Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Vững vàng cho mùa thi

Quá căng thẳng, lo lắng trong thời gian ôn thi hoặc học tập sai cách cũng sẽ khiến tâm lý của sỹ tử càng thêm nặng nề, thậm chí có thể dẫn đến tình trạng khủng hoảng, mất cân bằng tâm lý...

Sai lầm khiến tâm lý thêm hoang mang

Chị Hoàng Thị Giang (42 tuổi, ngụ ở quận Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ, con trai chị nhiều năm liền là học sinh giỏi tại trường, nhiều lần được cử tham gia kỳ thi học sinh giỏi Toán cấp quận và TP, đều đạt giải khá cao. Chị kể: “Từ nhỏ gia đình đã tập cho cháu kỹ năng tự lập, tự chủ do vậy cháu luôn chủ động tự học bài không để bố mẹ phải nhắc nhở. Điều đặc biệt là cháu luôn có trách nhiệm với việc học, không phải học một cách qua loa, mà thật sự hứng thú. Thế nhưng khi bắt đầu vào năm học lớp 12 cháu thường kể lại là bị những cơn đau đầu. Nhiều lúc tôi nghĩ do cháu học nhiều nên chủ quan không đi khám. Gần đây cháu thường cáu gắt, mệt mỏi, vui buồn bất thường, quá lo lắng nên tôi đưa cháu đến bệnh viện. Đọc kết quả chụp chiếu xong bác sĩ cho biết thể chất cháu đều bình thường và khuyên đến bác sĩ tâm lý để khám và điều trị. Tìm đến bác sĩ tâm lý tôi mới tá hỏa khi bác sĩ nói là con tôi bị kiệt sức, và gặp phải vấn đề tâm lý do học tập quá căng thẳng, mệt mỏi. Nếu không thay đổi thói quen học tập thì tình trạng có nguy cơ nặng hơn. Từ đó bác sĩ khuyên vợ chồng tôi nên tạo tâm lý thoải mái cho con khi học, nên xen kẽ thời gian học, nghỉ ngơi và vận động, tránh áp lực về điểm số…”

Không may mắn như chị Liên, chị Nguyễn Thị Hoàng Mai (ngụ phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) chia sẻ, cũng từ sai lầm khi không hướng dẫn con cách học tập đúng cách mà hơn 2 năm nay chị phải đều đặn đưa con đến bệnh viện (BV) Tâm thần TP.HCM để tái khám định kỳ. Chị Mai kể: “Hồi mới chuyển cấp lên THPT, cháu từng kể là rất lo lắng vì thay đổi môi trường, thay đổi bạn bè, thầy cô và khối lượng kiến thức lớn hơn. Bởi đây là giai đoạn định hướng ngành học trong tương lai, để bắt nhịp kịp và cố gắng vào ngành Y dược cháu đã nỗ lực học rất nhiều. Nhiều hôm tôi thấy cháu học suốt đêm đến 3 giờ sáng mới đi ngủ. Ở trường và ở nhà cháu cũng rất ít tham gia các hoạt động, chỉ chú tâm vào việc học. Thời gian đầu thấy con chăm chỉ tôi rất mừng nhưng dần dần đã thấy lo lắng, đỉnh điểm là có lúc cháu tự nhốt mình trong phòng từ chiều đến tối khuya để giải xong 1 bài toán. Quá lo lắng, tôi đưa con đi khám mới biết cháu có những biểu hiện mất cân bằng tâm lý. Từ đó tôi luôn khuyên con học theo năng lực và phải thoải mái, đối với những kiến thức quá khó có thể hỏi thêm ý kiến từ thầy cô, bạn bè. Tôi cũng thường đưa con ra ngoài vận động vào các ngày cuối tuần để cháu năng động và vui vẻ hơn…”.

Vững vàng cho mùa thiHọc sinh nên học và ôn tập trong tâm thế thoải mái, thời gian biểu khoa học sẽ đạt hiệu quả cao hơn

Những biện pháp để cân bằng tâm lý

Theo các chuyên gia tâm lý, tình trạng học sinh gặp phải những vấn đề về tâm lý hiện nay diễn ra khá phổ biến, mỗi học sinh có những biểu hiện khác nhau. Về nguyên nhân, nhìn chung xuất phát từ việc học tập quá căng thẳng, áp lực cao, trong khi đó kế hoạch học tập thiếu khoa học, sai giờ giấc. Học sinh không có thời gian vận động và thư giãn.

Chuyên gia tư vấn tâm lý Đỗ Văn Sự khuyến cáo: Việc giữ tâm lý vững vàng cho con em có vai trò rất lớn từ phía phụ huynh, gia đình. Theo đó, không chỉ thời gian ôn thi mà những khoảng thời gian khác trong năm học, phụ huynh không nên tạo áp lực quá lớn cho con, đặc biệt là áp lực về điểm số dẫn đến tình trạng học đối phó hoặc học trước quên sau, thay vào đó chỉ nên là người hướng dẫn, động viên, nên để cho con tự học một cách thoải mái bao gồm cả việc lựa chọn ngành nghề. Bên cạnh đó nên thường xuyên trò chuyện chia sẻ để kịp thời nắm bắt những khó khăn mà con đang gặp phải, kịp thời đưa ra lời khuyên hữu ích cho con. Ngoài ra, nên cung cấp cho con những chế độ dinh dưỡng đủ chất, khuyên con có thời gian vận động bằng những môn thể thao nhẹ. Tốt nhất, phụ huynh nên vận động cùng con để giới hạn thời gian, tránh để thời gian vận động quá dài ảnh hưởng đến thời gian ôn tập…

Đặc biệt, kế hoạch học tập cần phân bố khoa học, chú trọng vào những môn còn yếu. Học sinh nên ngủ đủ giấc ở khung giờ vàng từ 11 giờ khuya đến 4h sáng. Bên cạnh đó, tinh thần cần tư duy tích cực thay vì những suy nghĩ tiêu cực. “Mỗi học sinh nên xác định rằng mình đang chiến đấu với chính mình, để vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân, không nên quá quan tâm đến cách học hay kết quả học tập của bạn khác để tránh mất tập trung. Một tâm lý vững vàng sẽ giúp học sinh vượt qua nỗi sợ hãi mùa thi và đạt được kết quả thi tốt nhất” – ông Sự nhấn mạnh.

Chung quan điểm trên, chuyên gia tham vấn tâm lý Ngô Minh Uy đưa ra thêm lời khuyên, quá trình học tập căng thẳng ngoài thời gian vận động và nghỉ ngơi hợp lý, học sinh có thể tự giải tỏa áp lực bằng một số phương pháp thư giãn nhanh của người Nhật Bản. Đó là phương pháp tự xoa bóp các ngón tay một cách đơn giản. Theo đó, mỗi ngón tay đại diện cho một cảm xúc khác nhau, trên thực tế trên mỗi đầu ngón tay có số lượng rất nhiều dây thần kinh, mỗi ngón tay cũng đại diện cho một loại cảm xúc khác nhau và ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng của các cơ quan trong cơ thể. Cụ thể, ngón cái liên quan đến sự lo lắng, ảnh hưởng đến chức năng của dạ dày, lá lách; ngón trỏ đại diện cho sự sợ hãi, ảnh hưởng đến thận, bàng quang; ngón giữa biểu hiện cho sự tức giận và phẫn nộ, ảnh hưởng đến gan, túi mật; ngón đeo nhẫn phụ trách các cảm xúc buồn bã, thất vọng, ảnh hưởng đến hoạt động của phổi, đại tràng; ngón út chi phối sự hồi hộp, ảnh hưởng đến tim và ruột non. Do đó, khi căng thẳng, mệt mỏi hoặc trong lúc học tập học sinh có thể dừng bút dùng chính tay phải nắm chặt và massage lần lượt từng ngón tay ở bàn tay trái, lưu ý giữ nguyên tư thế từ 1 đến 2 phút cho mỗi ngón tay. Sau đó đổi lại dùng bàn tay trái thực hiện tương tự đối với bàn tay phải.

Chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy chia sẻ thêm, nên thực hiện biện pháp mỗi ngày để tinh thần được thư giãn, học tập hiệu quả hơn…

THU THƯƠNG

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/vung-vang-cho-mua-thi-n177107.html)

Chủ đề liên quan:

mùa thi sĩ tử tâm lý học sinh

Tin cùng nội dung

  • Để học thi tốt, nên dành thời gian ngủ đủ, ăn uống đảm bảo đủ chất. Khi dùng Thuốc tăng cường trí nhớ phải cảnh giác, cân nhắc kỹ.
  • Các loại thực phẩm vừa tốt cho não vừa đơn giản, dễ tìm sau đây sẽ giúp cải thiện trí nhớ cho các thí sinh, đặc biệt là các sĩ tử khối C.
  • Chế độ ăn uống phù hợp có thể làm cho con người thông minh hơn. Thiếu chất dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ khiến nó hoạt động không tốt.
  • Thời tiết nắng nóng vào cùng thời điểm các sĩ tử bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, xét tuyển đại học. Để có sức khỏe tốt nhất, các bậc phụ huynh cần lưu ý đến vấn đề ăn uống cho các sĩ tử.
  • Trong những ngày thi cử, việc lo cho con em có một đời sống tinh thần thoải mái và một chế độ ăn đủ chất, giàu dinh dưỡng và cân bằng là điều quan tâm của các bậc phụ huynh.
  • Thời gian gần đây, các xóm trọ, khu tập thể tại nội và ngoại thành TP. Hà Nội liên tục xảy ra nhiều vụ mất cắp.
  • Không chỉ lo lắng về việc chọn ngành, chọn trường thi, học sao cho hiệu quả…, việc ăn uống mùa thi cũng gây rắc rối cho nhiều học trò năm cuối.
  • Mỗi khi con cái bước vào mùa thi, cha mẹ cũng như ngồi trên đống lửa.
  • Sau 12 năm đèn sách miệt mài, đã đến lúc các sĩ tử chuẩn bị “vượt vũ môn”. Việc thi cử có thể ví như một cuộc chạy đua đường dài trong suốt khoảng thời gian vài tháng. Các em cần thường xuyên nhận đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng theo nhu cầu của cơ thể. Sức khỏe dẻo dai và khả năng hoạt động trí óc của các em tùy thuộc nhiều vào nếp sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng.
  • Mật ong là sản phẩm dinh dưỡng hoàn hảo được xếp hạng vật phẩm quý giá để tiến cống triều đình ở các nước phương Đông. Các sĩ tử nên dùng mật ong trong những ngày ôn luyện thi bởi đây là sản phẩm rất tốt để bổ khí tăng lực.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY