Môi trường hôm nay

Ô nhiễm môi trường

Cách nào cải thiện tình trạng ngập rác?

Với khoảng 14 triệu người đang sinh sống, lượng rác thải của TPHCM đang ở mức rất lớn. Trong khi đó, có tới gần 70% lượng rác thải được xử lý bằng hình thức thủ công, chôn lấp, cộng với tình trạng xả rác bừa bãi của không ít người dân khiến cho thành phố trở nên ngột ngạt...
Các cơ quan, đơn vị tại TPHCM ra quân thu gom rác thải, cải thiện môi trường.

Ông nguyễn trọng minh - lãnh đạo một doanh nghiệp chuyên về xử lý rác thải tại tphcm phản ánh, tình trạng xả rác thải sinh hoạt của một bộ phận người dân vẫn rất thiếu ý thức. nhiều tuyến đường, công viên, gầm cầu, kênh rạch, đất trống dự án chưa triển khai... đều có thể trở thành bãi rác. “thực tế dễ nhìn thấy, ở hầu hết các con đường trên địa bàn tphcm đều có rác, cho thấy nhiều người rất thiếu ý thức, cứ tiện tay là vứt rác” - ông minh thông tin.

Điều đáng nói, những bãi rác tự phát do người dân đổ trộm bất kể nơi đâu như ven kênh rạch, vỉa hè, đất trống dự án hay thậm chí tại trạm xe buýt... Đơn cử, từ hơn một tháng qua, dưới chân cầu Tân Thuận 2 (quận 7) xuất hiện bãi rác tự phát trước một công trình xây dựng. Có lúc, rác thải bay vào người đi đường khi gió mạnh ảnh hưởng lớn đến người tham gia giao thông.

Thạc sĩ Đào Vũ Hoàng Nam - Trường Đại học Bách khoa TPHCM cho biết, có hơn 14 triệu người, trong đó 9 triệu người có đăng ký hộ khẩu và hơn 5 triệu người tạm trú, với tốc độ gia tăng dân số của Thành phố trung bình trên 2%/năm. Tỉ lệ gia tăng chất thải rắn sinh hoạt khoảng từ 6% đến 10%, dự kiến đến năm 2025 tổng khối lượng rác thải sinh hoạt của thành phố sẽ đạt khoảng 13 nghìn tấn/ngày. Nguồn phát thải rác sinh hoạt của TPHCM cũng giống như ở các khu đô thị khác, phần lớn từ các hộ gia đình, các chợ, siêu thị, nhà hàng, quán ăn, khách sạn; những nơi công sở như cơ quan, trường học, trung tâm, viện nghiên cứu, bệnh viện; sân bay, nhà ga, bến xe, bến tàu, công viên, khu vui chơi giải trí, đường phố… và các hoạt động sinh hoạt từ các cơ sở sản xuất.

TS Nguyễn Đinh Tuấn - Ủy viên Ủy ban MTTQ TPHCM nhận định, với khối lượng chất thải cao và ý thức của một số người dân như vậy thì đây là một vấn đề lớn không dễ giải quyết.

Ông Tuấn cho biết, từ hơn 20 năm trước, việc tiến hành phân loại rác tại nguồn đã được tiến hành thí điểm tại TPHCM, nhưng kết quả đến cuối năm 2022 mới chỉ có khoảng 20-25% phường, xã, thị trấn triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Nguyên nhân của sự chậm trễ này có nhiều nhưng chủ yếu vẫn là đầu tư và hoạt động không đồng bộ trong các khâu thu gom, vận chuyển. “Người dân phân loại xong, lại nhìn thấy những người đi thu gom rác đổ chung rác đã phân loại vào cùng một xe” - ông Tuấn nói.

Theo đề xuất của TS Nguyễn Thanh Hùng - Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TPHCM, cần phải di dời các cơ sở tái chế chất thải không đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong khu vực dân cư đông đúc vào các khu vực quy hoạch mới có đầy đủ cơ sở hạ tầng về bảo vệ môi trường chung như các khu/cụm công nghiệp tái chế chất thải, kết hợp đổi mới công nghệ và đăng ký hoạt động chính thức. Bên cạnh đó, cần kêu gọi đầu tư và khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ cho hoạt động tái chế; sớm có những chính sách ưu đãi đầu tư cần thiết và phù hợp để doanh nghiệp mạnh dạn tham gia đầu tư vào lĩnh vực tái chế chất thải.

Mạng Y Tế
Nguồn: Đại đoàn kết (http://daidoanket.vn/cach-nao-cai-thien-tinh-trang-ngap-rac-5727745.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY