Sinh sản , Nữ hôm nay

Trẻ dậy thì muộn Đời sống

Tuổi dậy thì có thể đến chậm ở cả những trẻ khỏe mạnh. Đến tuổi 13 -15, những trẻ này phát triển lại chậm so với các bạn bè cùng lứa.

Ảnh: Sức Khoẻ & Đời Sống.

Nhiều bậc cha mẹ lo lắng khi thấy con mình phát triển chậm hơn trẻ cùng lứa ở tuổi vị thành niên. Vấn đề thật đáng quan tâm nhưng cũng cần biết quan sát và chờ đợi vì không phải mọi biểu hiện chậm dậy thì đều là bệnh lý...

Những trẻ phát triển chậm về giới tính và thể chất thường được xem là dậy thì chậm. Ở con gái, đó là dấu hiệu vú không to lên khi đã 14 tuổi hoặc kể từ khi vú bắt đầu to ra đến khi có kinh lần đầu kéo dài quá 5 năm. Ở con trai, chậm phát triển giới tính căn cứ vào dấu hiệu tinh hoàn không to ra khi được 14 tuổi, hoặc thời gian kể từ khi bắt đầu cho đến khi hoàn chỉnh sự phát triển cơ quan Sinh d*c ngoài vượt quá 5 năm. Những em gái có phát triển đặc tính giới thứ phát (lông, ngực...) nhưng tới 16 tuổi vẫn không có kinh lần đầu cần được khám để xem có phải đã bị vô kinh nguyên phát không.

Trẻ dậy thì chậm được chia thành 3 loại dựa trên sự đánh giá về lâm sàng: có vẻ như bình thường; có dấu hiệu bất thường về nhiễm sắc thể; có vẻ như có bệnh mạn tính.

Tại sao chậm?

Chậm phát triển về thể tạng: Tuổi dậy thì có thể đến chậm ở cả những trẻ khỏe mạnh. Những trẻ này phát triển về chiều cao và cân nặng bình thường khi sinh ra và có vẻ phát triển bình thường trong vài năm đầu, nhưng đến tuổi 13-15 thì sự phát triển lại chậm so với trẻ khác. Dậy thì muộn cũng có thể xảy ra ở những em luyện tập thể thao quá nhiều có rối loạn về hành vi ăn uống hoặc bị thiếu dinh dưỡng.

Thiểu năng tuyến yên: Do nhiều bệnh có tác động đến trục đồi thị - tuyến yên gây ra. Tùy vào mức độ ảnh hưởng của chức năng tuyến nội tiết, các em sẽ thể hiện sự kém phát triển, thiểu năng tuyến giáp thứ phát, suy chức năng tuyến thượng thận, đái tháo nhạt cũng như dậy thì chậm. Việc điều trị nhằm vào nguyên nhân chính, kết hợp với liệu pháp hoóc môn thay thế.

Bất thường về thể nhiễm sắc: Ở các em gái, thường gặp nhất là hội chứng Turner. Trong trường hợp này, bệnh nhân có thể chỉ có dấu hiệu kém phát triển và dậy thì chậm hoặc có những dấu hiệu đặc thù như sụp nếp góc mắt trong, cổ ngắn, có yếm, “lồng ngực hình mai rùa” (gồ lên như cái khiên) với núm vú cách xa nhau.

Ở con trai, bất thường phổ biến nhất là hội chứng Klinefelter. Bệnh nhân điển hình có tầm vóc cao lớn, thân hình giống người bị thiến hoạn (nghĩa là chi dưới dài nhưng cánh tay tương đối ngắn, tỷ lệ thân/cánh tay lớn hơn 1). Tinh hoàn nhỏ nhưng chắc, thường kèm theo vú to.

Nhiều vấn đề về thể chất và sinh hóa liên quan tới những rối loạn tuổi dậy thì có thể chữa trị hiệu quả. Tuổi dậy thì đã là một tiến trình khó khăn đối với vị thành niên bình thường nhưng càng gay go hơn với những em có sai lạc trong độ tuổi này. Do đó, các em cần được thày Thu*c có hiểu biết và kinh nghiệm chăm sóc. Liệu pháp tâm lý đóng vai trò quan trọng nhằm giúp trẻ phát triển lành mạnh.

(Theo Sức Khoẻ & Đời Sống)

Mạng Y Tế
Nguồn: Vnexpress (https://vnexpress.net/doi-song/tre-day-thi-muon-2265257.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY