Đoàn công tác của Bộ Công Thương vừa trực tiếp làm việc với một số Sở Công Thương địa phương để nắm bắt tình hình, phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương đưa ra các biện pháp nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu ứng phó với dịch bệnh Covid-19 gây ra.
Ghi nhận tại Bắc Ninh, ông Phạm Khắc Nam, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Ninh cho biết, trước tình hình dịch bệnh Covid 19 xảy ra, Sở đã tập trung vào một số giải pháp để đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho nhân dân, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Chúng tôi đã mời các nhà sản xuất, phân phối thực phẩm lớn trên địa bàn tỉnh cùng họp bàn để đưa ra phương án cung ứng từ sản xuất, giá xuất xưởng cho đến phân phối, đảm giá hợp lý nhất cho người dân sử dụng, tiêu dùng.
Đoàn công tác của Bộ Công Thương làm việc với Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh |
“Về khối lượng hàng hóa, chúng tôi đã tính toán trên cơ sở nhu cầu thiết yếu của người dân và năng lực các nhà sản xuất để đảm bảo lượng cung ứng trên địa bàn tỉnh với một khối lượng đầy đủ, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong tỉnh” - ông Phạm Khắc Nam khẳng định và cho hay, Sở Công Thương Bắc Ninh đã xây dựng phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa ứng phó với dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh với các kịch bản ứng phó cụ thể cho từng cấp độ của dịch bệnh.
Cụ thể, về khả năng cung ứng thực phẩm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh: Gạo tẻ 20.373 tấn /tháng; lạc 107 tấn/ tháng; thịt lợn 7.000 tấn/ tháng; thịt gia cầm 1.513 tấn/ tháng; trứng gia cầm khả năng cung ứng cho địa bàn và cung cấp cho các thị trường ngoài tỉnh là 420.000 quả; rau củ quả 17.517 tấn/ tháng… Ngoài ra năng lực sản xuất của một số doanh nghiệp sản xuất thực phẩm trên địa bàn như mỳ tôm, cháo, phở sản lượng 155.000 thùng/ngày hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh.
Ông Diêu Quốc Hùng, Giám đốc hệ thống sêu thị DABACO (Tập đoàn DABACO Việt Nam) - một doanh nghiệp lớn tại Bắc Ninh chia sẻ, trước tác động của dịch bệnh Covid-19, chúng tôi đã dự trữ tồn kho tăng so với ngày thường từ 2,5 - 3 lần so với trước nhằm đáp ứng về nhu cầu hàng hóa cho người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Chúng tôi có thể đảm bảo cung cấp cho thị trường hàng triệu quả trứng trong vòng một tuần, về gạo trong 1 tuần có thể đến 10-15 tấn…
Khảo sát thực tế tại hệ thống sêu thị DABACO |
Còn tại Bắc Giang, báo cáo cho thấy mỗi năm tỉnh cung ứng ra thị trường 593.586 tấn lúa, 293.916 tấn rau các loại, 1.682.715 tấn thịt lợn, 10.272 tấn trâu bò, 70.149 tấn gà, 204,134 triệu quả trứng… Hiện toàn tỉnh có 9 siêu thị, trong đó có 4 siêu thị có kinh doanh hàng hóa thiết yếu; 133 chợ, trong đó có 132 chợ hoạt động kinh doanh tổng hợp; khoảng 10 thương nhân phân phối và gần 3.000 cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh, phân phối thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, đảm bảo phục vụ đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn.
Theo khảo sát tình hình cung ứng và tiêu thụ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trên địa bàn tỉnh từ khi công bố dịch đến nay, không có biến động, nguồn cung cấp đảm bảo nhu cầu của người dân, không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá. Đặc biệt, theo báo cáo của các doanh nghiệp phân phối hàng hóa thiết yếu, thời điểm này các doanh nghiệp cùng tăng lượng dự trữ so với ngày thường, đặc biệt là mỳ và gạo. Hiện lượng dự trữ tại kho của các doanh nghiệp đạt gần 70.000 thùng mỳ các loại và 350 tấn gạo, trong trường hợp cần thiết các doanh nghiệp này có thể cung cấp và huy động đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu của thị trường.
Hàng hóa dồi dào tại siêu thị DABACO |
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, dưới sự chỉ đạo của các cấp, ngành, Bộ Công Thương, UBND tỉnh, Sở Công Thương cũng đã tích cực vào cuộc, trước hết, tổ chức để theo dõi diễn biến tình hình cung cầu và khảo sát đánh giá thực trạng tình hình giá cả thị trường trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở đó, Sở Công Thương Bắc Giang đã xây dựng kế hoạch cũng như có văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, chủ động theo dõi nắm bắt tình hình thị trường, chủ động nguồn hàng hóa để tiêu thụ trên địa bàn tỉnh, phục vụ nhu cầu sản xuất cũng như nhu cầu tiêu dùng của người dân. “Sở Công Thương khẳng định sẽ không để xảy ra tình trạng thiếu các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân ở trong bất kỳ một điều kiện hoàn cảnh nào” - ông Nguyễn Văn Phương nói.
Bà Ngô Thị Minh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Dũng Tiến (Bắc Giang) cho hay, chúng tôi là một doanh nghiệp phân phối ngành hàng tiêu dùng nhanh liên quan đến nhiều sản phẩm, mặt hàng thiết yếu như mỳ tôm, sữa cho trẻ em, hay gia vị… Với cơ sở rộng 10.000 m2, với các kho chứa hàng đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu cho người dân trong tỉnh. Người tiêu dùng có thể yên tâm không sợ thiếu hàng vì năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước rất lớn.
Đoàn công tác của Bộ Công Thương làm việc với Sở Công Thương Bắc Giang |
Không chỉ Bắc Giang, Bắc Ninh, mà tại nhiều địa phương khác cũng cho thấy hàng hóa nói chung, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân khá dồi dào, giá cả ổn định, nhất là tại các thành phố lớn. Chẳng hạn tại Hà Nội, hiện các hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố đã tăng cường dự trữ hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Theo báo cáo của các doanh nghiệp lượng hàng hóa dự trữ phòng chống dịch tăng 30%-40%, các doanh nghiệp đã có phương án triển khai ngay từ đêm ngày 6/3 và sáng sớm ngày 7/3/2020. Theo báo cáo nhanh của doanh nghiệp, lượng hàng dự trữ tăng gấp 4-5 lần ngày bình, các nhà cung cấp đã lên kế hoạch phân bổ hàng hóa chuyển từ các tỉnh về cho hệ thống phân phối tại Hà Nội…
Hay tại thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành kế hoạch cung ứng hàng hóa bảo đảm cân đối cung cầu trên địa bàn với 3 kịch bản cụ thể giao cho Sở Công Thương và các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn triển khai. Theo đó, thành phố đã lên phương án ứng vốn vay dự trữ hàng hóa và có kế hoạch dự trữ hàng hóa tăng từ 50-100% lượng hàng cung cho thị trường so với ngày thường, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh.
Đoàn công tác khảo sát tại siêu thị Co.opmart tại thành phố Bắc Giang |
Tại thành phố Đà Nẵng, hiện hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị như MM Mega Market, Co.op Mart, Big C, Lotte… và các chợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng luôn luôn có nguồn dự trữ hàng hóa và đảm bảo cung cấp đủ lượng hàng hóa tiêu dùng, lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân. Lãnh đạo các siêu thị đã cam kết và sẵn sàng cung ứng tăng 20-40% các chủng loại thực phẩm từ hệ thống chuỗi siêu thị của mình và hệ thống các nhà cung cấp toàn quốc.
Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), trong điều kiện hoạt động mua bán hàng hóa diễn ra bình thường, với đặc thù là nước có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp (với nhiều mặt hàng xuất khẩu đứng top đầu thế giới như gạo, một số nông thủy sản) và đang phát triển khá tốt các ngành công nghiệp nhẹ (như đường, sữa, dầu ăn…) nên nguồn cung các hàng hóa thực phẩm thiết yếu và hàng tiêu dùng của Việt Nam về cơ bản tự năng lực sản xuất trong nước đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân. Chỉ cần tâm lý người dân không hoang mang, không có hiện tường đổ xô đi mua tích trữ, hàng hóa sẽ luôn được cung ứng đầy đủ, kể cả trong bối cảnh dịch bệnh.
Theo số liệu tổng hợp từ các bộ, ngành và Hiệp hội ngành hàng, nguồn cung một số mặt hàng thiết yếu trên cả nước năm 2020 như sau: Mặt hàng lương thực ước tính sản lượng thóc năm 2020 đạt 43,3 triệu tấn (tương đương 26 triệu tấn gạo), trong khi nhu cầu khoảng 19-20 triệu tấn (du thừa cho xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn).
Đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân |
Đối với mặt hàng thịt gia súc, gia cầm: Tổng sản lượng thịt hơi các loại dự kiến thực hiện năm 2020 ước đạt 5,5-5,8 triệu tấn thịt các loại, tăng khoảng 10% so với năm 2019. Trong đó, thịt lợn hơi ước đạt 3,5 triệu tấn; thịt gia cầm 1,36 triệu tấn, thịt trâu, bò khoảng 0,48 triệu tấn. Với lượng tổng cung các loại thịt như trên đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của 100 triệu dân, chưa kể đến nguồn cung các mặt hàng thủy hải sản đạt khoảng 8,2 triệu tấn mỗi năm.
Về mặt hàng rau quả, diện tích rau sản xuất 960 nghìn ha, sản lượng dự kiến đạt 17,18 triệu tấn (tăng hơn 100 nghìn tấn so với năm 2019); tổng sản xuất các loại rau củ quả đạt khoảng 40-50 triệu tấn, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu. Mặt hàng đường, sản xuất trong nước năm 2020 đạt khoảng 1 triệu tấn đường. Thu*c chữa bệnh, ước tính năm 2020, trị giá Thu*c sản xuất trong nước ước đạt 2.900 triệu USD, trị giá Thu*c nhập khẩu ước đạt 4.350 triệu USD… Như vậy có thể khẳng định, nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu có thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Đoàn công tác khảo sát tại chợ Cầu Kim, thành phố Bắc Ninh |
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã ban hành chỉ thị về công tác công tác phòng chống dịch bệnh, trong đó chỉ đạo các Sở Công Thương, các tổng công ty, các tập đoàn kinh tế trực thuộc Bộ, đặc biệt, với Vụ trường trong nước, phải đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân trong thời điểm dịch bệnh diễn ra.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Vụ thị trường trong nước đã thành lập đoàn công tác phối hợp với Cục Quản lý thị trường làm việc với một số Sở Công Thương địa phương. Qua đánh giá, chúng tôi thấy, công tác thực hiện các chỉ đạo của Sở Công Thương về công tác chuẩn bị hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu, đưa ra các phương án kế hoạch chuẩn bị hàng hóa là rất tốt, đặc biệt là những mặt hàng lương thực, thực phẩm, rau củ quả, thủy hải sản, thịt lợn, đảm bảo nhu cầu của người tiêu dùng.
Theo ông Hoàng Anh Tuấn, các Sở Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối đảm bảo hàng hóa đầy đủ để cung ứng cho thị trường các tỉnh cũng như là một số tỉnh bạn xung quanh. Cũng nhận thấy rằng, trong những năm vừa qua, được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, công tác phát triển thị trường trong nước của chúng ta rất tốt, đặc biệt là vấn đề về phát triển hạ tầng thương mại, nước ta đã có trên 1.000 siêu thị và gần 10.000 chợ trên toàn quốc.
Qua đó, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng tại các tỉnh thành cũng như các vùng sâu, vùng xa. “Có thể thấy sự vào cuộc rất kịp thời của các cấp, ngành, đặc biệt là Sở Công Thương của các địa phương trong việc chuẩn bị hàng hóa theo phương châm chỉ đạo của Bộ Công Thương để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của bà con, trong thời điểm dịch bệnh đang diễn ra” - ông Hoàng Anh Tuấn khẳng định.
Đồng thời, ông Hoàng Anh Tuấn cũng bày tỏ, các doanh nghiệp sản xuất hãy cố gắng phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước tại nơi doanh nghiệp đóng cùng chung tay chung sức với Chính phủ, cũng như bộ, ngành vượt qua thời điểm khó khăn, để sản xuất sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng trong thời gian tới.
Còn về phía người tiêu dùng phải hết sức bình tĩnh trong công tác mua sắm, không để hiện tượng dồn mua, tích trữ nhiều gây ảnh hưởng đến cung cầu hàng hóa. “Người dân có thể yên tâm, Sở Công Thương các tỉnh dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương khẳng định xây dựng phương án đủ hàng hóa thiết yếu để phục vụ trên địa bàn tỉnh” - ông Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh.