Khách sạn Gic Land nơi góc phố Lê Duẩn giao Ngô Gia Tự chiều 6/8 đón một đoàn khách đặc biệt. Đó là đoàn y, bác sĩ từ Bình Định ra chi viện cho Đà Nẵng chống dịch. Họ là 25 gương mặt trẻ, khỏe và phù hợp điều kiện nhất đã được Sở Y tế Bình Định chọn lọc trong danh sách hơn 100 y, bác sĩ đăng ký tình nguyện đi Đà Nẵng chống dịch đợt này.
Bác sĩ trẻ Thủy Tiên tình nguyện ra Đà Nẵng chống dịch Covid-19. Ảnh: Q.HẢI |
Mỗi người một chuyên môn, nhưng điểm chung ở họ là mang trong mình nhiệt huyết tuổi trẻ, khát khao cống hiến cho xã hội, ở đây là giúp Đà Nẵng đẩy lùi đại dịch Covid-19. Thế nên, ai cũng nóng lòng được xông pha ra nơi tuyến đầu chống dịch. Như cách chia sẻ của Nguyễn Hữu Thủy Tiên (sinh năm 1994, bác sĩ Khoa Tai - Mũi - Họng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định), phải cống hiến năng lực và sức trẻ của mình!
Cũng như mọi người, khi nghe tin dịch ở Đà Nẵng trên tivi, báo chí thì Tiên rất hoang mang, nhưng nhanh chóng thể hiện trách nhiệm của một người trẻ. “Khi nhìn thấy mức độ quá tải của các bác sĩ ở Đà Nẵng, những gương mặt mệt mỏi, căng thẳng của họ sau mỗi ca trực, em đồng cảm và muốn chia sẻ những nỗi khó khăn, mệt nhọc với đồng nghiệp. Với cương vị một bác sĩ trẻ, phải cống hiến năng lực và sức trẻ của mình”, Thủy Tiên nói về quyết định đăng ký tình nguyện đợt này.
Quyết định tình nguyện ra Đà Nẵng “chia lửa” với đồng nghiệp của Thủy Tiên ban đầu chưa được ba mẹ ủng hộ hoàn toàn. Cũng dễ hiểu thôi vì bậc làm cha, làm mẹ ai chẳng lo lắng cho con cái, nhất là thân gái xông pha ra tâm dịch phải đương đầu biết bao gian nan, khổ cực, và cả nguy cơ lây nhiễm.
“Em chắc chắn ba mẹ biết đây là quyết định đúng đắn của con. Nhưng vì lo lắng cho con nên ban đầu ba mẹ chưa đồng ý. Em thuyết phục ba mẹ rằng con còn trẻ, con có sức đề kháng, con có sức khỏe. Con cũng có chuyên môn nên tự bảo vệ mình được trước virus Corona, nên ba mẹ đồng ý”, Thủy Tiên chia sẻ.
''Chúng em quyết tâm bao giờ Đà Nẵng ổn định, dập tắt được dịch thì mới trở về'', bác sĩ Thủy Tiên chia sẻ. Ảnh: Q.HẢI |
Cả thế giới đang trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, mà ở đó đội ngũ y, bác sĩ là những chiến sĩ thầm lặng nơi tuyến đầu. Biết đương đầu với Covid-19 là đối mặt nguy hiểm, nhưng Thủy Tiên và những đồng nghiệp của mình lại nóng lòng được sớm xông pha.
“Tất cả mọi người đăng ký tham gia đợt này đều rất nhiệt huyết. Mọi người đều nóng lòng hỗ trợ Đà Nẵng càng sớm càng tốt. Tất cả đều biết ngày trở về không rõ nên ai cũng chuẩn bị tốt cho bản thân, gia đình, hậu phương ở nhà”, Thủy Tiên thể hiện lòng nhiệt huyết tuổi trẻ.
Trước khi lên đường, Thủy Tiên và đồng nghiệp đã được cơ quan, Sở Y tế Bình Định tập huấn cách mặc, tháo trang phục, cách phòng hộ, tự bảo vệ bản thân. Trước khi “xung trận”, họ cũng sẽ được trang bị thêm nhiều kiến thức phòng, chống dịch. Bởi thế, Thủy Tiên tự tin: “Em và mọi người rất yên tâm, chẳng lo lắng gì cả”.
Ngay mai, ngày kia và có thể rất nhiều ngày tới, Thủy Tiên và đồng đội của mình sẽ mặc những bộ đồ bảo hộ nóng nực, khó chịu để xông lên nơi tuyến đầu chống dịch. Họ sẽ bắt đầu chuyến công tác đặc biệt của nghề y, và lòng không hề nao núng với khẩu hiệu: “Trước khi lên đường, chúng em quyết tâm bao giờ Đà Nẵng ổn định, dập tắt được dịch thì mới trở về”.
Đoàn y, bác sĩ Bình Định thể hiện quyết tâm chia lửa cùng Đà Nẵng. Ảnh: Q.HẢI |
Và hơn bao giờ hết, trong hành trang của Thủy Tiên cũng như các y, bác sĩ lúc này, thứ không thể thiếu là một hậu phương vững chắc, để họ an lòng cống hiến cho xã hội. Bởi thế, tôi thấu hiểu lời nhắn gửi của Thủy Tiên: “Con phải đi để hoàn thành sứ mệnh của mình với nhiệt huyết tuổi trẻ, và con sẽ trở về. Ba mẹ đừng lo lắng gì cả!”.
Thủy Tiên và hàng ngàn y, bác sĩ khác đang ngày đêm căng mình nơi tuyến đầu chống dịch đang viết thêm câu chuyện đẹp của ngành y nước nhà. Đó là câu chuyện của y đức trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh. Chúc cho những thiên thần áo trắng luôn nhiều sức khỏe, vững tin nơi tiền tuyến!