Theo thống kê Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Ngãi, 70% trẻ ở tỉnh này bị lây bệnh tay chân miệng tại nhà.
Lý giải điều này, ông Trịnh Quang Vương, phó giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Quảng Ngãi cho biết : "
bệnh tay chân miệng lây bằng đường “phân-miệng” và tiếp xúc trực tiếp. Người lớn trong gia đình không nắm rõ đường lây truyền này nên trẻ dễ bị mắc bệnh".
Theo ông Vương, trẻ chỉ cần tiếp xúc với đồ chơi có virus gây bệnh và vô tình đưa tay lên miệng thì đã có nguy cơ mắc bệnh. Hoặc đơn giản là khi người lớn chế biến thức ăn, virus tồn tại ở tay dễ dàng qua thức ăn gây bệnh cho trẻ.
bệnh tay chân miệng còn lây qua nước. Khi phân không được xử lý đúng cách sẽ gây ô nhiễm nước. Nếu người lớn dùng nước này rửa hoặc chế biến thực phẩm cũng sẽ khiến cho virus xâm nhập vào cơ thể trẻ.
Bên cạnh đó, nếu bảo quản thực phẩm không tốt, ruồi nhặng có virus sẽ đậu vào thức ăn.
Tình hình dịch bệnh tại Quảng Ngãi đã ổn định. Hiện trung bình chỉ 10-15 ca/ ngày và là những ca nhẹ, không có biến chứng nặng. Tuy nhiên, dịch tay chân miệng có hai chu kì (tháng 3 đến tháng 6 và tháng 10 đến tháng 12) nên các bậc phụ huynh cần chú ý chăm sóc trẻ.
Trẻ bị tay chân miệng ăn gì?
Trao đổi về chế độ dinh dưỡng của trẻ bị
bệnh tay chân miệng, BS-CK2 Nguyễn Thị Hoa, trưởng khoa dinh dưỡng, BV Nhi đồng 1, TPHCM cho biết:
Cho trẻ ăn những món mà trẻ thích. Ăn thức ăn như bình thường nhưng làm lỏng, mềm như cháo bột (kể cả trẻ lớn) vì thức ăn cứng làm trẻ đau rát miệng.
Thức ăn nên thật nguội, thậm chí có thể làm mát cho dễ ăn. Thức ăn nóng làm trẻ đau không nuốt được. Có thể thay một bữa ăn bằng một hũ yaourt, một ly sữa mát.
Khi trẻ đã từ chối không ăn thì nên ngưng ngay và bù vào bằng một ly sữa lạnh, một bánh flan, một hũ yaourt hoặc một ly nước trái cây lạnh. Không ép trẻ ăn quá làm trẻ khóc, sẽ mệt mỏi hơn.
Sau khi ăn, súc miệng trẻ sạch sẽ và để nghỉ ngơi (nhịn hoàn toàn) trong 3 - 4 giờ. Sau đó mới cho ăn bữa khác. Cho trẻ uống bổ sung vitamin và khoáng chất theo chỉ định bác sĩ.
Thời gian trẻ bị bệnh ngắn (khoảng từ 5 - 10 ngày) nên không cần ép trẻ ăn quá, vì sau khi hết bệnh trẻ sẽ ăn nhiều hơn để bù lại khi bị bệnh. Cữ những thức ăn cứng, sống, mất vệ sinh.
Tăng cường sức đề kháng cho trẻ và giữ vệ sinh sạch sẽ, cụ thể: cho trẻ ăn đủ bữa (3 –5 bữa trong ngày), đủ dinh dưỡng (bột, đạm, dầu, rau), ăn nhiều trái cây sạch sau khi ăn cháo, bột để tăng cường vitamin và yếu tố vi lượng.
Rửa tay sạch sẽ trước khi ăn. Không cho trẻ ngậm đồ chơi hay núm vú cao su. Đồ chơi và muỗng, chén của trẻ phải rửa sạch mỗi ngày. Không để trẻ chơi chung, ăn chung với những trẻ có bệnh.
Theo Thanh Xuân - Khoa học và Đời sống