Bệnh viện Bạch Mai. (Nguồn: Internet) |
Đầu tháng 11/2019, PGS.TS Nguyễn Quốc Anh (SN: 1959) chính thức nghỉ hưu hưởng chế độ, vị trí đứng đầu Bệnh viện Bạch Mai được chuyển giao cho GS.TS Ngô Quý Châu (SN: 1960).
Tuy nhiên, với vị trí Phó giám đốc phụ tránh, quản lý điều hành Bệnh viện Bạch Mai, có thể hiểu việc trao quyền cho ông Châu chỉ là một phương án “tạm thời”, trước khi Bộ Y tế lựa chọn được nhân sự chính thức đảm nhiệm vai trò Giám đốc bệnh viện này.
Ông Châu không phải là một trong các ứng viên cho vị trí này, khi ông sinh năm 1959, dự kiến sẽ nghỉ hưu hưởng chế độ từ ngày 01/7/2020.
Vị GS.TS này cũng không thể giữ vai trò “phụ trách” cho đến lúc nghỉ hưu. Bởi lẽ, theo Khoản 2, Điều 41, Quyết định 4286/QĐ-BYT: “Thời gian cử “phụ trách” hoặc giao “quyền” quản lý, điều hành không quá 06 tháng. Trong thời gian 06 tháng, căn cứ vào phẩm chất, năng lực lãnh đạo, quản lý của người được cử “phụ trách” hoặc giao “quyền”; Tập thể lãnh đạo đơn vị xem xét quyết định thực hiện quy trình bổ nhiệm hoặc phương án nhân sự khác”.
Tính từ lúc PGS.TS Nguyễn Quốc Anh nghỉ hưu, đến nay đã gần 5 tháng Bệnh viện Bạch Mai khuyết vị trí Giám đốc. Có nghĩa, Bệnh viện này chỉ còn tối đa hơn một tháng nữa để kiện toàn lãnh đạo. Sẽ là không bất ngờ nếu lúc này, các bước quy trình để bổ nhiệm Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã được tiến hành.
Ban Giám đốc đương nhiệm của Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: bachmai.gov.vn) |
Trong Ban Giám đốc đương nhiệm của Bệnh viện Bạch Mai, ngoài Phó Giám đốc phụ trách Ngô Quý Châu như đã nêu, còn có CN. Nguyễn Ngọc Hiền – Phó Giám đốc Kinh tế và TS. Dương Đức Hùng – Phó Giám đốc chuyên môn.
Không kể việc không có chuyên môn Bác sỹ, ông Hiền sinh năm 1960, tức sẽ nghỉ hưu trong năm nay, do đó ông Hiền không thể là ứng viên cho vị trí Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.
Người còn lại - TS. Hùng - sinh năm 1966. Ông Hùng mới được Bộ Y tế bổ nhiệm giữ chức Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Bạch Mai vào trung tuần tháng 1/2020 vừa rồi. Nếu tiếp tục được “nhắm” cho chức vụ Giám đốc, ông Hùng sẽ có một quý thăng tiến ấn tượng ngay đầu năm.
“Căn cứ nhu cầu bổ nhiệm, Tập thể lãnh đạo đơn vị có công văn đề xuất chủ trương bổ nhiệm, giới thiệu nhân sự từ nơi khác đến hoặc Ban Cán sự giới thiệu nhân sự. Nhân sự từ nơi khác đến phải có trong quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý quy định tại khoản 9, Điều 5, Quy định này và có đủ điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm theo quy định”, Quyết định 4286/QĐ-BYT viết.
Theo tìm hiểu của VietTimes, ứng viên cho vị trí Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai là GS. TS Nguyễn Quang Tuấn (SN: 1967) – Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội (trực thuộc Sở Y tế Hà Nội).
Ông Tuấn là một chuyên gia tim mạch nổi tiếng, từng nhiều năm phụ trách Phòng C4 – Viện Tim mạch – Bệnh viện Bạch Mai (giai đoạn 2004 - 2012), trước khi chuyển qua làm Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội.
Khi trở lại Bệnh viện Bạch Mai trong tư cách ứng viên cho vị trí Giám đốc, ông Tuấn sẽ thuộc diện “từ nơi khác đến”.
GS.TS Nguyễn Quang Tuấn hiện còn là một Đại biểu Quốc hội của Đoàn Hà Nội. (Ảnh: Internet) |
Một lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cáo bận qua điện thoại, khi PV VietTimes xác minh thông tin trên. Song một vị khác xác nhận đã tham dự buổi làm việc với tập thể lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai thực hiện quy trình Bước 3, quy trình bổ nhiệm Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đối với ông Nguyễn Quang Tuấn.
Có thông tin cho rằng ông Nguyễn Quang Tuấn chỉ đạt tỷ lệ 33,33% phiếu đồng ý giới thiệu từ tập thể lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai, tuy nhiên, trao đổi với VietTimes, ông Nguyễn Hồng Sơn – Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ (Bộ Y tế) – cho biết “đang trong quy trình cán bộ” nên ông không được phép cung cấp.
Ông chỉ chia sẻ, quy trình bổ nhiệm Giám đốc Bệnh viện được quy định tại Quyết định 4286/QĐ-BYT ngày 4/7/2018 của Bộ Y tế về việc ban hành quy định về tiêu chuẩn và quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý trong các đơn vị sự nghiệp của Bộ Y tế.
Trước câu hỏi của PV về việc số phiếu đồng ý phải đạt tỷ lệ tối thiểu bao nhiêu để đảm bảo việc bổ nhiệm, ông Sơn cho biết, Quyết định 4286/QĐ-BYT không quy định tỷ lệ cụ thể đối với trường hợp “nguồn nhân sự từ nơi khác đến đến” (Điều 37). “Cái đấy thẩm quyền hoàn toàn thuộc Ban Cán sự thảo luận và quyết định”, ông nói.
Như vậy, có thể hiểu, chỉ cần nhận được sự nhất trí của Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế, “ngày trở về” với Bệnh viện Bạch Mai của GS. TS Nguyễn Quang Tuấn không còn xa. Bởi như đã đề cập, thời điểm chót để kiện toàn chức danh Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã rất gần.
Ngày 17/2/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án thí điểm tự chủ của Bệnh viện Bạch Mai giai đoạn năm 2020-2021. Theo đề án, Hội đồng quản lý bệnh viện gồm 11 thành viên, là cơ quan quản lý cao nhất của bệnh viện. Chủ tịch Hội đồng và các thành viên do Bộ trưởng Y tế chỉ định. Hội đồng quản lý sẽ quyết nghị trình Bộ trưởng Y tế phê chuẩn quy chế hoạt động, Giám đốc, Phó giám đốc bệnh viện. Ban Kiểm soát bệnh viện gồm 7 thành viên. Tuy vậy, đến thời điểm này, chưa rõ Hội đồng quản lý bệnh viện Bạch Mai sẽ gồm những nhân sự nào./. |
Chủ đề liên quan:
bác sỹ bạch mai bệnh viện bệnh viện bạch mai đốc bệnh viện dương đức hùng giám đốc giám đốc bệnh viện Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai hùng gô nguyễn quang tuấn nguyễn quang tuấn là ai tuấn tim