Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Xuất hiện ổ dịch sởi 13 ca mắc ở trường học Hải Dương

Đã có 11 học sinh và 2 giáo viên Trường Tiểu học Tân Hương (huyện Ninh Giang, Hải Dương) có kết quả dương tính với bệnh sởi.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương xác nhận trên địa bàn tỉnh xuất hiện ổ dịch sởi tại trường Tiểu học xã Tân Hương (Ninh Giang). Ca bệnh đầu tiên được phát hiện là cháu Hà Khánh H. (8 tuổi) và tiếp đó qua điều tra giám sát phát hiện thêm 01 giáo viên của trường.

Qua mẫu xét nghiệm gửi lên Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xác nhận là dương tính với bệnh sởi. Đến ngày 10/5, tại ổ dịch đã ghi nhận 13 ca mắc trong đó 11 học sinh và 02 giáo viên (đang điều trị tại cơ sở y tế là 05 ca và tại nhà là 08 ca).

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cùng phòng chuyên môn của Sở Y tế đã làm việc với Ban chỉ đạo phòng chống dịch nguy hiểm ở người huyện Ninh Giang và xã Tân Hương và chỉ đạo thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch như: tăng cường tuyên truyền để mọi người dân nắm bắt các triệu chứng của bệnh sởi, cách phát hiện, các biện pháp phòng chống.


Theo dõi và điều trị bệnh nhân mắc sởi tại Khoa Truyền nhiễm, BVĐK tỉnh Hải Dương.

Bên cạnh đó, giám sát chặt chẽ các ca mắc và nghi mắc tại các trường học và dân cư trên địa bàn xã Tân Hương. Xử lý toàn bộ khu vực nhà trường bằng Cloramin B 0.5%, rải tấm thảm tẩm cloramin trước cửa ra vào lớp học.

Đồng thời, hướng dẫn học sinh thực hiện rửa tay bằng xà phòng trước khi đến trường, lớp và sau khi ra về. Lập danh sách học sinh, gửi thông báo đến từng gia đình về ngày tiêm phòng cho trẻ. Tổ chức tiêm phòng vắc xin MR (phòng sởi) cho khoảng 700 học sinh trường Tiểu học Tân Hương.

Trung tâm Y tế huyện Ninh Giang cử 1 đội cấp cứu cùng các phương tiện thường trực tại điểm tiêm chủng, sẵng sàng hỗ trợ cho ngày tiêm chủng.

Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã ghi nhận 02 ổ dịch tại thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang) và xã Tân Hương (Ninh Giang).

Để chủ động phòng bệnh sởi, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:

1. Chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi.

2. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.

3. Trường hợp mắc sởi nhẹ được cho cách ly tại nhà, trẻ cần phải nghỉ học, không tham gia các hoạt động tập thể và đến những nơi tập trung đông người ít nhất 7 ngày kể từ ngày phát ban sởi để tránh lây lan ra trường học và những người xung quanh.

4. Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

5. Người lớn chưa tiêm vắc xin sởi cần chủ động đi tiêm vắc xin sởi (vắc xin sởi, MR, MMR) tại các cơ sở y tế để tránh bị mắc sởi.

Lê Nguyên

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/xuat-hien-o-dich-soi-13-ca-mac-o-truong-hoc-hai-duong-n157364.html)

Tin cùng nội dung

  • Bệnh sởi có khả năng phát sinh các loại biến chứng khác nhau do phong tà, hỏa độc, thực tích, đờm thấp... quá mạnh đều khiến sởi bị bế lại (vít) không mọc ra được, xuất hiện tình trạng đang mọc mà không mọc, xuất hiện chứng nghịch hoặc nguy nhiễm như sởi mọc không thấu hoặc bay đi quá nhanh...
  • Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm do virut sởi, thường hay gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, vào mùa xuân, sởi là bệnh rất dễ lây lan. Y học cổ truyền gọi bệnh sởi là ma chẩn hay sa tử do trẻ em bị bệnh sởi xuất hiện những nốt đỏ, hơi nổi cao, sờ vào thấy vướng tay như các hạt vừng.
  • Ở giai đoạn này, trẻ thường sốt đột ngột hoặc tăng dần, ngạt mũi, ho, mắt đỏ chảy nước, sợ ánh sáng, mệt mỏi, buồn ngủ, rêu lưỡi trắng mỏng hoặc hơi vàng, có thể ăn kém, đi ngoài phân loãng. Giai đoạn sơ khởi kéo dài 3-5 ngày.
  • Trên các mạng xã hội hiện đang lan truyền với tốc độ chóng mặt bài Thuốc “10 phút khỏi bệnh sởi” nhờ tắm lá, hạt mùi… Tuy nhiên, cả chuyên gia đông y, tây y đều khẳng định, không có cơ sở khoa học với những bài Thuốc dân gian truyền miệng này.
  • Theo Lương y Đình Thuấn, Đông y chia bệnh sởi làm 3 giai đoạn. Sau đây là một số món ăn cho trẻ bị mắc sởi tùy theo từng giai đoạn của bệnh.
  • Đông y cho rằng: Bệnh sởi là một loại ôn bệnh, dễ phát triển thành ôn dịch. Bệnh do khí hậu thay đổi trái mùa, những trẻ em có cơ địa trái với khí hậu của tự nhiên hoặc cơ thể yếu không chịu được thời tiết lúc đó thì dễ nhiễm bệnh.
  • Đông y gọi bệnh sởi là “sa tử”, có nghĩa là nốt sởi mọc lên như hạt cát. Bệnh thuộc loại truyền nhiễm. Bệnh thường phát sinh vào mùa đông xuân khi khí hậu thay đổi ở một độ ẩm nhất định thì sinh ra khí độc. Bệnh thường gặp ở trẻ em từ 2 - 8 tuổi, cũng có trẻ lớn tuổi nhưng do cơ thể yếu nên cũng thường nhiễm bệnh. Chu kỳ của bệnh sởi không theo qui luật, có khi 5 năm, có khi 7 - 10 năm một chu kỳ lệ thuộc vào thời tiết và khí hậu của từng năm.
  • Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2015 đến ngày 11/2, cả nước ghi nhận 123 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 25 tỉnh, thành phố.
  • Sởi là một bệnh nhiễm trùng ở trẻ em do virus gây ra. Trước đây bệnh sởi khá phổ biến, ngày nay bệnh sởi có thể được phòng ngừa bằng vaccine (vắcxin). Các triệu chứng của bệnh sởi bao gồm ho, sổ mũi, mắt đỏ, đau họng, sốt và phát ban đỏ dạng đốm rải rác toàn thân.
  • Bệnh sởi nguy hiểm như thế nào ? Những ai có nguy cơ mắc bệnh ? Bệnh sởi có biểu hiện như thế nào ? Cách chuẩn đoán và phòng ngừa bệnh sởi ?
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY