Bé k., 9 tuổi, được nhân viên y tế bệnh viện dã chiến tặng bánh kem chúc mừng sinh nhật - ảnh: bvcc
Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện với bà Nguyễn Thị Diệu Anh, thạc sĩ tâm lý lâm sàng trẻ em và thanh thiếu niên - Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, về những cách thức phụ huynh có thể sử dụng để trò chuyện với con trẻ về những thay đổi trong cuộc sống.
- những thay đổi từ tình hình dịch bệnh đã và đang làm thay đổi lịch sinh hoạt của trẻ, dẫn đến những thay đổi về suy nghĩ, hành vi, cảm xúc của các con, ví dụ như phải học trực tuyến tại nhà, không còn được bố mẹ dẫn đi chơi, đi ăn, không còn được gặp bạn bè, cô giáo, những thắc mắc vì sao ba mẹ ở nhà nhiều hơn trước đây...
Chọn cách nói cho trẻ sự thật cũng như lý do vì sao có những thay đổi đó là cách giúp trẻ hiểu rõ hơn về những thay đổi đang xảy ra xung quanh, chấp nhận nó, hợp tác trong việc tự bảo vệ bản thân, giúp an toàn trong mùa dịch. Nếu trẻ không được thông tin rõ ràng, có thể trẻ sẽ có nhìn nhận không hợp lý, dẫn đến cảm xúc và hành vi tiêu cực.
Có nhiều phụ huynh băn khoăn, e rằng khi nói ra, con mình sẽ lo lắng hoặc không còn ngây thơ nữa. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chính sự không hiểu biết hoặc hiểu không rõ mới khiến chúng ta lo lắng nhiều hơn, cũng như khi không hiểu đúng, chúng ta sẽ có hành xử không phù hợp. Cho con kiến thức hợp lý cũng là cách giúp con trưởng thành phù hợp.
* Trong quá trình trò chuyện với con về những biến động do dịch bệnh gây ra, cần chú ý đến những điều gì?
- Mỗi phụ huynh sẽ có một cách thức riêng, tùy thuộc vào sự hiểu con, thói quen của mỗi gia đình. Một số cách sau đây có thể giúp phụ huynh dễ dàng hơn trong việc giải thích.
Về thời điểm, hãy chọn lúc trẻ và phụ huynh thoải mái, tâm trạng tích cực, không bận rộn làm việc gì. Đây là thời điểm thích hợp để nói về những chuyện mang tính nghiêm túc, chia sẻ nhận thức, cảm xúc hoặc góp ý. Phụ huynh nên chọn cách ngồi gần để có thể nhìn thấy mặt trẻ, thay vì đứng hay nằm. Tư thế ngồi sẽ giúp trẻ cảm nhận sự gần gũi, được dành thời gian, không vội vã, từ đó trẻ dễ bày tỏ hơn.
Trong cách nói, tránh thuyết giảng mà hãy trò chuyện thân mật, và đặt câu hỏi để giúp con nói về những điều con biết, từ đó bổ sung hoặc điều chỉnh. Luôn hỏi về cảm nhận của con với những điều phụ huynh vừa nói hoặc những điều con chia sẻ. Về lâu dài, cách thức này sẽ tạo được cho con niềm tin vào phụ huynh và vào bản thân mình.
Cha mẹ cần cởi mở, tôn trọng điều con nói. Hãy gật gù, nói: "Ồ, vậy hả con", "Con nói đúng rồi", "Ba/mẹ hiểu điều con nói", "Con can đảm lắm"... thay vì "Con sai rồi", "Ai mà lại làm vậy", "Trời ơi, con nghĩ vậy hả"...
Nhìn chung, nếu phụ huynh có góc nhìn tích cực hoặc hướng về sự tích cực, thì trong cách nói chuyện và thái độ thể hiện, phụ huynh sẽ truyền được cho con sự tích cực đó.
- Trao gửi thông tin chính xác và khoa học cũng là một trong những trách nhiệm của người lớn đối với trẻ em, điều đó giúp trẻ có nhận thức đúng, từ đó có hành xử phù hợp. Trẻ luôn tò mò về thế giới, và biểu hiện bằng cách đặt câu hỏi. Tùy lứa tuổi của trẻ, hãy chọn cách nói chính xác thông tin, rõ ràng, phù hợp. Tránh nói sai, hạn chế nói tránh né nếu không trong những trường hợp đặc biệt, khi bạn và trẻ đều chưa sẵn sàng.
Hãy bắt đầu bằng từ mà trẻ dùng, sau đó xen kẽ bằng từ mới đúng với khoa học. Khơi gợi để trẻ phản hồi sau khi chúng ta giải thích.
Nếu phụ huynh chưa biết cách trả lời như thế nào, hoặc quá "choáng ngợp" với hàng loạt câu hỏi của con, có thể chọn cách hỏi lại trẻ như "Con nghĩ vì sao lại vậy?", hoặc trì hoãn câu trả lời để có thời gian tìm hiểu trên sách báo, phương tiện truyền thông hoặc nguồn đáng tin cậy khác; sau đó trả lời với trẻ.
Trong trường hợp đó, hãy thành thật nói rằng mình chưa có câu trả lời và sẽ tìm hiểu để trả lời sớm cho trẻ. Và lưu ý, hãy giữ uy tín với lời hứa của mình.
Bà Nguyễn Thị Diệu Anh, thạc sĩ tâm lý lâm sàng trẻ em và thanh thiếu niên
* Làm thế nào để nhận biết được trẻ đang có những bất ổn trong tâm lý do đại dịch và sự xáo trộn gây ra?
- Trừ một số trường hợp đặc biệt, đa số trẻ em không che giấu cảm xúc với người mà trẻ tin tưởng. Vì vậy sự gần gũi, cởi mở, trò chuyện với con mỗi ngày sẽ luôn là cơ hội để phụ huynh nhìn thấy những thay đổi của con, cả về tích cực lẫn khó khăn.
Tuy nhiên, cách thức thể hiện những bất ổn (nếu có) của trẻ không phải lúc nào cũng rõ ràng và dễ nhận biết, nhất là những trẻ hạn chế ngôn ngữ, khó khăn trong việc thể hiện cảm xúc, hoặc không có thói quen chia sẻ.
Phụ huynh có thể sớm nhận biết những thay đổi ở con mình khi trẻ có hành vi khác với thường ngày như lăng xăng, hiếu động hơn hoặc ngược lại, ít hoạt động hơn, di chuyển chậm, ngồi yên một chỗ lâu hơn; ít nói hoặc nói quá nhiều. Trẻ biểu hiện cảm xúc khác với thường ngày, trầm lặng hơn hoặc dễ nổi nóng, dễ tức giận, dễ khóc.
Bên cạnh đó, trẻ ăn, ngủ khác với thường ngày như ăn nhiều hoặc ít hơn, ăn không ngon, thậm chí bỏ ăn; ngủ nhiều hoặc ít hơn, thường trằn trọc, khó ngủ, ngủ không ngon, có ác mộng, nói mớ, nghiến răng...
Cuối cùng, cách chơi đùa của trẻ cũng khác với thường ngày. Cách chơi là điều rất quan trọng, thể hiện được nhiều điều bên trong của trẻ. Khi gặp khó khăn, trẻ cũng có xu hướng chơi khác bình thường, như bạo lực hơn, các nhân vật hoặc tình tiết lúc chơi biểu hiện bất thường như đánh nhau, giận nhau, ch*t chóc... Với những trẻ hay vẽ thì tranh vẽ cũng thể hiện những điều như cách chơi.
* Phụ huynh cần làm gì khi trẻ bất ổn về tâm lý, đặc biệt là khi việc thăm khám đang hạn chế do dịch bệnh?
- Khi nhận thấy con có những biểu hiện bất thường, phụ huynh hãy bình tĩnh. Trò chuyện với con để hiểu con, cho con cơ hội bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc; giải thích với con về những điều đang diễn ra. Hãy luôn nói với con rằng phụ huynh luôn bên cạnh con và bất cứ chuyện gì cũng có cách giải quyết. Cách thức truyền đạt của phụ huynh cần hướng về điều tích cực.
Bên cạnh đó, sự tiếp xúc cơ thể lúc này là điều quan trọng. Hãy ôm con, vuốt ve con một cách thân mật và ấm áp, điều đó sẽ cho con thêm cảm nhận về sự tin tưởng và có xu hướng muốn chia sẻ.
Cần tiếp tục theo dõi những biểu hiện của con. Nếu không thấy thuyên giảm, phụ huynh hãy tìm sự hỗ trợ từ nhiều nguồn như tham khảo tài liệu cách làm cha mẹ, hỏi ý kiến chuyên gia, tham vấn trực tuyến trong mùa dịch...
* Đối với trẻ từng trải qua hoặc trông thấy cảnh người thân như cha mẹ, anh chị... trong nhà mất vì COVID-19, những người còn lại trong nhà cần hỗ trợ cho trẻ ra sao, thưa chị?
- Mất người thân luôn là một trong những điều khó khăn nhất cho chúng ta và trẻ em cũng vậy. Giúp trẻ đối mặt trước mất mát là điều không dễ, đòi hỏi sự bình tĩnh và thời gian lâu dài, cũng như cần hiểu sự nhạy cảm của mỗi trẻ khác nhau. Tuy nhiên, luôn hướng đến việc giúp trẻ chấp nhận sự thật qua cách trò chuyện thân mật, yêu thương và an toàn.
Trước mắt, trẻ rất cần sự đảm bảo an toàn sau khi người thân mất. An toàn về ăn ở, chăm sóc, có người lớn khác bảo vệ, nuôi nấng, yêu thương. Hãy cho trẻ thấy và hiểu được điều này và luôn luôn nhắc lại.
Trẻ cần được giải thích để hiểu rõ hơn về sự mất mát đó. Tùy từng độ tuổi và nhận thức mà trẻ hiểu được về cái ch*t. Để có cơ sở cho việc giải thích tùy vào độ tuổi và nhận thức, người lớn hãy chọn cách hỏi trẻ để biết được điều trẻ nghĩ.
BÌNH MINH thực hiện
Chủ đề liên quan:
bệnh viện dã chiến cha mẹ con cái cha mẹ và con cái covid-19 Nguyễn Thị Diệu Anh tình hình dịch bệnh