Trang tin The Conversation (Australia) ngày 21/4 đã đăng tải bài viết của tác giả Misha Ketchell với tiêu đề: “Việt Nam không có ca Tu vong vì Covid-19 - bằng cách nào?”.
Theo bài viết, Việt Nam, quốc gia đang phát triển với đường biên giới trên đất liền trải dài với Trung Quốc và dân số 97 triệu người, cho đến nay vẫn chưa ghi nhận bất kỳ ca Tu vong nào vì Covid-19. Tính đến ngày 21/4, Việt Nam mới chỉ ghi nhận 268 ca mắc Covid-19, trong đó hơn 140 người đã hồi phục hoàn toàn.
Tác giả bài viết cho rằng Việt Nam có thể chống dịch thành công nhờ vào chiến lược 3 mũi nhọn của chính phủ.
Bắt đầu từ tháng 2, bất kỳ ai tới sân bay tại một thành phố lớn của Việt Nam đều phải trải qua quá trình kiểm tra nhiệt độ cơ thể bắt buộc và điền vào tờ khai y tế, trong đó nêu chi tiết về liên lạc của họ, cũng như lịch sử đi lại và tình trạng sức khỏe. Các biện pháp này bây giờ đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với tất cả những ai ra vào các thành phố lớn và một số tỉnh bằng đường bộ, đồng thời cũng được áp dụng với các trường hợp ra vào các cơ quan nhà nước hoặc bệnh viện.
Bất kỳ ai có nhiệt độ cơ thể trên 38 độ C sẽ được đưa tới cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra kỹ lưỡng hơn. Những người không trung thực khi khai báo y tế hoặc từ chối khai báo có thể sẽ bị truy cứu hình sự.
Các doanh nghiệp, bao gồm các ngân hàng, nhà hàng và khu chung cư, cũng tự thực hiện các quy trình sàng lọc riêng.
Việc xét nghiệm tập trung được thực hiện trên khắp cả nước. Các cơ sở xét nghiệm được thiết lập tại các thành phố và tất cả người dân đều có thể tham gia xét nghiệm. Các cộng đồng dân cư sống gần các ca nhiễm bệnh, đôi khi có thể là cả một khu phố hay một ngôi làng, đều nhanh chóng được xét nghiệm và đưa vào cách ly.
Một cuộc nghiên cứu về các bộ kit xét nghiệm cho thấy, tính đến ngày 5/3, Việt Nam đã phát triển 3 bộ kit khác nhau, mỗi bộ có giá chưa tới 25 USD và cho ra kết quả trong 90 phút. Tất cả đều được sản xuất tại Việt Nam.
Tất cả các nước đều quan tâm tới chi phí xét nghiệm và tại các nước đang phát triển như Việt Nam, đây là vấn đề đặc biệt quan trọng. Những bộ kit xét nghiệm với giá cả phải chăng đã góp phần hỗ trợ cho chiến lược xét nghiệm tập trung của chính phủ Việt Nam.
Mũi nhọn thứ hai trong cách tiếp cận chống Covid-19 của Việt Nam là cách ly và phong tỏa. Từ giữa tháng 2, người Việt Nam từ nước ngoài trở về đều phải cách ly 14 ngày khi nhập cảnh và xét nghiệm Covid-19. Chính sách tương tự cũng được áp dụng cho người nước ngoài đến Việt Nam.
Bất kỳ ai tiếp xúc trực tiếp với người nghi nhiễm bệnh đều được khuyến khích cách ly và thông tin về người nhiễm bệnh cũng được công khai. Nếu ai đó bị phát hiện từng tiếp xúc với người có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19, họ sẽ được đưa vào khu cách ly bắt buộc.
Vào tháng 3, Việt Nam bắt đầu thực hiện hạn chế đi lại giữa các thành phố và tại các khu vực nhất định trong thành phố. Việc đi lại giữa các thành phố vẫn đang được hạn chế nghiêm ngặt.
Tại Việt Nam, ngôi làng với 10.000 dân đã phải cách ly sau khi phát hiện có các ca mắc Covid-19. Ngay cả bệnh viện Bạch Mai, cơ sở y tế tuyến đầu với 3.200 người tại Hà Nội và là trung tâm điều trị Covid-19 hàng đầu, cũng bị cách ly hồi cuối tháng 3 sau khi xuất hiện các ca dương tính.
Các doanh nghiệp, cả nhà nước và tư nhân, đều đóng cửa. Ngành du lịch và hàng không về cơ bản cũng đóng băng.
Từ đầu tháng 1, chính phủ Việt Nam đã tuyên truyền rộng rãi tới người dân về mức độ nghiêm trọng của virus corona chủng mới. Thông điệp được truyền tải rất rõ ràng: Covid-19 không phải là cúm thông thường, mà là dịch bệnh cực kỳ nghiêm trọng, vì vậy mọi người được khuyến cáo không nên gây nguy hiểm cho bản thân mình và những người khác.
Chính phủ Việt Nam cũng rất sáng tạo trong các phương thức truyền thông. Mỗi ngày, các cơ quan khác nhau của chính phủ, từ Thủ tướng, Bộ Y tế, Bộ Thông tin Truyền thông và chính quyền các tỉnh, đều gửi tin nhắn cho người dân.
Thông tin chi tiết về các triệu chứng và biện pháp bảo vệ được gửi qua tin nhắn tới điện thoại di động của người dân trên cả nước. Chính phủ cũng hợp tác với các nền tảng nhắn tin để truyền tải thông tin.
Biện pháp trên được kết hợp với hình thức nghệ thuật tuyên truyền trên cả nước, thậm chí tem cũng được thiết kế để truyền tải rộng hơn các thông điệp y tế về virus corona. Các thành phố tại Việt Nam treo áp phích nhắc nhở người dân về vai trò của họ trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus. Đồng thời, chính phủ cũng công bố thông tin chi tiết về những người mắc Covid-19.
Bài viết khẳng định rằng, cách tiếp cận của Việt Nam chắc chắn đã phát huy hiệu quả trong việc giảm bớt sự lây lan của virus corona. Nhờ kết hợp những biện pháp này, Việt Nam chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp bùng phát dịch quy mô lớn nào trong cộng đồng. Kịch bản này nếu xảy ra sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới một thành phố như TP. Hồ Chí Minh, nơi có tới 11 triệu dân, và khiến hệ thống y tế công cộng của Việt Nam rơi vào tình trạng quá tải.
“3 mũi nhọn trong chiến lược chống dịch của Việt Nam đang phát huy hiệu quả. Hệ thống y tế có thời gian để điều trị cho từng bệnh nhân, nhờ vậy mới có thể giữ cho số ca Tu vong vì Covid-19 vẫn ở mức 0. Việt Nam đã cho thấy những bài học quan trọng khi dịch Covid-19 đang lan rộng hơn ra các nước đang phát triển”, bài viết kết luận.
Chủ đề liên quan:
chiến lược chống dịch covid 19 của Việt Nam thành công việt nam Việt Nam chống dịch virus corona xét nghiệm virus corona