Kinh tế xã hội hôm nay

Xử lý dứt điểm tình trạng vứt xác lợn ra môi trường

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các đơn vị liên quan triển khai nhiều giải pháp nhằm chấn chỉnh việc phòng, chống dịch bệnh và chấm dứt ngay tình trạng vứt xác lợn ch*t ra môi trường.

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, Thời gian gần đây, các cơ quan truyền thông đã phản ánh tình trạng người dân tiếp tục tiếp diễn việc vứt xác lợn ch*t, lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi ra tại một số địa phương như: Hậu Giang, Đồng Nai, Tp. Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Đà Nẵng... làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.

Do đó, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các đơn vị liên quan triển khai nhiều giải pháp nhằm chấn chỉnh việc phòng, chống dịch bệnh và chấm dứt ngay vứt xác lợn ch*t ra môi trường.

Thực hiện việc chôn lấp heo bị dịch bệnh đúng quy định.

Theo đó, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã huy động các lực lượng của địa phương (bao gồm lực lượng ngành nông nghiệp, môi trường, công an, dân quân...) tổ chức giám sát, phát hiện và kịp thời thu gom, tiêu huỷ xác lợn ch*t vứt ra ngoài môi trường (sông, ngòi, kênh, rạch...) trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện xác lợn ch*t theo quy định; chấm dứt ngay tình trạng vứt xác lợn ch*t ra môi trường như nêu trên.

Đồng thời, giao và chỉ đạo các lực lượng công an của địa phương chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở, người dân theo dõi, điều tra, bắt và xử lý nghiêm các trường hợp vứt xác lợn ch*t, lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường làm ô nhiễm và lây lan dịch bệnh.

Bên cạnh đó, tổ chức phòng, chống và khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo quốc gia và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi cũng đề nghị các thành viên như Bộ Công an chỉ đạo lực lượng cảnh sát môi trường của Trung ương và địa phương có biện pháp nghiệp vụ điều tra, ngăn chặn và cần thiết xử lý nghiêm các trường hợp vứt xác lợn ch*t, lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn kỹ thuật để kiểm soát, xử lý môi trường khi tiêu huỷ lợn bệnh, sản phẩm từ lợn bệnh, đặc biệt đối với số lượng lớn lợn phải tiêu huỷ theo từng địa phương, các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam vào mùa mưa.

Đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 62 tỉnh, thành phố trên cả nước; Tổng số lợn buộc phải tiêu huỷ là hơn 4 triệu con.

Hà Nội: Dịch tả lợn châu phi tiếp tục phát sinh tại 39 hộ chăn nuôi

Sở NN&PTNT Hà Nội vừa ban hành Báo cáo số 483/BC-SNN, về diễn biến và kết quả công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Sở NN&PTNT cho biết, trong ngày 29-8, bệnh DTLCP tiếp tục phát sinh tại 39 hộ chăn nuôi thuộc 8 quận, huyện, thị xã; làm mắc bệnh, tiêu hủy 223 con với trọng lượng 14.799kg. Lũy kế đến nay, bệnh DTLCP trên địa bàn thành phố đã xảy ra tại 29.424 hộ chăn nuôi (chiếm 36,4% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi) ở 2.321 thôn, tổ dân phố của 447 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện, thị xã; làm mắc bệnh và tiêu hủy 509.706 con lợn (chiếm 27,2% tổng đàn) với trọng lượng 35.009 tấn.

Công tác phòng, chống bệnh DTLCP đã được các cấp, ngành thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt, tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống. Các ổ dịch được giám sát, phát hiện kịp thời, khoanh vùng và xử lý dứt điểm; số lợn mắc tại hộ có dịch được tiêu hủy kịp thời, đúng quy định và áp dụng đồng bộ, nghiêm túc các giải pháp phòng, chống dịch. Đáng chú ý, ngoài các đợt vệ sinh, khử trùng tiêu độc đại trà; thành phố và chính quyền địa phương đã cấp bổ sung 250 tấn hóa chất và 8.393 tấn vôi bột để khử trùng, tiêu độc ổ dịch và nơi nguy cơ cao.

Để hạn chế thiệt hại cho ngành chăn nuôi, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, kiểm soát và giám sát chặt chẽ bệnh dịch đến từng hộ chăn nuôi; phát hiện và xử lý sớm, triệt để ngay từ giờ đầu, hướng dẫn triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống, xử lý bệnh theo quy định. Kịp thời thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về các quy định và biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Tiếp tục duy trì hoạt động các chốt kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông ra vào Thành phố. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định pháp luật. Kiểm tra, rà soát, bổ sung đầy đủ vật tư, hóa chất phục vụ kịp thời công tác phòng chống dịch trên địa bàn thành phố. Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh để các cơ quan, người dân nắm bắt tình hình, không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh; hướng dẫn triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác, như: Dại, cúm gia cầm, tai xanh, lở mồm long móng... theo quy định.

T. Trung

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/xu-ly-dut-diem-tinh-trang-vut-xac-lon-ra-moi-truong-n162933.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY