Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Vì sao nhộng tằm dễ gây sốc phản vệ?

Nhộng tằm là món ăn nhiều người ưa thích nhưng các bác sĩ cũng khuyến cáo do thành phần chứa hàm lượng đạm cao nó cũng gây ra nhiều nguy cơ dị ứng thậm chí sốc phản vệ.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Mới đây, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển, Uông Bí, Quảng Ninh đã tiếp nhận bệnh nhân T. V. B. 48 tuổi, trú tại Lưu Kỳ - Thủy Nguyên - Hải Phòng nhập viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí trong tình trạng lơ mơ, nổi mẩn đỏ toàn thân, rét run, khó thở, huyết áp không đo được, tiên lượng rất nặng.

Trước đó khoảng 20 phút, tại gia đình người bệnh B. có ăn chừng 15 con nhộng tằm. Sau ăn người bệnh có xuất hiện nổi mẩn đỏ toàn thân, nôn ra thức ăn, rét run. Ngay lập tức người bệnh được đưa đến Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cấp cứu.

Sau khi tiến hành thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị sốc phản vệ độ III. Xác định đây là trường hợp người bệnh rất nặng, ngay lập tức các bác sĩ tiến hành cấp cứu sốc phản vệ theo phác đồ. Người bệnh được tiêm Adrenalin, truyền dịch, corticoid…

Nhờ phát hiện kịp thời, sau 1 ngày điều trị, bệnh nhân B. đã ổn định, tỉnh táo trở lại, các chỉ số lâm sàng bình thường. Bệnh nhân hiện đã được chỉ định xuất viện sau điều trị.

Bác sĩ Hoàng Sầm – Viện Y học Bản địa Việt Nam cho biết nhộng tằm, các loại côn trùng, nhộng, đuông dừa… đều chứa rất nhiều đạm và nó là những nguyên nhân gây ra dị ứng rất nhiều.

Nhộng tằm rất giàu chất đạm, các vitamin A, B1, B2, PP, C... và các chất khoáng như canxi, phốt pho... So với các loại thịt, cá thường dùng, giá trị dinh dưỡng của nó không thua kém.

Hàm lượng protit trong bột nhộng tằm cao tới 73,5%, gồm nhiều a-xít amin quan trọng. Trong 100g nhộng tằm có 79,7g nước, 13g protid; 6,5g lipid và cung cấp tới 206 calo.

Theo bác sĩ Sầm hàm lượng đạm của nhộng cao, chiếm tới 73,5%, gồm nhiều a-xít amin quan trọng như leucin, isoleucin, lysin, threonin, cystein, phenylalanin, tyrosin, valin, arginin, alanin, glycin, serin… chính điều này khiến nhộng tằm lại dễ gây ra ngộ độc, thậm chí Tu vong do chất đạm bị phân hủy.

Bác sĩ Sầm cho biết nếu những người có cơ địa dễ dị ứng cũng không nên ăn nhộng tằm và khi ăn nhộng tằm nếu có triệu chứng buồn nôn, chóng mặt, đau bụng dữ dội, đi ngoài, da bị mẩn đỏ cần phải kịp thời đi khám ngay.

Khi mua nhộng tằm về ăn, bà nội trợ nên lưu ý nếu thấy nhộng tằm ch*t thường chuyển màu sang vàng nhạt, thâm đen, các đốt trên thân rời rạc, không dính chắc vào nhau. Lúc này, chất đạm sẽ bị phân hủy không còn giá trị dinh dưỡng nữa, mà trở thành chất độc gây hại cho cơ thể.

Ngoài ra, không nên chọn nhộng tằm căng, bóng vì người bán hàng thường ngâm chúng trong natri sunfit. Nếu hàm lượng chất này trên 30 mg/kg rất dễ gây ngộ độc.

Bác sĩ Sầm khuyến cáo tốt nhất những loại côn trùng có độ đạm cao thì nguy cơ sốc phản vệ của nó càng lớn vì thế khi ăn cần thăm dò và nếu không ăn được thì không nên cố ăn thử.



Infonet

Mạng Y Tế
Nguồn: Infonet (https://infonet.vn/vi-sao-nhong-tam-de-gay-soc-phan-ve-post324120.info)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY