Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Triển khai nhiều biện pháp nâng cao chất lượng dân số ở vùng dân tộc thiểu số

Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó không thể không kể đến dân số ở vùng dân tộc thiểu số. Do đặc điểm riêng của nhóm dân số này nên cần thực hiện việc đa dạng các biện pháp nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng dân số.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của già làng, trưởng bản

Để thực hiện thành công các mục tiêu về công tác đến năm 2030, các địa phương cần thực hiện tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các tổ chức, đoàn thể trong công tác chỉ đạo, điều hành; phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành, các lực lượng trong công tác tuyên truyền; phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín tiêu biểu trong các vận động quần chúng để thực hiện tốt việc truyền thông thay đổi nhận thức, xóa bỏ các quan niệm, hủ tục lạc hậu.

Với tỉnh Phú Thọ, địa phương có hơn 30 dân tộc cùng sinh sống với tổng dân số 1,3 triệu người, trong đó gần 213 nghìn người dân tộc thiểu số. Nhờ làm tốt chính sách dân số mà ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng nâng lên, đặc biệt là công tác tuyên truyền về công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình (DS/KHHGĐ). Kết quả đạt được là số cặp vợ chồng thực hiện KHHGĐ luôn tăng hàng năm, quy mô gia đình có 2 con ngày càng rộng rãi tại các địa phương vốn có quan niệm sinh nhiều con. Bên cạnh đó, các hoạt động truyền thông, can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh tiếp tục được triển khai lồng ghép thông qua các chiến dịch truyền thông, các cuộc họp tại xã, thôn, bản đến các đối tượng là người sắp kết hôn, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, người có uy tín trong cộng đồng và đặc biệt chú trọng đến đối tượng cặp vợ chồng đã có 1 hoặc 2 con gái.

Tuyên truyền kiến thức về sức khỏe sinh sản cho học sinh nữ tại trường học.

Tuyên truyền là hình thức phổ biến kiến thức được thực hiện từ nhiều năm nay trong việc thực hiện KHHGĐ hay nhiều vấn đề dân số khác. Tuy nhiên, do đặc điểm của công tác dân số hiện nay cũng như sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ nên việc đổi mới hình thức tuyên truyền hết sức cần thiết. Ở Yên Bái tuyên truyền trực tiếp cho học sinh trong các trường học.

Yên Bái là tỉnh miền núi có hơn 30 dân tộc cư trú. Do đó, việc tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số sẽ góp phần thay đổi tập quán sản xuất, xóa bỏ hủ tục tồn tại lâu, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng dân số. Mục tiêu cơ bản trong công tác DS, KHHGĐ của Yên Bái đến năm 2020 sẽ tập trung duy trì mức sinh hợp lý ở vùng thấp, tiếp tục giảm sinh ở vùng cao, vùng có mức sinh cao, nâng cao chất lượng dân số, khống chế tốc độ gia tăng chênh lệch giới tính khi sinh, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Để làm được điều này, tỉnh Yên Bái, đặc biệt là huyện Mù Cang Chải đã phối hợp với các trường học tổ chức nhiều buổi nói chuyện, tuyên truyền cho học sinh hiểu về những ảnh hưởng khi anh, chị em trong gia đình lấy nhau; những hệ lụy từ hôn nhân nhân cận huyết thống và tảo hôn. Bên cạnh đó là sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là các già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong cộng đồng tới từng hộ dân đã giảm thiểu tình trạng hôn nhân cận huyết và tảo hôn, góp phần đáng kể trong việc nâng cao chất lượng dân số.

Tại tỉnh Hà Giang, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống (TH, HNCHT) diễn ra khá nhiều trong cộng đồng các dân tộc thiểu số (DTTS). Năm 2017, tỉnh có hơn 5.810 cặp kết hôn, trong đó có tới 424 cặp TH, 2 cặp HNCHT. Tình trạng này ảnh hưởng đến mục tiêu nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn. Nhằm mục đích giảm thấp tỷ lệ TH, HNCHT, tỉnh Hà Giang đã xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể, trong đó tập trung chính vào những nội dung như tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân; thành lập các câu lạc bộ phòng, chống TH, HNCHT; tổ chức ký cam kết không vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình; sửa đổi, bổ sung quy ước thôn, bản, có chế tài xử phạt đối với những hộ cố tình vi phạm. Bên cạnh đó là kế hoạch tuyên truyền trong các trường học, nhất là các trường có học sinh học bán trú, phát huy vai trò của các nghệ nhân dân gian, người có uy tín trong cộng đồng dân cư...

Nghị quyết số 21-NQ/TW nêu rõ cần ưu tiên đầu tư nguồn lực Nhà nước, đồng thời huy động nguồn lực xã hội phát triển các cơ sở cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản bảo đảm các nhóm dân số đặc thù như trẻ em, người khuyết tật, người bị di chứng chiến tranh, người cao tuổi, đồng bào dân tộc ít người, người di cư... đều thực sự bình đẳng về cơ hội tham gia, thụ hưởng thành quả phát triển. Đến năm 2030 tiếp tục thực hiện bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc có dưới 10 nghìn người, đặc biệt là những dân tộc có rất ít người, giảm 50% số cặp tảo hôn, giảm 60% số cặp hôn nhân cận huyết thống.

Nguyễn Hà

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/trien-khai-nhieu-bien-phap-nang-cao-chat-luong-dan-so-o-vung-dan-toc-thieu-so-n150827.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY