bộ rõ ràng không thể chỉ dựa vào quy trình và tiêu chuẩn. Bởi như đã nói, không phải cứ đảm bảo tiêu chuẩn về bằng cấp thì có thể trở thành người lãnh đạo tốt. Năng lực, nhất là năng lực thực tiễn được rèn luyện qua thử thách mới chính là cái thước đo tiêu chuẩn chính xác nhất đối với một người lãnh đạo. Và điều này cũng không thể dễ dàng quy đổi thành tiêu chuẩn hay quy trình trong quá trình cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ.
Không phải ngẫu nhiên mà trong công tác cán bộ, Đảng ta rất chú trọng đến kinh nghiệm thực tiễn và thực hiện chính sách luân chuyển cán bộ đi cơ sở, nhất là đối với cán bộ trẻ. Có những thứ sách vở, bằng cấp không thể thay thế thực tiễn cuộc sống.
Trong công tác phát hiện, bồi dưỡng, cất nhắc cán bộ, có lúc chúng ta đã thiếu thận trọng, không thật kỹ càng, để lọt vào tổ chức những cán bộ trẻ chưa đủ độ chín cả về tâm lẫn tầm để rồi gánh lấy hậu quả đáng tiếc, để lại những bài học đau xót, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, gây mất niềm tin của nhân dân.
Đáng tiếc là không ít trường hợp sa ngã rơi vào những lãnh đạo trẻ thuộc diện "danh gia vọng tộc" khiến cho dư luận hoài nghi về tính trong sáng trong việc cất nhắc, bổ nhiệm. Nhưng dư luận cũng cần phải công bằng rằng, không quan trọng trẻ hay già, con cháu ai mà quan trọng là vị lãnh đạo ấy có đảm bảo tiêu chuẩn, có năng lực thực sự hay không?
Để làm được điều đó, đòi hỏi trong công tác tuyển lựa, bổ nhiệm cán bộ phải thực sự công tâm, khách quan để chọn được những người đủ đức, đủ tài đảm nhiệm những cương vị, trọng trách quan trọng.
Những người lãnh đạo trẻ thuộc diện "con nhà nòi" hãy xem dư luận như một kênh thông tin giám sát, giúp cho mình không đi chệch đường ray, nỗ lực, phấn đấu để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Làm sao để không còn những ì xèo, xách mé kiểu: “đồng chí này con đồng chí nào” hay “trăng chưa đến rằm trăng đã tròn”.