Phong vào Bệnh viện Nhi đồng Thành phố tối 4/11 sau ba ngày sốt cao, ho đàm, khó thở, đau ngực tăng dần, nồng độ oxy trong máu (SpO2) khoảng 90%. Cậu bé xét nghiệm dương tính Covid-19, chưa tiêm ngừa vaccine, thể trạng béo phì, được tiên lượng sẽ diễn tiến nặng.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến (Phó giám đốc Bệnh viện) cho biết bệnh nhi nhanh chóng suy hô hấp tăng dần, dù được đặt nội khí quản giúp thở, thở máy với thông số cao vẫn không cải thiện nên các bác sĩ phải tính đến phương án can thiệp ECMO trong đêm. Đây là thiết bị oxy hóa qua màng ngoài cơ thể - vũ khí, phương tiện hỗ trợ hô hấp cuối cùng cho những trường hợp nguy kịch do Covid-19.
Ê kíp gồm 6 bác sĩ, 8 điều dưỡng trang phục bảo hộ, phối hợp gắn hệ thống EMCO vào cơ thể bé, đến 1h30 sáng mới hoàn thành. "Dù đêm khuya vẫn phải làm gấp vì tình trạng của bé nguy cấp, tính bằng giờ vàng, phút vàng, không thể đợi đến sáng", bác sĩ Tiến nói. Phương tiện này giúp chỉ số oxy máu và thông số máy thở của bé cải thiện rõ rệt.
Y bác sĩ phối hợp kết nối EMCO vào cơ thể bé Phong trong đêm. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Theo bác sĩ Tiến, bé được chăm sóc vô trùng ở mức tối đa trong phòng áp lực âm nhưng vẫn có đợt nhiễm trùng huyết, nhiễm nấm huyết, phải điều trị kháng sinh phổ rộng. Phản ứng viêm của bệnh nhi liên tục tăng rất cao (cơn bão cytokine), phải lọc máu hấp phụ cytokine 4 đợt. Sau khi ngưng lọc máu, bác sĩ quyết định chuyển từ Khoa Nhiễm sang Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc để thuận tiện điều trị, ngày 26/11.
"Để di chuyển bé cùng hệ thống ECMO và các máy móc cồng kềnh, bác sĩ Lê Vũ Phượng Thy phải lập kế hoạch dài 3 trang giấy, tỉ mỉ các chi tiết về máy móc, nhân sự, không để xảy ra bất trắc", bác sĩ Tiến nói. Tại Khoa Hồi sức, bé diễn tiến cải thiện dần, không sốt, thông số máy thở giảm dần, tự thở tốt, Xquang phổi cải thiện, sinh hiệu ổn. Phong được ngưng chạy ECMO sau 26 ngày, cai máy thở sau, tập thở, tập vận động.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Thắng, Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, cho biết tình trạng bé nặng, thể trạng lại dư cân nên các điều dưỡng phải phối hợp 3-4 người mới có thể xoay trở, chăm sóc, vệ sinh cá nhân cho bé, thay vì chỉ một người như bình thường. Bệnh viện phải lập các nhóm chuyên về chăm sóc vết thương, nhóm chuyên về ECMO, vật lý trị liệu, tâm lý để phối hợp mang lại kết quả tốt nhất.
Việc tập vật lý trị liệu cho bé cũng gặp không ít khó khăn. Chuyên viên Đỗ Bích Thuận cho biết mỗi lần tập cho bé, chị đều ướt đẫm mồ hôi, về tới khoa hơn nửa giờ vẫn còn thấy rất mệt vì bé ứ đọng nhiều đàm nhớt, phải tập thông khí phổi, nâng nhấc tay chân để tập vận động rất nặng nề. "Tôi vừa căng thẳng, hồi hộp vì diễn tiến của bé có những lúc rất xấu, vừa quyết tâm góp sức đến cùng để hỗ trợ bé vượt qua", chuyên viên Thuận nói.
