Ngày 17.12, Phó tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn đã có buổi làm việc với Đoàn chuyên gia cao cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) do ông TS.Takeshi Kasai - Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương làm trưởng đoàn.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cũng chia sẻ, trong những năm qua, việc thực hiện chính sách BHYT ở Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tính đến hết tháng 6.2019, BHXH Việt Nam đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu Chính phủ giao trong lĩnh vực này.
Hiện nay, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt gần 90% dân số. Trên cơ sở đó, BHXH Việt Nam có niềm tin sẽ đạt được mục tiêu 90,7%% dân số tham gia BHYT trong năm 2020. Tuy nhiên, để tiếp tục nâng cao diện bao phủ và đảm bảo quyền lợi người tham gia BHYT vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, Phó tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn kỳ vọng, WHO nói chung, Đại diện khu vực Tây Thái Bình Dương sẽ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ ngành Y tế, BHXH Việt Nam đạt được những mục tiêu cao hơn trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.
TS.Takeshi Kasai - Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương đánh giá, thời gian qua, lĩnh vực y tế và BHYT ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu khác biệt rất nhiều so với trước đây; đồng thời cho biết sẵn sàng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này để đạt được những kết quả tốt hơn nữa.
Tại buổi làm việc các chuyên gia, đại biểu đã cùng trao đổi về những thành tựu và thách thức trong thực hiện chính sách BHYT ở Việt Nam. Theo đó, những kết quả đã đạt được là rất đáng khích lệ khi số người tham gia không ngừng tăng lên; quyền lợi của người tham gia được nâng cao, thủ tục hành chính ngày càng đơn giản, kết nối dữ liệu tập trung, mạng lưới cơ sở khám chữa bệnh BHYT rộng khắp và luôn được nâng cao chất lượng…
Tuy nhiên, cũng có không ít những khó khăn, thách thức như: Tốc độ già hoá dân số nhanh, quyền lợi rộng so với khả năng chi trả, mức đóng BHYT thấp, chi trả từ tiền túi của người dân còn cao, chất lượng dịch vụ y tế khác biệt nhiều giữa các tuyến, vẫn xảy ra tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT, hệ thống giám định đang trong quá trình hoàn thiện…
Trong bối cảnh đó, ông Lê Văn Phúc - Trưởng ban Dược Vật tư y tế (BHXH Việt Nam) đánh giá 5 năm qua, WHO đã kịp thời, thường xuyên hỗ trợ một số hoạt động thực thi của BHXH Việt Nam cả về chính sách và kỹ thuật, trở thành đối tác tin cậy. Đặc biệt, việc hỗ trợ công tác hành chính của WHO tại BHXH TP.Hà Nội đã phát huy hiệu quả tốt; bên cạnh đó là các khoá đào tạo về Thu*c, vật tư y tế…
Về nhu cầu hợp tác thời gian tới, ông Phúc cho biết, để thực hiện định hướng BHYT toàn dân; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; sử dụng bệnh án, thanh toán, giám định điện tử đáp ứng nhu cầu cuộc cách mạng 4.0... BHXH Việt Nam rất mong nhận được sự hợp tác, hỗ trợ trong nâng cao quản lý và sử dụng nguồn lực; đổi mới phương thức thanh toán; ứng dụng đánh giá công nghệ y tế (HTA) trong xây dựng danh mục chi trả; nâng cao năng lực dự báo cân đối quỹ; tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống giám định; nâng cao năng lực cán bộ BHXH về tài chính y tế, HTA, quản trị và phát triển hệ thống…
Những nhu cầu hợp tác này đã được các chuyên gia của WHO và BHXH Việt Nam thảo luận tại buổi làm việc. Hai bên thống nhất thời gian tới sẽ đưa ra các chương trình hợp tác sâu rộng hơn nữa trong lĩnh vực y tế nói chung và BHYT nói riêng; trong đó tập trung vào các giải pháp ứng phó với già hoá dân số; thay đổi tư duy làm việc; phát triển hệ thống BHYT ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp và thân thiện.