Huyết áp của một người bình thường sẽ nằm trong khoảng 120/80mmHg, điều này thể hiện tình trạng sức khỏe tốt, máu lưu thông đều và tốc độ bơm máu bình thường. Nếu huyết áp vượt quá 140/90mmHg thì sẽ được gọi là huyết áp cao, còn huyết áp thấp hơn hoặc bằng 100/60mmHg thì được coi là huyết áp thấp.
Những người bị huyết áp thấp thường gặp phải một số triệu chứng nghiêm trọng như tụt huyết áp, chóng mặt, hoa mắt, ngất, sốc tuần hoàn, trụy mạch do thiếu oxy truyền lên não và tới các bộ phận trong cơ thể. Do đó, mẹ bị tụt huyết áp thì thai nhi có thể sẽ không được cung cấp đủ máu và oxy để phát triển. Nguy hiểm hơn, nếu tình trạng tụt huyết áp xảy ra khi đang đi cầu thang hoặc tham gia giao thông có thể khiến cho mẹ bầu bị ngã, chấn thương, làm tăng nguy cơ sảy thai.
Quá trình mang thai gây ra nhiều thay đổi khi cơ thể phụ nữ phải thích nghi với quá trình nuôi dưỡng em bé. Đây là lý do vì sao mẹ bầu luôn cần khám thai định kỳ với bác sĩ nhằm kiểm tra huyết áp cùng những yếu tố sức khỏe khác. Chỉ số huyết áp thay đổi tùy thuộc vào mức năng lượng, lối sống và mức độ căng thẳng của mẹ bầu. Ngoài ra, chỉ số này cũng có thể tăng hoặc giảm tùy theo thời gian trong ngày.
Một số yếu tố cũng có thể góp phần gây ra vấn đề và khiến chỉ số huyết áp giảm thậm chí thấp hơn bình thường gồm: Chế độ ăn thiếu dinh dưỡng, bị thiếu máu, thiếu vitamin B12, axit folic; mang đa thai; Tâm lý căng thẳng, lo âu kéo dài; bị huyết áp thấp, suy tuyến giáp; Bệnh tiểu đường, hạ đường huyết…
Khi bị tụt huyết áp, các mẹ bầu sẽ gặp các triệu chứng: Buồn nôn, nôn; Hoa mắt chóng mặt, chân tay run, ngất xỉu; Đổ mồ hôi lạnh; Da xanh xao nhợt nhạt; Thở dốc khi làm việc nặng hoặc leo cầu thang.
Để khắc phục tình trạng tụt huyết áp khi mang thai, các mẹ bầu cần lưu ý đặc biệt về chế độ dinh dưỡng và chế độ sinh hoạt, cụ thể như sau:
Chế độ dinh dưỡng: Mẹ bầu bị tụt huyết áp khi mang thai tuyệt đối không được bỏ bữa, nhất là bữa sáng vì đây là nguồn năng lượng cần thiết cho một ngày mới khỏe mạnh; Chia nhỏ bữa ăn trong ngày, thay vì 3 bữa chính thì có thể chia thành 6-7 bữa nhỏ; Mẹ bầu có thể dự trữ sẵn các loại bánh, kẹo bên người để bổ sung ngay khi cơ thể có dấu hiệu bị tụt huyết áp; Ngược lại với những mẹ bầu bị cao huyết áp, mẹ bầu hay gặp tình trạng tụt huyết áp khi mang thai nên ăn mặn hơn một chút; Uống nhiều nước hơn bình thường để làm tăng thể tích máu, khắc phục được chứng huyết áp thấp. Bên cạnh đó mẹ bầu cần hạn chế các loại thức uống có cồn và caffein; Với mẹ bầu bị tụt huyết áp khi mang thai thì việc ưu tiên bổ sung những thực phẩm giàu vitamin C, vitamin B là rất cần thiết. Những thực phẩm giàu dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin C, B, sắt phải kể đến: thịt nạc, gan động vật, mọc nhĩ, nấm hương, cần tây, củ dền…
Chế độ sinh hoạt: Không thay đổi tư thế một cách đột ngột sẽ khiến máu lưu thông không kịp, dẫn đến tình trạng hoa mắt, chóng mặt. Vì vậy nếu muốn đứng lên, ngồi xuống mẹ bầu nên thực hiện từ tốn; Hạn chế ở lâu ngoài nắng, đứng liên tục trong thời gian dài, đồng thời hạn chế nơi đông người để tránh không đủ dưỡng khí dẫn tới khó thở; Ăn đúng giờ, ngủ đủ giấc, tránh thức quá khuya; Thường xuyên vận động cơ thể với những hoạt động nhẹ nhàng như yoga, đi bộ, bơi lội; Không nên xông hơi hay ngâm trong bồn nước nóng quá lâu bởi việc này sẽ gây ra tình trạng mất nước, dễ dẫn đến tụt huyết áp. Tránh căng thẳng, làm việc quá sức, giữ tinh thần thoải mái để huyết áp luôn được ổn định.