Sáng 30/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nghe báo cáo về công tác nghiên cứu, sản xuất sinh phẩm xét nghiệm (kit thử) và vaccine phòng chống Covid-19.
Theo đó, việc phát triển thành công vaccine dự tuyển nêu trên được cho là cơ sở quan trọng để triển khai các bước tiếp theo để phát triển thành vaccine hoàn chỉnh. Thời gian tới, các dự án liên quan lĩnh vực này sẽ tiếp tục được thúc đẩy tích cực với sự tập trung cao độ về nguồn lực, con người.
Ngoài phương án nghiên cứu, sản xuất vaccine theo các quy chuẩn bình thường, Bộ Y tế cũng chuẩn bị "phương án thời chiến" để đẩy nhanh các bước trong trường hợp diễn biến dịch bệnh Covid-19 xấu đi.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng sẽ lên phương án tổ chức lại lực lượng nghiên cứu, phối hợp với doanh nghiệp để khai thác lợi thế về nghiên cứu, sản xuất vaccine của Việt Nam từ trước tới nay; đáp ứng yêu cầu phòng bệnh cho người dân, khi tương lai có thể xảy ra những dịch bệnh khác sau Covid-19.
Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết đến nay Việt Nam đã làm chủ hoàn toàn công nghệ sản xuất kit thử để xét nghiệm kháng thể (xét nghiệm nhanh); xét nghiệm kháng nguyên (xét nghiệm PCR) có độ chính xác cao.
Việt Nam đã sản xuất được một loại kit xét nghiệm nhanh không cần dùng máy; một loại sử dụng hệ thống máy xét nghiệm ELISA đã được trang bị từ tuyến Trung ương đến tận y tế tuyến huyện. Tương tự, Việt Nam cũng có 2 loại kit xét nghiệm kháng nguyên (PCR).
Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ xây dựng kế hoạch điều chỉnh chiến lược xét nghiệm, phương án đặt mua các loại kit thử, hướng dẫn tập huấn, sử dụng các loại kit thử khi nào, ở đâu... Mục tiêu của việc này là vừa bảo đảm phát hiện nhanh, chính xác các ca nhiễm bệnh, vừa đảm bảo sàng lọc trong cộng đồng. Từ đó giúp kiểm soát dịch bệnh nhanh, giảm tải áp lực cơ sở y tế và tập trung nguồn lực vào điều trị những ca thực sự dương tính nCoV.
Hồi đầu tháng 3/2020, Học viện Quân y và Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á đã nghiên cứu và phát triển thành công hai loại kit chẩn đoán nCoV bằng kỹ thuật sinh học phân tử (RT-PCR và realtime RT-PCR), được Bộ Y tế cấp phép đưa vào sản xuất đại trà. Sau đó, hai bộ kit này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận và cấp mã số danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL).
Tháng 4/2020, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã phối hợp với một trường đại học của Nhật Bản, nghiên cứu và phát triển thành công sinh phẩm xét nghiệm kháng thể có độ nhạy đạt 95%; giá khoảng 5 USD/kit, rẻ hơn so với nhập ngoại.