Tin y tế hôm nay

Tin y tế

4 năm, số thu quỹ bảo hiểm y tế thấp hơn số chi, cân nhắc chuyện tăng mức đóng

MangYTe - Trong 4 năm từ 2016 đến 2019, số thu Quỹ BHYT thấp hơn số chi. Việt Nam vẫn cân đối được Quỹ BHYT là do có quỹ dự phòng từ các năm khác để lại.

Nguồn chi trả cho dịch vụ y tế đến từ ngân sách nhà nước, BHYT và chi tiền túi của hộ gia đình. Theo báo cáo gần đây nhất, chi tiền túi từ hộ gia đình (tức là từ người sử dụng dịch vụ y tế) của Việt Nam đang ở mức 43%, trong khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo khoảng 20%.

"đây là mức chi khá cao so với nhiều nước, là thách thức lớn và cần tìm giải pháp để giảm tỷ lệ chi tiền túi này" - ông lê văn khảm - vụ trưởng vụ bảo hiểm y tế thuộc bộ y tế nói với pv báo gia đình & xã hội.

Để giải quyết những thách thức đó, theo ông Khảm điều đầu tiên Quỹ BHYT phải mở rộng hơn nữa quyền lợi của người tham gia, bao phủ tốt hơn các dịch vụ, đảm bảo tốt hơn bảo vệ tài chính. Tuy nhiên, theo ông Khảm, muốn bảo vệ quyền lợi thì phải tăng mức đóng BHYT.

4 năm, số thu quỹ bảo hiểm y tế thấp hơn số chi, cân nhắc chuyện tăng mức đóng - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Mức đóng BHYT này tuỳ nhiều nguồn khác nhau, từ nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ (cho rất đông người dân), từ tiền lương người lao động và thu nhập của doanh nghiệp, nên phải cân đối hài hoà.

Theo Điều 18 Quyết định số 595/QĐ-BHXH, mức đóng BHYT hàng tháng hiện nay bằng 4,5% mức tiền lương tháng, trong đó người sử dụng lao động (cơ quan, doanh nghiệp) đóng 3%, người lao động đóng 1,5%.

"Cần phải nghiên cứu chuyên sâu, xác định xem cần điều chỉnh mức độ hay lộ trình nào, không chỉ tỷ lệ % lương đóng BHYT mà còn xem đối tượng nào cần điều chỉnh trước. Có thế mới mở rộng quyền lợi BHYT", ông Khảm nói.

Về vấn đề đề xuất điều chỉnh mức đóng BHYT, ông Khảm cho hay Vụ BHYT thuộc Bộ Y tế, cùng BHXH Việt Nam, Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan đang nghiên cứu đánh giá xem xét điều chỉnh trong thời gian nào, ở mức độ và đối tượng nào, quyết định cuối cùng sẽ do Chính phủ, tuỳ thuộc vào điều kiện KT-XH và nhu cầu thực tế.

"Việc này theo tôi nên thực hiện sớm" - ông Khảm cho hay trong 4 năm 2016-2019 số thu Quỹ BHYT thấp hơn số chi. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, mức chi có giảm hơn các năm. Quỹ BHYT hiện đang kết dư khoảng 35.000 tỉ đồng.

"Chúng ta vẫn cân đối được Quỹ BHYT là do có quỹ dự phòng từ các năm khác để lại" - ông Khảm thông tin thêm việc điều chỉnh mức đóng sẽ không thực hiện trong năm 2021.

Dự kiến 1/7 áp dụng phương thức chi trả mới của BHYT

Thêm vào đó, cần cố gắng kiểm soát chi tiêu hiệu quả thông qua việc áp dụng phương thức chi trả mới. Hiện nay, Việt Nam đang chủ yếu áp dụng phương thức chi trả theo phí dịch vụ, nghĩa là bệnh nhân dùng dịch vụ nào thì trả tiền theo dịch vụ đó.

Phương thức này theo ông Khảm luôn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng chi phí. Nhà cung cấp dịch vụ cố gắng cung cấp nhiều dịch vụ hơn.

Trong khi đó, nếu chúng ta áp dụng phương thức chi trả theo nhóm chẩn đoán (với hàng chục nghìn loại chẩn đoán), xác định tiền cho một chẩn đoán bệnh, lúc đó, bác sĩ và bệnh nhân sẽ cùng cân nhắc xem chỉ định ra sao/sử dụng cái gì hợp lý nhất để tiết kiệm chi tiêu.

"Đây là ấp ủ của ngành Y tế đã 10 năm nay. Chúng tôi kỳ vọng nửa cuối năm nay (từ 1/7) sẽ triển khai được theo phương thức chi trả với bệnh nhân nội trú" - theo ông Khảm hiện đã có thí điểm tại Quảng Ninh, Yên Bái, Cần Thơ.

Để triển khai được phương thức này, phải thay đổi nhận thức để xác định lợi thế/hạn chế và đưa giải pháp; cũng như tính toán giá trị từng chẩn đoán phải sát với thực tế.

Võ Thu

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/y-te/4-nam-so-thu-quy-bao-hiem-y-te-thap-hon-so-chi-can-nhac-chuyen-tang-muc-dong-20210407101759746.htm)

Chủ đề liên quan:

bảo hiểm y tế đóng bảo hiểm

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY