Mẹ lê thị nguyên (86 tuổi, quỳnh lưu, nghệ an) rưng rưng khi thấy tên con mình là liệt sĩ trần văn minh trên tấm bảng ghi tên 64 liệt sĩ gạc ma tại lễ tưởng niệm ở biển thiên cầm (hà tĩnh) - ảnh: quốc nam
Những cái siết tay, những cái ôm, những ánh mắt của người còn sống cùng quyện vào làn khói hương và những vòng hoa hướng về 64 người lính anh hùng nằm lại nơi biển xa. những người mẹ liệt sĩ cũng về đây để thấy gần hơn con mình qua bóng hình đồng đội của con.
Về hà tĩnh dự lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ gạc ma năm nay có 3 mẹ liệt sĩ. cả 3 đều đã chân yếu, mắt mờ. nhưng ai cũng gắng đi bằng được. không phải chỉ vì một buổi lễ kỷ niệm thông thường. những người mẹ này đều muốn đi về phía gần con mình hơn trong những năm tháng cuối đời.
Mẹ Lê Thị Nguyên - mẹ của liệt sĩ Trần Văn Minh (Quỳnh Long, Quỳnh Lưu, Nghệ An) - là người nhiều tuổi nhất trong 3 người mẹ.
Mẹ đã 86 tuổi nhưng gần mười năm qua chưa một lễ tưởng niệm nào mẹ vắng mặt, dù lễ tổ chức ở TP.HCM, Nha Trang, Đà Nẵng hay Hà Tĩnh. Mẹ nói mình có 6 người con. Liệt sĩ Minh là con trai đầu.
Anh Minh vào hải quân khi mới 18 tuổi. Đến 25 tuổi thì lên tàu 604 với nhiệm vụ máy trưởng ra Gạc Ma và nằm lại với đảo chìm này 34 năm qua. Những gì còn lại về con của người mẹ này là một tờ giấy báo tử và một tấm ảnh trong những ngày đầu vào hải quân.
Tấm ảnh duy nhất này được liệt sĩ Minh chụp tặng cho một người bạn, khi liệt sĩ Minh nằm lại với Gạc Ma thì người bạn này đem trao lại cho gia đình thờ phụng.
Vừa đến biển Thiên Cầm, mẹ đi hết một lượt qua những cựu binh là đồng đội của con đã có mặt từ trước đó. Gặp đồng đội nào của con mẹ đều sờ lên tóc và nắm chặt tay một lúc rồi mới rời ra.
Trước mặt sân khấu chính của lễ tưởng niệm, những người trong ban liên lạc cựu binh Gạc Ma đã chuẩn bị sẵn một tấm bảng lớn ghi tên tuổi của 64 liệt sĩ Gạc Ma.
Mẹ Nguyên lặng lẽ đứng trước tấm bảng, cố căng khóe mắt đã đục ngầu cùng bàn tay nhăn nheo lướt qua từng cái tên rồi dừng trước ô ghi tên con mình. Mắt mẹ trân lại không rời hàng chữ nhưng mẹ không khóc mà chỉ miết ngón tay qua lại trên nền bạt.
Anh Trần Quang Thọ, em trai út của liệt sĩ Minh ở cùng mẹ, nói năm nào cũng vậy, cứ Tết Nguyên đán vừa qua là mẹ lại nhắc anh chuyện đi dự lễ tưởng niệm những chiến sĩ trong trận hải chiến Gạc Ma.
Càng gần đến ngày giỗ của 64 liệt sĩ, mẹ càng thường xuyên nhắc như sợ anh quên. Mẹ đã yếu nhưng mẹ nói dù xa mấy cũng gắng đi được.
Cuộc sống của gia đình anh Thọ hiện nay cũng dựa vào chiếc thuyền nhỏ 20CV. Anh, vợ và con trai mỗi ngày vẫn ra biển đánh bắt gần bờ để duy trì cuộc sống. Nhưng hai ngày nay anh đã tạm gác lại việc đi biển để đưa mẹ về với những đứa con - là những đồng đội của liệt sĩ Minh theo cách mẹ gọi.
"Năm nào mẹ cũng dành cho con mình một khoảng lặng như rứa khi đi tưởng niệm. Mẹ nói về lễ tưởng niệm mẹ được gặp lại những đồng đội của con là mẹ như tìm được bóng hình con mình trong đó. Nên dù cuộc sống có vất vả tui vẫn tạm gác lại mọi việc để đưa mẹ về", anh Thọ xúc động kể.
Mẹ Nguyễn Thị Hằng, 76 tuổi, ở phường 2 (mẹ của liệt sĩ Hoàng Ánh Đông, TP Đông Hà, Quảng Trị) cũng vượt 200km để về Hà Tĩnh dự lễ tưởng niệm. Mẹ nói từ khi ngày giỗ các cựu binh Gạc Ma được tổ chức chung, tự nhiên mẹ thấy đau đáu trong lòng.
Mẹ Hằng nói mình sức khỏe yếu, đau ốm thường xuyên nhưng dịp này mẹ phải gắng về Hà Tĩnh bằng được. Ra đến nơi dù rất mệt nhưng mẹ vẫn thấy lòng như được nhẹ đi đôi chút nỗi niềm.
Được các cựu binh dẫn ra phía mép biển, mẹ nói mình như thấy gần con mình hơn và được ấm lòng hơn một chút. "Vẫn đau lòng lắm. Nhưng tự hào về con. Vì con đã chiến đấu và hy sinh cho biển đảo Tổ quốc", mẹ Hằng nói.
Những cựu binh và thân nhân liệt sĩ gạc ma thả những ngọn hoa đăng xuống biển để tưởng nhớ 64 liệt sĩ đã nằm lại giữa biển khơi tối 13-3 - ảnh: quốc nam
Sáng 13-3 trước ngày chính lễ. Trời Hà Tĩnh bỗng trở nên âm u. Ông Lê Hữu Thảo, trưởng ban liên lạc cựu binh Gạc Ma và cũng là người đứng ra tổ chức buổi tưởng niệm này, nhận được điện thoại của một đồng đội.
Ông Thảo vội vàng lên xe hướng lên phía quốc lộ 1. Biển Thiên Cầm - nơi tổ chức lễ tưởng niệm cách quốc lộ chừng 10km nên phải mất hơn 30 phút ông Thảo mới trở lại. Xuống xe cùng ông là một người đàn ông trung niên nói giọng Nam.
Những cựu binh đã tới trước đó có phần ngạc nhiên nhưng chỉ trong vài giây đã chạy đến siết chặt tay như tri kỷ thâm giao lâu mới gặp lại. Người vừa đến là ông Lê Văn Thoa - một cựu binh Gạc Ma, hiện ở Quy Nhơn (Bình Định) - là cựu binh ở xa nhất về tham gia lễ tưởng niệm.
Ông Thoa nói mình đã không do dự khi quyết định về Hà Tĩnh lần này. Gần 800km, nên ông đã phải lên xe từ chiều 12-3, đến sáng 13-3 thì đến Hà Tĩnh.
"Tôi phải về để gặp lại những đồng đội xưa đã cùng sống ch*t bảo vệ Gạc Ma. Thêm một người về sẽ có thêm một nén nhang tưởng nhớ đồng đội", ông Thoa nói.
Ông Lê Hữu Thảo nói dự kiến ban đầu còn có thêm một số cựu binh nữa cũng về tham gia. Nhưng đến những ngày cuối cùng, những người này không may bị nhiễm dịch bệnh.
Cũng đã có lúc dịch bệnh với mức độ tăng dần khiến ông Thảo nghĩ đến chuyện phải tạm dừng việc tưởng niệm. Đó là chưa kể cuộc sống của nhiều cựu binh Gạc Ma hiện cũng còn đang gặp rất nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, đến cuối cùng buổi lễ vẫn thực hiện được dù ít người hơn. "Gần mười năm qua, đây là ngày mà những người đồng đội từng tham gia trận hải chiến Gạc Ma được gặp nhau và cùng nhau thắp nén hương, thả vòng hoa xuống biển để tưởng nhớ những đồng đội đã nằm lại với biển.
Dù khó khăn đến mấy chúng tôi vẫn muốn cùng có mặt ở đây để họ được ấm lòng", ông Thảo nói.
QUỐC NAM - LÊ MINH