Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Aikido - Sức khỏe và tình thương yêu

Môn võ Aikido đã thu hút rất đông người đến võ đường để tập luyện. Môn võ này cũng đã lan rộng tới nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Trong đời sống nhờ biết ổn định được nội tại, quân bình trong tương quan xã hội, giúp con người đạt được khả năng tự thích ứng với nhiều thay đổi, biến chuyển của thiên nhiên để sống khỏe, lâu và có ích cho xã hội. Chính vì ý nghĩa này mà ở Nhật Bản, môn võ Aikido đã thu hút rất đông người đến võ đường để tập luyện. Môn võ này cũng đã lan rộng tới nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Để truyền đạt lại những tinh hoa của môn võ Aikido cho các học trò của mình, võ sư Nguyễn Thanh Bình đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) võ Aikido Trường đại học Y Hà Nội. Từ ngày thành lập (năm 2004) đến nay, CLB đã ngày càng lớn mạnh và phát triển với tổng số hơn 100 võ sinh tham gia sinh hoạt và học tập. Với vỏn vẹn 200.000 đồng/tháng, chi phí đó chỉ “đủ và thiếu” chứ “không bao giờ thừa”, nhưng “cái được” mà CLB thầy Bình đem lại cho các học trò của mình là sức khỏe, sự dẻo dai, lòng nhân ái, bao dung của con người, góp phần mang đến một xã hội tốt đẹp hơn.

Gia đình Aikido

BS. Ngô Lâm hiện đang công tác tại Bệnh viện Bạch Mai, người đã tham gia CLB Aikido Đại học Y Hà Nội gần 5 năm chia sẻ: “Công việc của tôi rất bận và căng thẳng, nên có chút ít thời gian rỗi nào là tranh thủ đến phòng tập luyện sức khỏe cho tinh thần thoải mái. Những ngày bệnh nhân đông, lối đi gần như bị che kín, tôi chỉ cần xoay chân cang (một kỹ thuật trong môn võ Aikido) là lách qua dòng người. Trong môn Aikido, mục tiêu không phải là chinh phục kẻ thù mà là chinh phục chính mình”. Hiểu rõ được tác dụng của việc học môn võ nên anh Lâm cũng cho hai con trai của mình đến tập. Ngoài ra, những đồng nghiệp của anh Lâm về Hà Nội học chuyên khoa, bồi dưỡng kiến thức y khoa cũng đã đến tham gia CLB. Trong những đồng nghiệp này, có người mong muốn được ban huấn luyện của CLB lên tận bệnh viện để dạy cho các đồng nghiệp của mình.

Cũng giống như BS. Ngô Lâm, Phạm Huy hiện đang là sinh viên Trường đại học Y Hà Nội đã tập Aikido được 3 năm. Điều đặc biệt là không những gia đình, người thân ủng hộ mà còn theo Huy đến tập tại CLB. Hiện nay, gia đình Huy hơn chục người tham gia gồm: bố, cô, dì, chú, bác và các anh em. Huy nói: “Từ khi em tập Aikido, sức khỏe về thể chất và tinh thần được nâng lên. Vì thế, bố em cũng muốn tập. Ngăn cản đầu tiên của bố em là ngại không phù hợp khi đã có tuổi, nhưng vài lần đến câu lạc bộ tập và đã “mê” ngay. Và sau đó là cô, dì, chú bác, anh em cũng tham gia”.

Ngân Nhi, một nữ sinh viên trên địa bàn Hà Nội tập Aikido hơn một năm. Có người hỏi Nhi tại sao không chọn môn võ nào khác mà lại chọn Aikido? Nhi thẳng thắn: “Ban đầu em tìm đến Aikido như cho mình một nơi để sinh hoạt, giao lưu, trải nghiệm kỹ năng sống. Nhưng càng tập em càng thấy thích, Aikido vừa rèn luyện bản thân, tự vệ. Môn võ Aikido không cần quá nhiều sức lực nên rất phù hợp với một người bé nhỏ như em. Rèn luyện, tập Aikido, em như có thêm tự tin và yêu cuộc sống nhiều hơn”.

Đến thời điểm này, CLB đã có trên mười trường hợp có bố - con, mẹ - con, vợ chồng, cũng như anh chị em ruột tham gia.

Lớp Aikido miễn phí cho trẻ khuyết tật

Xuất phát từ phương ngôn: “Thế giới là yêu thương”, sau khi thực tế, tham khảo mô hình dạy Aikido cho trẻ em khuyết tật tại TP. HCM do võ sư Đặng Văn Phát và vợ là Nguyễn Thị Thanh Loan thành lập, Võ sư Nguyễn Thanh Bình đã có ý tưởng mở một lớp dạy Aikido cho các em. Võ sư Bình chứng kiến thấy một trẻ khuyết tật thủ thỉ vào tai cô Loan “Em không thấy đường, làm sao học được, cô ơi?”. Tuy không nhìn thấy nhưng vẫn có thể nghe và nói được, cô đã quyết định chỉ dạy các động tác bằng lời nói để học sinh của mình hình dung ra, sau đó cô tạo các thế võ để các em tự sờ và cảm nhận thế võ đó như thế nào. Sau nhiều lần ngã đau, giờ đây, các học viên khiếm thị đầu tiên của cô Loan đã có thể thực tập các thế võ Aikido cơ bản.

Mang theo sự trăn trở, từ giọng nói, hình ảnh của trẻ em khuyết tật về Hà Nội, võ sư Bình đã bắt tay gây dựng lớp tình thương này. Võ sư Bình tâm sự: “Thỉnh thoảng tôi đến các trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật, quan sát các em rất kỹ để hy vọng mình sẽ tìm ra cách để về giúp các em. Tôi vẫn nhớ như in một ngày đến lớp, khi tôi cầm tay một em học sinh để chỉ cho em học những thế võ đầu tiên. Trẻ em khuyết tật, bao gồm cả trẻ bị Down, tự kỷ, câm điếc, khuyết tật vận động đã phải chịu rất nhiều thiệt thòi. Thực tế, ở miền Bắc cũng chưa có một mô hình dạy võ thuật nào dành riêng cho các em, ngoài các lớp học chuyên biệt cho các em mà chỉ các gia đình có điều kiện mới cho con theo học được...”.

Chính bởi vậy, anh sẽ mở một lớp học hoàn toàn miễn phí cho nhóm đối tượng này với mong muốn tạo cho các em một sân chơi lành mạnh, góp phần hỗ trợ nâng cao sức khỏe tinh thần và vận động cho các em.

Với lợi thế CLB nằm trong khuôn viên của Trường đại học Y Hà Nội, anh hy vọng và tự tin nó đã là một sân chơi đảm bảo sự an toàn cho các bé. Để thực hiện ước mơ của mình, võ sư Bình đang trong quá trình tìm hiểu, động viên và khuyến khích các gia đình có con em thuộc đối tượng trẻ em khuyết tật cho con em mình tham gia lớp học này. Anh cho biết, một số số người không tin tưởng và và cũng chưa tin vào khả năng có thể luyện tập của con em mình. Nhưng anh sẽ kiên trì thuyết phục, vận động và chứng minh cho họ thấy sự nhiệt thành và nỗ lực của mình.

“Dù chỉ có một em đăng ký học tôi cũng sẽ dạy. Dù phải mất nhiều thời gian, công sức để dạy cho các em một động tác thôi tôi cũng sẽ gắng kiên trì. Để làm được điều này, chúng tôi sẽ phải đầu tư thêm về cơ sở vật chất..., nhưng đến đâu hay đến đó, miễn là mình có tâm và sự nhiệt tình!” - anh khẳng định.

Hiện nay, các ngày trong tuần là môn sinh có sức khỏe bình thường học nên sẽ dành ngày chủ nhật để dạy cho các em khuyết tật.

Thế giới là yêu thương

Muốn chinh phục được môn võ này, theo võ sư họ Nguyễn phải đòi hỏi một sự luyện tập rất chăm chỉ, kiên trì và nhẫn nại. Chính vì thế, để có ngày hôm nay võ sư Bình đã phải “đổ rất nhiều mồ hôi, nước mắt” trên sàn tập. Để rồi, anh đam mê Aikido đến mức “cứ đến giờ tập mà không tập là lại thấy nhớ”. Và anh luôn “thổi hồn” cho môn võ yêu thích của mình bằng việc nỗ lực rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm và sáng tạo ra cách truyền đạt kiến thức về môn võ cho các học trò của mình.

Võ sư Bình cũng cho biết, cũng chính bởi bản thân mang đầy đủ những đặc điểm về nhu đạo, trong quá trình tập luyện Aikido tạo nên một sự hòa đồng giữa những người tập với nhau, nó mang đến cho người ta cảm giác yêu thương, gắn bó của một gia đình. Ở đó không có sự cạnh tranh, phân biệt đẳng cấp hay đối kháng, mà ngập tràn sự yêu thương giữa con người với con người. Cũng bởi sự “nhu mì” này đã biến võ sư Nguyễn Thanh Bình từ một chàng trai nóng nảy, hiếu thắng..., thành một người đàn ông khiêm tốn, nhẹ nhàng, điềm đạm, bản lĩnh như ngày hôm nay. “Khi đã luyện thuần thục môn võ đạo này, tôi mới hiểu vì sao cha không tán thành việc tôi theo học võ (vì phần lớn các môn võ đều mang tính chất đối kháng, chiến đấu rất cao)” - võ sư Nguyễn Thanh Bình chia sẻ.

Theo võ sư Bình, Aikido rất phù hợp với phụ nữ. Và sẽ rất sai lầm khi cho rằng, tập Aikido sẽ làm vóc dáng phụ nữ xấu đi bởi sự thô ráp, cơ bắp mà hầu hết các môn võ mang lại. Mặt khác, đây là một môn võ xuất phát từ cuộc sống, lao động..., nên nó cũng sẽ rèn luyện cho con người ta một sự bền bỉ, dẻo dai khi làm việc, góp phần mang đến hiệu quả cao hơn trong lao động, học tập. Tuy nhiên, “chỉ khi nào bước vào luyện tập và chinh phục được môn võ này, chúng ta mới cảm nhận được sự tuyệt vời của nó!” - võ sư Bình chia sẻ.

Người tập Aikido có thể tìm thấy gì từ bộ môn này? Đó là kỹ năng tự vệ, tinh thần, sức khỏe và tình yêu thương vạn vật. Tổ sư Morihei Ueshiba sau nhiều năm miệt mài tìm kiếm chân lý của võ thuật đã nói rằng: “Nguyên lý căn bản của võ thuật là tình yêu trời đất và vũ trụ”. Aikido không là gì khác hơn sự biểu hiện của tình thương. Trong hầu hết các ngành võ thuật ngày nay, người ta tưởng tượng ra một kẻ thù, hướng tất cả sự tập luyện của mình đến mục tiêu duy nhất: đánh ngã hắn. Điều đó giải thích tại sao người ta nói rằng Aikido đã vượt ra khỏi những ngành võ thuật vật chất, thể lực để đi đến một ngành võ thuật của tâm linh. Trời và đất là một. Nắm vững bất cứ ngành võ thuật nào cũng có nghĩa là vâng theo những quy luật tuyệt đối của trời đất, vũ trụ.

Được mệnh danh là môn võ thanh cao và khôn ngoan nhất, Aikido được biết đến là một phương pháp hữu hiệu để phát triển, toàn thiện, cùng sử dụng hết các khả năng của con người, cả về thể chất lẫn tinh thần.

Bài và ảnh: Nguyễn Cường

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (http://suckhoedoisong.vn/aikido-suc-khoe-va-tinh-thuong-yeu-n113357.html)

Chủ đề liên quan:

aikido mon vo aikido sức khỏe

Tin cùng nội dung

  • Viêm phế quản cấp là tình trạng nhiễm trùng cây phế quản, hệ thống ống mang khí đến hai lá phổi.
  • Thói quen uống rượu bia, hút Thu*c lá, thừa cân ở nam giới...không chỉ ảnh hưởng sức khỏe mà còn ảnh hưởng cả vấn đề sinh sản
  • Không khí bị ô nhiễm là không khí bị giảm chất lượng do nhiều nguyên nhân khác nhau như các loại khí, những giọt chất lỏng hay những phần tử nhỏ lơ lửng trong không khí.
  • Máy tính xách tay giúp cho chúng ta có thể làm việc linh hoạt và năng động hơn nhưng chúng cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh có liên quan đến lưng, cổ và vai.
  • Các động tác xoa bóp đúng cách và phù hợp với tình trạng từng thai phụ sẽ giúp họ nhanh chóng giảm những cơn đau và sự mệt mỏi.
  • Tất cả chúng ta đều có lúc cảm thấy căng thẳng. Cách đối mặt với căng thẳng sẽ quyết định ảnh hưởng của nó đối với chúng ta như thế nào. Khi có thể, hãy thực hiện các bước để ngăn chặn căng thẳng và khi không có thể, hãy cố gắng kiềm chế nó.
  • Ngay cả những người có sức khỏe tinh thần tốt đôi khi cũng có vấn đề về tình cảm hoặc bị các bệnh tâm thần. Bệnh tâm thần thường có một nguyên nhân vật lý, chẳng hạn như một sự mất cân bằng hóa chất trong não. Căng thẳng và các vấn đề với công việc, gia đình, trường học đôi khi có thể gây ra bệnh tâm thần hoặc làm cho nó tồi tệ hơn. Tuy nhiên, những người có sức khỏe tinh thần tốt học được cách để đối phó với sự căng thẳng và các vấn đề nảy sinh. Họ biết khi nào cần tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ
  • Tâm linh giúp bạn luôn tìm thấy ý nghĩa, niềm hy vọng, sự an ủi và bình yên nội tâm trong cuộc sống. Nhiều người tin vào tâm linh qua tôn giáo. Một số tin vào nó thông qua âm nhạc, nghệ thuật, kết nối với thiên nhiên. Những người khác tin vào tâm linh của bản thân qua các giá trị và nguyên tắc của họ.
  • Bài viết này giới thiệu một số lời khuyên giúp bạn khỏe mạnh và thoải mái khi đi du lịch nước ngoài.
  • Phụ nữ khi đang mang thai có rất nhiều việc cần phải lo nghĩ, tuy nhiên cũng nên cần phải lưu tâm đến sức khỏe răng miệng.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY