Kinh tế xã hội hôm nay

Xót xa người phụ nữ cao 90cm, bị tai biến đến mức méo miệng, cuối đời chỉ mong có tiền mua Thuốc uống cầm cự qua ngày

60 tuổi, không gia đình, con cái, cô Điệp sống lay lắt nhờ tình thương của đứa em trai út. Nhìn cơ thể lùn đi, khuôn mặt biến dạng, người phụ nữ lớn tuổi chỉ mong những ngày còn lại, cơm ngày 3 bữa được đủ no.

Nửa đời người sống trong cảnh tật nguyền

Những ngày đầu tháng 5, chúng tôi tìm về ấp Định Bình, xã Long Thới, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh nơi cô Võ Thị Điệp (60 tuổi) đang sinh sống. Nằm lọt thỏm phía sau vườn, trong căn nhà nhỏ xập xệ, một người phụ nữ trạc tuổi cố nhíu đôi mắt lờ mờ của mình hướng về phía cửa.

Xót xa người phụ nữ cao 90cm, bị tai biến đến mức méo miệng, cuối đời chỉ mong có tiền mua Thuốc uống cầm cự qua ngày - Ảnh 1.

Căn nhà xập xệ nằm sâu trong ấp Định Bình là nơi sinh sống của cô Điệp.

Xót xa người phụ nữ cao 90cm, bị tai biến đến mức méo miệng, cuối đời chỉ mong có tiền mua Thuốc uống cầm cự qua ngày - Ảnh 2.

Không may mắn như những người phụ nữ khác, căn bệnh lúc nhỏ khiến cô Điệp chỉ cao vỏn vẹn 90cm, cơ thể cũng bị khuyết tật.

Hơn 2 năm nay, cô Điệp chỉ ngồi một chỗ, đi lại rất khó khăn sau một trận tai biến bất ngờ. Đưa đôi bàn tay co rút, cô Điệp cố lấy vỉ Thuốc trong rổ, miệng lẩm bẩm nhờ sự trợ giúp. Phía sau nhà, cô Hồ Thị Tuyết Hạnh (53 tuổi, em dâu cô Điệp) vội rót ly nước lên cho chị, nghẹn lời.

"Chị ấy giờ chỉ ngồi một chỗ, muốn đi đâu phải đỡ mới đi được, tay chân co rút hết cả rồi, nói năng cũng chẳng rành rọt như người ta".

Xót xa người phụ nữ cao 90cm, bị tai biến đến mức méo miệng, cuối đời chỉ mong có tiền mua Thuốc uống cầm cự qua ngày - Ảnh 3.

Đôi mắt xa xăm, đượm buồn của người phụ nữ lớn tuổi khi nghĩ đến số phận của mình.

Theo cô Hạnh, trước kia người chị gái sống với mẹ ruột, sau khi mẹ mất, vợ chồng cô Hạnh mới đón chị gái về để chăm sóc. Dù cuộc sống có vất vả nhưng vẫn đủ rau cháo qua ngày, nào ngờ.

"Mấy tháng trước ổng đi mần dưới sông rồi cũng bị tai biến, may mắn không ch*t, vẫn đi đứng đồ được nhưng giờ không làm việc nặng, chỉ quanh quẩn ở nhà thôi", nói đoạn, cô Hạnh hướng mắt về phía chú Võ Văn Lang (54 tuổi, chồng cô Hạnh), buồn bã.

Mọi sinh hoạt, ăn uống hàng ngày của cô Điệp đều do người em dâu chăm sóc.

Từng là trụ cột trong gia đình nhưng giờ đây chú Lang không còn xoay xở được nữa, cảnh nhà đã khổ nay lại khổ hơn. Ngồi cạnh người chị gái bị khiếm khuyết, chú Lang xúc động.

"Trước khi mẹ mất, chú có hứa với mẹ là sẽ thay mẹ chăm sóc cho chị Điệp, giờ thì bản thân mình lại bị bệnh, chẳng biết làm cách nào cả. Chị Điệp bị khuyết tật bẩm sinh, người cứ một khúc vậy không có lớn lên được, mấy năm trước còn nói chuyện, đi đứng đồ được, giờ méo miệng cả rồi, không thể tự chăm sóc được", chú Lang tâm sự.

Chú Lang cho biết sau khi mẹ mất, chú đón cô Điệp về nhà để chăm sóc nhưng từ khi đổ bệnh, cuộc sống gia đình thêm chồng chất khó khăn.

Ngồi trên chiếc giường tre ọp ẹp, cô Điệp cố gắng ú ớ nói những câu không rành rọt, xúc động bật khóc. Có lẽ ở cái tuổi 60, cô chẳng có gì ngoài một cơ thể khiếm khuyết, mọi ăn uống sinh hoạt đều phải do người khác trợ giúp.

"Cô buồn lắm, thương vợ chồng thằng Lang" – cô Điệp cố gắng nói.

Nuôi bò mướn góp tiền chữa bệnh cho chị gái

Tìm trong căn nhà xập xệ không có lấy một vật đáng giá, chú Lang lục đống giấy tờ, hồ sơ bệnh án của người chị gái, xót xa… Lúc trước còn khỏe mạnh, chú Lang đi làm thuê, sức người đàn ông cũng đủ lo cơm no ngày ba bữa cho cả nhà.

Xót xa người phụ nữ cao 90cm, bị tai biến đến mức méo miệng, cuối đời chỉ mong có tiền mua Thuốc uống cầm cự qua ngày - Ảnh 6.

Nhiều tháng qua, căn nhà vắng hẳn tiếng nói cười khi cả chú Lang, cô Điệp đều đổ bệnh.

Xấp giấy tờ, hồ sơ bệnh án và những vỉ Thuốc còn lại trong nhà để giúp cô Điệp xoa dịu cơn đau.

"Giờ chú bệnh tật thế này, đâu có làm gì nổi nữa. Ở đây người ta thương tình, gửi mấy con bò cho chú nuôi hộ, đến khi người ta bán bò được giá thì họ cho lại tiền. Có điều không đủ để chạy chữa Thuốc men, lo cơm nước đàng hoàng cho chị Điệp, chú buồn lắm", chú Lang chia sẻ.

Mỗi tháng, số tiền ít ỏi mà 2 vợ chồng kiếm được từ công việc làm vườn, nuôi bò hộ cộng với số tiền trợ cấp khuyết tật của cô Điệp chỉ đủ cho cả nhà lo được cơm ngày ba bữa. Riêng việc điều trị Thuốc men, vật lý trị liệu cho cô Điệp vẫn còn là dấu hỏi lớn chưa tìm được lời đáp.

Công việc mỗi ngày của chú Lang là cắt cỏ, phụ vợ nuôi hộ bò cho người khác để có tiền trang trải thêm chi phí sinh hoạt.

Ngồi cạnh đứa em trai út, cô Điệp xúc động cho biết bản thân từ nhỏ đã không may mắn như những đứa trẻ khác. Học đến lớp 3, sau một trận sốt, cơ thể cô Điệp bị ảnh hưởng, chân tay co rút không thể lớn thêm được. Sống nương nhờ tình thương của vợ chồng em trai, nhiều lúc nghĩ quẩn, cô Điệp chỉ muốn ch*t đi cho em bớt khổ.

Thấy chị gái hàng ngày phải chống chọi với những đợt tái phát của bệnh tật mà không có tiền để chữa trị, chú Lang chỉ biết khẩn cầu sự giúp đỡ của mọi người để có thêm hi vọng chữa bệnh cho chị gái.

Xót xa người phụ nữ cao 90cm, bị tai biến đến mức méo miệng, cuối đời chỉ mong có tiền mua Thuốc uống cầm cự qua ngày - Ảnh 9.

Hi vọng những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với gia đình cô Điệp để chuỗi ngày phía trước được trọn vẹn hơn.

Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình chú Lang, rất mong quý độc giả gần xa có thể quan tâm, hỗ trợ để cô Điệp được chữa bệnh, sống những ngày tháng còn lại được no ấm, đủ đầy.

Mọi đóng góp xin vui lòng liên hệ số điện thoại chú Võ Văn Lang: 0798744688.

Hoặc thông qua số tài khoản ngân hàng Vietcombank: 1012505486.

Chủ tài khoản: Võ Văn Lang, chi nhánh tỉnh Trà Vinh.

Xin chân thành cảm ơn!

Theo Trí Thức Trẻ

Copy link

Mạng Y Tế
Nguồn: Kenh14 (http://kenh14.vn/xot-xa-nguoi-phu-nu-cao-90cm-bi-tai-bien-den-muc-meo-mieng-cuoi-doi-chi-mong-co-tien-mua-thuoc-uong-cam-cu-qua-ngay-20200512133229757.chn#mingid_comments_content)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY