Chất thải từ làm miến dong đổ ra đường gây mất vệ sinh tại làng nghề làm miến dong Dương Liễu. Ảnh: Ngọc Hải |
Theo Sở Công Thương Hà Nội, thời điểm hiện tại, TP có hơn 1.300 làng nghề và làng có nghề, chiếm 40% làng nghề trong cả nước, thu hút gần 750.000 lao động, đồng thời góp phần phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, với sự phát triển nóng của các làng nghề kéo theo ô nhiễm môi trường đang gây nhức nhối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sức khỏe của người dân. Kết quả khảo sát tại 40 làng nghề của Trung tâm Quan trắc và phân tích tài nguyên môi trường Hà Nội cho thấy, hầu hết môi trường nước, không khí, đất đai các làng nghề đều bị ô nhiễm và nhiều nơi ô nhiễm nặng tới mức báo động.
Chất lượng môi trường sống tại các làng nghề đang có nguy cơ bị đe dọa nghiêm trọng bởi ô nhiễm nguồn nước, nước thải, chất thải rắn, không khí, bụi, tiếng ồn… Tại các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm ở Minh Khai, Cát Quế, Dương Liễu (Hoài Đức), Kỳ Thủy, Thanh Lương, Cự Đà, Bích Hòa (Thanh Oai), Phú Đô (Nam Từ Liêm)… nước thải phát sinh từ quá trình tẩy rửa nguyên liệu, các khâu chế biến trong sản xuất, lượng nước sử dụng lớn, có nơi lên tới 7.000m3/ngày, thường không được xử lý đã xả trực tiếp ra môi trường.
Huyện Hoài Đức là địa bàn tập trung nhiều làng nghề truyền thống phát thải lưu lượng lớn nước thải, gồm cả nước thải làng nghề sản xuất và nước thải sinh hoạt có nồng độ chất ô nhiễm cao. Đặc biệt, các làng nghề tại khu vực 3 xã Cát Quế, Dương Liễu, Minh Khai chuyên sản xuất các sản phẩm miến, bún, đồng thời tận dụng phế phẩm để chăn nuôi đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đáng chú ý, do tình trạng ô nhiễm đã tồn tại rất nhiều năm, nguồn nước ngầm cũng dễ bị ô nhiễm. Tại hầu hết các làng nghề mới chỉ tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt, chưa có hệ thống xử lý nước thải, khí thải, thu gom và xử lý chất thải rắn mà xả thẳng ra môi trường. Đáng báo động nhất là tại 100% làng nghề được quan trắc chất lượng nước thải đều có ít nhất 3 chỉ tiêu phân tích nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép.
Tại làng mỹ nghệ Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, kết quả quan trắc chất lượng nước thải và không khí xung quanh cho thấy, nước thải có thông số COD vượt 1,07 lần, BOD5 vượt 1,38 lần so với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp. COD vượt 5,3 lần và BOD5 vượt 4,6 lần so với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt...
Đại diện Sở TN&MT Hà Nội cho biết, những năm qua, tổng kinh phí dành cho sự nghiệp môi trường tăng đều các năm và đến nay đạt trên 3,8% tổng chi ngân sách của TP. Trong giai đoạn 2010 – 2015, đã hoàn thành việc xử lý 25 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ. Các dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt, làng nghề đã và đang từng bước được triển khai nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại đô thị.
Nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do hoạt động sản xuất làng nghề, TP Hà Nội đã thí điểm hình thức xã hội hóa xây dựng dự án Nhà máy xử lý nước thải làng nghề Cầu Ngà (xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức). Nhà máy xử lý nước thải có công suất thiết kế 20.000m3/ngày - đêm, sử dụng công nghệ xử lý sinh học khép kín, với dây chuyền thiết bị tự động hóa được nhập khẩu từ châu Âu.
Sở Công Thương Hà Nội cũng đưa ra kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường các làng nghề trên địa bàn TP, với khoản kinh phí 1.350 tỷ đồng. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, TP cần 750 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 50 làng nghề trọng điểm… Giai đoạn 2020 - 2030, cần 600 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 30 làng nghề khác. Trước mắt, TP sẽ bố trí, huy động vốn để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án xử lý nước thải làng nghề, xây dựng các chính sách, giải pháp hỗ trợ để từng bước cải thiện chất lượng môi trường. Đồng thời quy hoạch các cụm công nghiệp làng nghề để di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu vực dân cư, nghiên cứu xây dựng thí điểm mô hình “Hệ thống quản lý môi trường tại làng nghề”, hoàn thành “Đề án bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.
Bên cạnh đó, TP coi công tác bảo vệ môi trường là một trong những tiêu chí để đánh giá việc phát triển của làng nghề. “TP cũng đề ra nhiều biện pháp khác như quản lý việc thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý chất thải nông thôn, chất thải phát sinh từ hoạt động của những cơ sở trong làng nghề; kiểm soát chặt việc phát sinh và xử lý chất thải nguy hại từ khu, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời việc quản lý chất thải nguy hại trái với các quy định của pháp luật” – đại diện Sở TN&MT Hà Nội cho hay.