Bà bầu hôm nay

Chăm sóc bà bầu

Vừa chào đời, em bé đã giật lấy dây ống thở của mẹ, gỡ mãi không chịu buông tay

Em bé này thật xứng đáng với danh hiệu em bé sơ sinh mạnh mẽ nhất mà cư dân mạng bình chọn.

Mỗi em bé chào đời sẽ mang đến niềm vui lớn lao cho các gia đình. dù đi kèm với đó là bao nỗi vất vả nhưng mỗi cử chỉ đáng yêu của bé cũng đủ khiến bố mẹ trào dâng hạnh phúc.

Ngay từ khi mới chào đời, dù còn rất non nớt và bé nhỏ nhưng trẻ sơ sinh đã có thể làm nhiều việc là nhờ những phản xạ nguyên thủy từ trong bụng mẹ, chẳng hạn như phản xạ bú mút, phản xạ tự tìm vú mẹ... Nhờ các phản xạ đó mà cha mẹ ghi lại được những khoảnh khắc vô cùng đáng yêu của các tình yêu bé nhỏ.

Mới đây, một bà mẹ đã đăng tải hình ảnh về đứa con mới sinh của mình, ngay lập tức em bé được cư dân mạng bình chọn là "em bé mạnh mẽ nhất".

Trong khoảnh khắc được mẹ bé chia sẻ, em bé với bàn tay nhỏ xíu nhưng đã biết... rút ống oxy của mẹ, cầm chặt trong tay và hồn nhiên ngước mắt lên nhìn mẹ. thấy thế, người nhà bé muốn lấy chiếc ống oxy ra khỏi tay bé nhưng em bé nhất định không chịu buông ra.

Khoảnh khắc ấy khiến người xem ai cũng phải bật cười. đồng thời, không ít người đùa rằng có lẽ em bé muốn tận tay chạm vào trọn vẹn khuôn mặt thân yêu của mẹ nên mới hành động như vậy.

Một số cư dân mạng cho rằng, có thể bé đã quen với việc nắm dây rốn chơi đùa khi còn trong bụng mẹ, khi ra ngoài, em bé không có cảm giác an toàn nếu không cầm nắm vật gì đó nên đã túm luôn lấy ống oxy của mẹ mà nắm thật chặt.

Trước đó, cư dân mạng từng "phát sốt" với những em bé vừa chào đời đã có có hành động vô cùng ấn tượng. chẳng hạn như em bé níu chặt vào áo bác sĩ không chịu buông ra sau khi được cắt dây rốn hay em bé "tự quyết định số phận của mình" và khiến ba mẹ bé 1 phen hú vía khi chào đời cùng với chiếc vòng Tr*nh th*i.

Những em bé vừa chào đời đã "gây sốt" mạng xã hội.

Tại sao các bé thường xuyên nắm chặt tay khi chạm vào thứ gì đó?

Nhiều bà mẹ tin rằng sau khi chào đời, trẻ sơ sinh thích cầm nắm thứ gì đó trong tay là do thói quen hay cầm dây rốn để nghịch chơi khi còn ở trong bụng mẹ. Tuy nhiên, khoa học đã chứng minh nhiều điều thú vị xung quanh hành động này của các bé.

Sự thật là các bé cầm ống oxy của mẹ hay túm chặt áo bác sĩ không phải là do bé bất an, cảm thấy thiếu an toàn mà do phản xạ cầm nắm của bé - một trong những phản xạ bản năng của trẻ sơ sinh.

Phản xạ cầm nắm là 1 trong những phản xạ bẩm sinh đáng kinh ngạc của các bé sơ sinh. Một bé sơ sinh khỏe mạnh sẽ có phản xạ cầm nắm rất mạnh mẽ, thể hiện bằng việc khi bạn đưa 1 ngón tay chạm vào bàn tay bé, ngay lập tức các ngón tay của bé sẽ nắm chặt lấy ngón tay bạn.

Ngoài tay thì chân bé cũng có phản xạ cầm nắm. Khi đưa vật gì đó lại gần chân bé, bé sẽ co lại rất mạnh. Phản xạ này sẽ biến mất dần sau khi sinh, đến giai đoạn 2-3 tháng tuổi, các bé sẽ biết mở - đóng bàn tay để cầm nắm mọi thứ một cách khéo léo hay còn gọi là cầm nắm có ý thức.

Nếu phản xạ cầm nắm không xuất hiện hoặc không giảm dần theo tuổi tác, chẳng hạn như phản xạ cầm kéo hơn 4 tháng, có thể là dấu hiệu của bệnh lý thần kinh.

Ví dụ, khi trẻ bị bại não, phản xạ cầm nắm của trẻ kéo dài hơn và bàn tay của trẻ thường xuất hiện giống như nắm đấm. Cha mẹ nên đưa trẻ đi khám kịp thời.

Sự biến mất của phản xạ cầm nắm của bé dần trở thành một quá trình cầm nắm có ý thức, điều này cho thấy vận động tinh của bé đang không ngừng phát triển. Cách cầm nắm chính xác là một phần quan trọng trong quá trình phát triển các kĩ năng vận động của trẻ.

Khi vận động tinh phát triển tốt, việc bé cầm nắm, túm, kéo giúp trẻ phối hợp tay - mắt, từ đó có thể giúp bé kiểm soát cơ thể tốt hơn, đồng thời cũng có lợi cho sự phát triển trí não của bé.

Mạng Y Tế
Nguồn: Afamily (https://afamily.vn/vua-chao-doi-em-be-da-giat-lay-day-ong-tho-cua-me-go-mai-khong-chiu-buong-tay-20200903161120719.chn)

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY