Dịch Covid-19 kéo dài, nhiều người lao động (NLĐ) lâm vào hoàn cảnh khó khăn, những bữa cơm hằng ngày bỗng chốc thành gánh nặng. "Tiền mua gạo còn không có, lấy đâu mua thịt, mua rau" - ông Nguyễn Văn Ngà (SN 1961) rơm rớm nước mắt kể cho chúng tôi nghe về những ngày vé số tạm ngừng phát hành, ông trắng tay vì thất nghiệp.
Ông Ngà ở trọ cùng chị gái trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 3, TP HCM). Những ngày mất việc vì dịch, ông rong ruổi khắp nơi, tìm kiếm bữa ăn qua ngày từ những người hảo tâm. Tình cờ biết đến "ATM thực phẩm miễn phí" đặt tại trụ sở Báo Người Lao Động (127 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3), ông đến sớm xếp hàng và nhận được một phần quà gồm 1 kg gạo và 1 hộp trứng gà. "Bấy nhiêu đây là chị em tôi đủ ăn mấy ngày rồi. Già rồi, ăn không nhiều nhưng phải ăn thì mới cầm cự qua ngày được" - ông rưng rưng nước mắt.
Từ phải sang: Ông Tô Đình Tuân - Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, ông Hồ Xuân Lâm - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, ông Trần Trọng Dũng - Chủ tịch Hội Nhà báo TP HCM - khai trương cây “ATM thực phẩm miễn phí”. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Sáng 17-4, "ATM thực phẩm miễn phí" với sứ mạng giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đặt tại trụ sở Báo Người Lao Động chính thức vận hành. Máy hoạt động liên tục các ngày trong tuần, sáng từ 9 giờ đến 10 giờ 30 phút, chiều từ 15 giờ đến 16 giờ 30 phút. Mỗi ngày máy cung cấp 150 phần thực phẩm thiết yếu đến tay những người có hoàn cảnh khó khăn. Chiếc máy được tài trợ và lắp đặt bởi Công ty ADAM (quận Tân Bình) với mong muốn mô hình làm từ thiện tiên tiến này có thể giúp được nhiều người nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho người nhận.
Không chen chúc, không tranh giành, giãn cách đúng quy định, từ sáng sớm, đông đảo người đã đến xếp hàng trước "ATM thực phẩm miễn phí" nhẫn nại chờ đến lượt. Họ là NLĐ tự do, bán vé số, chạy xe ôm, giúp việc... Có những cụ già hơn 80 tuổi, cũng có những đứa trẻ thay mẹ đến nhận phần thực phẩm hảo tâm để giúp gia đình vượt qua những ngày mất việc kéo dài. Vui vẻ, cảm kích là tâm trạng chung của những người nghèo tìm đến đây.
"Con nhận được gạo, còn nhận được trứng. Con thích ăn trứng lắm, em con cũng thích nữa!" - bé Nguyễn Ngọc Như (SN 2009) hớn hở nói sau khi ấn nút và nhận được một phần thực phẩm từ chiếc máy "ATM thực phẩm miễn phí". Như và em trai 4 tuổi sống cùng mẹ là chị Nguyễn Thị Hạnh. Chị Hạnh làm công nhân ở quận Bình Tân, từ ngày dịch bùng phát, chị mất việc khiến cuộc sống của 3 mẹ con càng thêm khó khăn. Sáng sớm, vừa đọc được thông tin về "ATM thực phẩm miễn phí" trên Báo Người Lao Động, hai mẹ con tranh thủ chở nhau từ phòng trọ sang quận 3. Chị Hạnh trông xe để con gái vào xếp hàng. Cầm trên tay món quà, chị Hạnh tấm tắc: "Hay quá, tôi nghe người ta có máy phát gạo rồi nhưng đây là lần đầu thấy máy phát được cả gạo lẫn đồ ăn. Người hảo tâm lại chu đáo quá!".
Những ký gạo, những quả trứng gà, những phần xúc xích, mì ăn liền, thịt, cá hộp… thắm đượm tình người đã được cho đi như thế. Đó là điều "kỳ diệu" mà chiếc máy "ATM thực phẩm" này đã và đang thực hiện với thông điệp: "Nếu khó khăn hãy lấy một phần. Nếu bạn ổn xin hãy nhường cho người khác".
Ngay trong buổi sáng 17-4, "ATM thực phẩm miễn phí" đã được nhiều nhà hảo tâm quan tâm, đến chung tay cùng Báo Người Lao Động. "Chiếc máy ATM này rất hay, rất thiết thực. Hay nhất là mỗi lần cho không quá nhiều, vì thế khó kích thích lòng tham của người nào đó muốn lợi dụng. 9 giờ sáng vừa biết được thông tin này, tôi chạy ngay ra siêu thị mua 8 bao gạo, mì ăn liền và dầu ăn mang đến đóng góp để cùng chia sẻ với bà con trong thời điểm này" - cô Trang (SN 1947; ngụ phường 7, quận 6, TP HCM), một trong số những nhà hảo tâm đã góp thêm yêu thương cho những phần quà từ "ATM thực phẩm miễn phí", chia sẻ.
Những chuyến xe của các nhà hảo tâm muốn góp gạo, góp sức cứ thế luân phiên nhau tìm đến. Chiếc máy ATM đặc biệt trở thành cầu nối của những tấm lòng thơm thảo gửi đến NLĐ nghèo giữa đại dịch. Tính đến sáng 17-4, "ATM thực phẩm miễn phí" đã được ủng hộ hơn 10 tấn gạo, 9.000 quả trứng gà, hàng trăm thùng xúc xích, đồ hộp.
Phát biểu tại buổi khai trương "ATM thực phẩm miễn phí", ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, cho biết: "Chương trình sẽ được duy trì đến khi đại dịch kết thúc. Bên cạnh đó, chúng tôi đang tiếp tục vận động doanh nghiệp hỗ trợ thêm các loại thực phẩm khác để bữa cơm của NLĐ đầy đủ hơn, cung cấp năng lượng, thêm sức khỏe vượt qua đại dịch thành công".
Ông Hồ Xuân Lâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, đánh giá: "Đây là chương trình hết sức ý nghĩa của Báo Người Lao Động, góp phần hỗ trợ NLĐ đang gặp khó khăn có bữa cơm gia đình trọn vẹn hơn trong đại dịch Covid-19".
Khi hay tin Báo Người Lao Động tổ chức tặng thực phẩm cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong dịch Covid-19, chúng tôi lập tức tham gia. Chúng tôi rất vui và vinh hạnh được đồng hành với Báo Người Lao Động chia sẻ, thực hiện chương trình cây "ATM thực phẩm miễn phí" nghĩa tình này. Trước mắt, Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt sẽ hỗ trợ trứng tươi cho chương trình trong 10 ngày. Sau đó, nếu chương trình còn tiếp diễn, chúng tôi sẽ làm việc với báo để thống nhất hình thức hỗ trợ tiếp theo.
Từ cây ATM gạo miễn phí đầu tiên tại TP HCM, nhiều địa phương trên cả nước đã có những cây ATM gạo tương tự. Cây "ATM thực phẩm miễn phí" tại Báo Người Lao Động là sự sáng tạo vì ngoài gạo còn có thực phẩm, đồ uống của các doanh nghiệp, cá nhân gửi đến cộng đồng. Hy vọng việc làm đầy ý nghĩa và sự tử tế này sẽ tiếp tục lan tỏa đến nhiều địa phương để có nhiều hơn nữa người nghèo, người có hoàn cảnh khó khan được chăm lo.
Đến ngày 17-4, Báo Người Lao Động đã nhận được sự chung tay góp sức của các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp: Công ty ADAM (A15-17, đường Bạch Đằng 1, quận Tân Bình, TP HCM) tặng 1 máy phát thực phẩm tự động (ATM thực phẩm); Bệnh viện Thẩm mỹ JW Hàn Quốc: 2 tấn gạo; Công ty TNHH Lương thực Phương Đông (ấp Tân Lộc A, xã Tân Dương, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp): 2 tấn gạo; Công ty CP Gentraco TP Cần Thơ: 2 tấn gạo; Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN) tặng 500 phần quà gồm xúc xích và đồ hộp; Công ty TNHH TM- DV Thiết bị điện Hùng Vương (quận Thủ Đức, TP HCM): 1 tấn gạo; ca sĩ Bích Thủy - đại diện Tập đoàn An Nông: 1 tấn gạo; Quỹ Tâm Đức - khối DVNH & TCCN Techcombank: 1 tấn gạo; Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (350/25 Quốc lộ 1A, phường An Phú Đông, quận 12, TP HCM): 9.000 trứng gà; NSND Lệ Thủy: 1 tấn gạo; ông Thái Ngô Dũng (quận Tân Bình): 500 kg gạo; ông Lê Ngọc Thịnh (quận 2, TP HCM): 500 kg gạo; ông Trần Văn May (số 8 đường 25, phường 10, quận 6, TP HCM): 200 kg gạo; bà Trương Công Hội (phường Tân Định, quận 1, TP HCM): 10 triệu đồng; ông Võ Văn Nhã (doanh nghiệp quận 3, TP HCM): 30 thùng mì, cá hộp, nước tương...
Để chương trình được nhân rộng và lan tỏa, Báo Người Lao Động mong muốn nhận được sự hỗ trợ, chung tay của cộng đồng. Các doanh nghiệp, cá nhân và tập thể có thể đóng góp tiền mặt thông qua tài khoản: Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam Chi nhánh TP HCM; số tài khoản: 117000004884; đơn vị tiếp nhận: Báo Người Lao Động; nội dung: Cùng Chính phủ chống dịch Covid-19. Hoặc có thể tặng hiện vật (gạo, xúc xích, mì gói, thực phẩm đóng gói khác), địa điểm tiếp nhận: Trụ sở Báo Người Lao Động - số 127 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, TP HCM.
Tất cả thông tin đóng góp của các cá nhân và tập thể đồng hành sẽ được Báo Người Lao Động đưa tin và công khai cảm ơn trên báo.