Đợt dịch Covid-19 lần thứ 2 này đã khiến cho hàng vạn lao động ngoại tỉnh tại Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn. UBND TP Đà Nẵng đã có tờ trình gửi Thủ tướng đề nghị cho phép người dân của các địa phương đang tạm trú tại Đà Nẵng được trở về nơi cư trú theo nguyện vọng. Nhưng ở lại hay trở về là câu hỏi đầy trăn trở với những người đang mắc kẹt tại Đà Nẵng.
Anh Lê Thế Lãnh quê Thái Nguyên cùng 5 người anh em đang ngồi trò chuyện trong láng trại chật hẹp, ẩm thấp chưa đầy 9 m2 trên một con đường nhỏ tại phường Thuận Phước (Hải Châu, TP Đà Nẵng). Đôi mắt nhìn xa xăm rưng rưng đượm buồn, anh kể vào Đà Nẵng từ đầu năm. Công việc thợ nề đi đây đi đó, lang bạt khắp các công trình. Chủ thầu mới nhận công trình trước đợt giãn cách xã hội lần 2 vài ngày. 6 anh em làm được vài hôm thì phải tạm ngừng vì dịch dịch bệnh.
Người lao động tự do ngoại tỉnh đang mắc kẹt tại Đà Nẵng đang chật vật vì thất nghiệp. |
Gần một tháng nay, các anh chỉ quanh quẩn trong lán trại để trông coi công trình và vật liệu xây dựng. Anh Lãnh cho hay: “May mắn khi được chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ gạo, mỳ tôm… mấy ngày vừa qua. Thêm vào đó, chủ thầu cũng cho tụi anh được tạm ứng tiền theo tuần để đi chợ mua thêm ít cá, ít rau. 3 ngày đi chợ một lần mà không có tủ lạnh nên không dám mua nhiều. Chỉ có rau là để được lâu lâu chút”.
Cái khổ khi mắc kẹt tại tâm dịch không day dứt và khắc khoải bằng nỗi nhớ nhà của 6 người đàn ông này. “Anh em ở đây ai cũng mong muốn về quê lắm. Ai cũng nhớ nhà hết. Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh này chỉ mong được trở về nhà thôi. Về quê còn có cái làm, còn lo được cho vợ con”, anh Lãnh nói.
Căn phòng dựng tạm bợ chưa đầy 7 m2 tại khu tái định cư Hòa Liên 5 (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) là nơi sinh hoạt của 14 người cả nam và nữ lao động tự do. Hơn 26 ngày không việc làm, không thu nhập, họ thay phiên đi bắt cá, hái rau để trang trải bữa cơm qua ngày.
Anh Phạm Văn Ngà (quê Thanh Hóa) cho biết: “Tụi anh cũng mới nhận được hỗ trợ từ các mạnh thường quân nên bữa ăn được cải thiện hơn. Bên xã có cấp cho 5 phiếu đi chợ, nhưng đến giờ mới dùng được 1 phiếu thôi. Còn lại thì đi bắt cá với hái rau phụ thêm, rồi cũng qua ngày qua bữa”.
Bữa ăn hàng ngày dần trở thành nỗi lo nếu dịch bệnh kéo dài. |
Anh Hoàng Văn Quy (quê Bắc Giang) tặc lưỡi kể về 2 đợt dịch ác nghiệt đã làm tiêu tán hết số tiền anh tích cóp từ đầu năm đến giờ: “Muốn về lắm, nhưng giờ việc thì không làm được, tiền thì cũng hết, sao mà về được. Nếu hết dịch thì có nhiều việc để làm hơn. Thôi thì ở lại”.
Không riêng anh Quy mà còn rất nhiều người từ chối nguyện vọng về quê, bởi họ tin rằng rồi một ngày Đà Nẵng sẽ hết dịch.
Qua rà soát sơ bộ của Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng có khoảng 16.000 người lao động ngoại tỉnh đang mắc kẹt vì dịch tại Đà Nẵng, chủ yếu là người dân Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Bình Định và Phú Yên. Nhằm thực hiện nguyện vọng hồi hương của lao động bị mắc kẹt, UBND TP Đà Nẵng đã có tờ trình gửi Thủ tướng đề nghị cho phép người dân của các địa phương đang tạm trú tại Đà Nẵng được trở về nơi cư trú theo nguyện vọng. Đồng thời, Đà Nẵng cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh thành có người dân đang tạm trú ở Đà Nẵng phối hợp với Đà Nẵng tổ chức đón người về; chỉ đạo Bộ GTVT mở một số tuyến tàu hỏa đưa người dân từ Đà Nẵng về các địa phương.
Người lao động mang theo hy vọng một mai Đà Nẵng hết dịch |
Hiện tại, Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng đã cho rà soát số lượng lao động có nhu cầu trở về quê từ các doanh nghiệp và cả lao động tự do; thiết lập đường dây nóng với các tỉnh thành có lao động tại Đà Nẵng để bàn phương án đưa lao động về nếu đề nghị được phê duyệt.
Đại diện Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng cũng cho biết, vì theo tình hình thực tế nhu cầu trở về quê của người ngoại tỉnh luôn thay đổi nên số lượng người mong muốn về quê được thống kê có thể thay đổi. Nếu đề nghị của UBND TP Đà Nẵng được phê duyệt thì Sở LĐ-TB&XH sẽ thông tin các kênh đăng ký nguyện vọng hồi hương để người dân được biết.
Được biết, ngày 22/8, tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Đà Nẵng đón công dân Quảng Ngãi đang mắc giữa vùng dịch Covid-19 tại Đà Nẵng nay có nguyện vọng trở về quê. Công dân cần đăng ký trước với Công an tỉnh Quảng Ngãi và có đầy đủ thủ tục như: giấy tờ tùy thân và tờ khai y tế.