Bác sĩ Nguyễn Đạt Thịnh tự bỏ tiền túi mua áo và giày tặng bé, sau khi biết bé không còn bố. "Chúng tôi cố gắng để bé cảm nhận đây không phải là bệnh viện lạnh lẽo toàn mùi Thu*c sát trùng mà là nơi tràn đầy yêu thương, ấm áp", bác sĩ Thịnh nói. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Tiến sĩ, bác sĩ Trương Quang Định (Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố), cho biết hình ảnh bé hồi phục xuất viện như một món quà to lớn dành cho các y bác sĩ trong dịp Giáng sinh. "Đây là một cuộc hồi sinh ngoạn mục, trong quá trình điều trị có nhiều lúc sóng gió tưởng chừng buông tay nhưng chính lúc đó chúng tôi càng quyết tâm vượt qua thử thách này", bác sĩ Định nói.
Bác sĩ Lê Vũ Phượng Thy, Trưởng Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, cho biết trong 18 năm làm hồi sức, từng điều trị nhiều bệnh nhân nặng, có bé nằm viện đến 3-4 tháng nhưng Phong là một trường hợp đặc biệt, để lại nhiều cảm xúc và ấn tượng. Các y bác sĩ ấn tượng với cậu bé kiên cường, dũng cảm, khi bắt đầu tỉnh lại rất phối hợp với kíp điều trị. "Giai đoạn tập thở nhiều thử thách, bé rất sợ, luôn nắm chặt tay các y bác sĩ, nhưng cuối cùng bé đã làm được", bác sĩ Thy nói.
Nghị lực sống, nỗ lực vượt qua bệnh nặng của Phong được các bác sĩ ví von bé như một "tiểu phi công". "Bệnh nhân 91"- phi công người Anh (từng được truyền thông thế giới gọi là biểu tượng cho nỗ lực toàn diện của Việt Nam với đại dịch) tổn thương phổi nặng, tưởng chừng phải ghép phổi nhưng cuối cùng đã vượt qua ngoạn mục. So về cân nặng, Phong còn nhỉnh hơn với 120 kg, cao 1m68, chỉ số BMI lên tới 46 (phi công Anh cao 1,83m, nặng 100 kg, chỉ số BMI là 30,1). Đây là yếu tố gây nặng và thách thức đáng kể cho chăm sóc, điều trị.
Chi phí sau 51 ngày điều trị của bé hơn 1,18 tỷ đồng, trong đó ngân sách chi trả những chi phí liên quan Covid với hơn 924 triệu, bảo hiểm y tế chi trả hơn 10 triệu. Tiền viện phí hơn 251 triệu đồng chủ yếu được các nhà hảo tâm hỗ trợ.
Sau xuất viện, Phong tiếp tục tự tập vật lý trị liệu hô hấp, vận động theo các bài tập được hướng dẫn tại nhà. Bệnh nhi sẽ tái khám sau một tuần để đánh giá vết loét ở vùng lưng, đánh giá chức năng hô hấp, dinh dưỡng. Cậu bé cũng tái khám gói "hậu Covid" sau một tháng tại khu Khám Siêu Nhân gồm khám tổng quát, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, đánh giá tâm lý, dinh dưỡng...
Trước khi xuất viện, bé Phong tặng những biểu tượng đầu lân - công việc của bé, cảm ơn các y bác sĩ đã cứu mạng, sáng 24/12. Ảnh: Lê Phương
Từ cân nặng 120 kg, sau gần hai tháng gian nan chiến đấu Covid-19, Phong giảm còn hơn 90 kg. Sớm mồ côi bố, nghỉ học làm thuê từ lớp 5, ngoài phụ việc ở xưởng sắt, Phong và anh trai là thành viên một đội lân sư rồng của địa phương. Trước khi xuất viện, cậu bé tặng những biểu tượng đầu lân cảm ơn các y bác sĩ đã cứu mạng và có nguyện vọng sau này trở lại bệnh viện biểu diễn múa lân cho các em nhỏ xem vào những dịp quan trọng.
Chủ đề liên quan:
chân dung Chân dung sức khỏe chiến thắng covid-19 điều trị covid-19 tin nóng trẻ em béo phì