Phóng sự hôm nay

Bâng khuâng Trường Sa

Còi tàu hú vang 3 tiếng dài chào đảo, bắt đầu hành trình hơn 200 hải lý quay về bờ, chúng tôi lặng yên nhìn về phía nhà giàn DK1/16 Phúc Tần.

Vậy là hành trình về Tổ quốc nơi đầu sóng đang khép lại. Bâng khuâng mây trời Trường Sa, trong lòng mỗi chúng tôi trào dâng cảm giác tự hào xen lưu luyến...

Suốt hải trình gần 1.000 hải lý trong 10 ngày, tôi chứng kiến cảnh bịn rịn trước lúc chia tay của nhiều bạn trẻ dành cho các chiến sĩ làm nhiệm vụ ở đảo, tổ phục vụ trên tàu Trường Sa 571. Ở đó có những giọt nước mắt, lời động viên, cái bắt tay, cái ôm thật chặt và những lời hứa “hẹn gặp lại”...

Tờ báo Sức khỏe&Đời sống đến với lính đảo Trường Sa.

Sau 8 tháng, ôn lại kỷ niệm những ngày được ở Trường Sa, khi đặt bút viết những dòng này cũng là lúc bản tin dự báo thời tiết cho thấy cơn bão số 8 mang tên quốc tế Phanfone vẫn đang vần vũ giữa biển Đông với sức gió mạnh nhất gần tâm bão cấp 12 - 13, biển động dữ dội. Lòng tôi thắt lại nhớ về lời kể của các chiến sĩ khi đối mặt với biển động mà lòng thêm cảm phục các anh. Biển động, tàu phải chạy ngang sóng, lắc lư như chiếc lá giữa biển. Tàu buộc phải nằm ngoài khơi cả tuần mà không thể vào đảo vì sóng lớn. Từ gà, lợn, đến cả mấy chú chim cũng say sóng lử đử, mấy cuộn lá dong cũng ít nhiều xơ xác.

Cậu lính trẻ trên tàu 571 kể về chuyến đi gặp ngày mưa bão, “hồn nhiên như cô tiên”: Biển động. Ngoài trời, mây đen vần vũ. Bầu trời như cái bát úp mà đáy bát ngày càng bị thu hẹp lại bởi những đám mây đen kéo tới và chuyển động mỗi lúc một nhanh hơn. Mũi tàu bị sóng đánh nhấc bổng lên rồi rơi đánh rầm xuống mặt biển khiến bọt sóng bắn tung tóe khắp boong tàu. Lính chúng em quen rồi!

Từ Sinh Tồn, Song Tử đến Trường Sa Lớn, Nam Yết, Sơn Ca..., gây ấn tượng với chúng tôi là những màu xanh rất đỗi yêu thương trên khắp quần đảo. Với những ai đã và đang công tác, sinh sống ở Trường Sa mới cảm nhận hết được sự thiêng liêng đến diệu kỳ.

Rau xanh được các chiến sĩ chăm chút hơn bản thân mình.

Những ngày đi khắp Trường Sa, chúng tôi không thể kìm nén cảm xúc tự hào khôn xiết về Trường Sa. Ở mỗi điểm đảo, chúng tôi đều được chứng kiến hình ảnh kiên cường, kiêu hãnh của chiến sĩ hải quân đang ngày đêm canh giữ đất trời nơi tiền tiêu của Tổ quốc. Những ánh mắt trẻ thơ trong sáng giữa trời lồng lộng gió. Đảo xanh ngàn đời nay vẫn thế, lớp lớp cha anh đi ra biển lớn, kiên dũng vẽ nên hình hài Tổ quốc. Trường Sa vẫn kiêu hãnh và vững vàng giữa trùng dương sóng vỗ. Có đi Trường Sa mới biết, một tấc đất ở đảo quý giá và thiêng liêng. Mỗi hòn đá, cây xanh, công trình ở đảo đều thấm đượm giọt mồ hôi lẫn máu của bao thế hệ người Việt Nam đi canh giữ đất trời, quê hương.

Ở Song Tử Tây - hòn đảo điểm cực Tây của Trường Sa nổi tiếng với đàn bò duy nhất cả đảo. Đi từ cầu tàu vào đảo, gặp đàn bò tha thẩn gặm cỏ mà thân thương như đang ở đất liền. Bò Song Tử Tây thong dong tự tại vì lúc nào cũng được thả rông, nằm lười dưới bóng mát của những cây bàng vuông, cây tra. Vườn hoa Song Tử Tây vẫn rực rỡ màu đỏ của hoa mười giờ, hoa giấy.

Đảo Sơn Ca ít cây hơn, nhưng có cả một vườn hoa mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Giữa đảo còn có một hòn non bộ kỳ công làm từ san hô, thêm một chú đồi mồi bơi tung tăng chẳng quan tâm gì thế sự. Đảo Sinh Tồn ngoài những cây đặc trưng của Trường Sa chủ yếu như bàng vuông, phong ba, bão táp..., bây giờ, đảo đã có một số loại cây trồng được mang ra từ đất liền mà số nhiều là dừa, phát triển xanh tốt.

Đảo Nam Yết như một xã trong đất liền. Cây xanh và nhất là cây dừa được trồng và chăm sóc rất đẹp. Nam Yết nổi bật với những rặng dừa xanh ngắt như thách thức nắng gió khơi xa. Đi giữa đảo như được sống giữa quê hương Bến Tre anh hùng.

Đến với lính đảo chìm ở Trường Sa, Tết này đã khác, nhà văn hóa đa năng 3 tầng khang trang có đầy đủ trang thiết bị thể thao, chiếc đàn ghi-ta... để anh em ca những bài hát đón xuân giữa biển cùng tiếng sóng vỗ ầm ầm vào bờ, át tiếng gió rít xua đi nỗi buồn xa nhà.

Niềm vui của các cô gái khi gặp gỡ lính đảo.

Không khí Tết đối với người lính ở đảo Trường Sa dường như đến sớm hơn so với mọi nơi. Đó là khi các anh được đón nhận tấm lòng ấm áp của hậu phương hướng về hải đảo thông qua những chuyến tàu chở hàng Tết ra biển đảo - trước Tết hơn 1 tháng. Quà Tết đến với người lính cũng khá đủ đầy, mang đậm hương vị ngày Tết. Từ những thực phẩm tươi sống cho đến cành mai, cây quất sẽ làm sắc xuân ngập tràn trên những hòn đảo. Ngoài những hương vị đặc trưng ngày Tết phải có bánh chưng, thịt lợn thì lính đảo cần và mong muốn nhất trong bữa ăn là có rau xanh - thứ thực phẩm khiến người lính đảo chìm chăm chút hơn cả bản thân mình. “Ở đây có các đồng chí, đồng đội, có các anh... Tết ở đây rất vui, tâm trạng của tôi rất khó tả”, Trung sĩ Nguyễn Duy Phương đang công tác trên đảo Song Tử Tây chia sẻ.

Tết ở Trường Sa thật đặc biệt, không một phiên chợ Tết cũng chẳng có chợ hoa, nhưng không khí đón xuân thật rộn ràng trên khắp quần đảo. Giữa mênh mông cát trắng, xen lẫn màu xanh của những tán bàng vuông, màu đỏ hồng rực rỡ của những nhành hoa giấy, màu trắng tinh khôi của hoa phong ba... Tất cả như đang hòa quyện vào nhau, tô điểm cho không khí xuân nơi trùng khơi thêm phần thú vị. “Trường Sa mãi là quê hương thứ hai của mình. Bữa cơm tất niên, nhà nào cũng có một mâm cơm cúng tổ tiên. Mình cũng gói ít bánh chưng, bánh tét và làm ít mứt gừng, mứt dừa đơm lên bàn thờ cho không khí Tết vui tươi hơn”, anh Ngô Thành Được đang ở đảo Song Tử Tây cho biết.

Đêm Giao thừa, lính trẻ ở đảo Trường Sa Lớn và các đảo nổi khác giao lưu văn nghệ, lính ở đảo chìm tham gia hái hoa dân chủ. Đặc biệt, Tết ở Trường Sa hội tụ nền văn hóa trên mọi miền đất nước, nào là những đòn bánh tét, cành mai vàng rực rỡ của phương Nam hay những đòn bánh chưng, bánh dày và cành đào đỏ thắm của phương Bắc... Tất cả tô thêm vẻ đẹp hùng vĩ nơi đây. Tết ở đảo nhờ có hậu phương, lá dong giờ có đủ, nhưng lính đảo vẫn không quên thêm vào lá bàng vuông. Vị bánh có nồng hơn, nhưng là vị đặc trưng của Trường Sa. Lá bàng vuông hái xong, phải hơ qua lửa cho mềm rồi lau sạch mới dùng được. Tết của người lính có hương vị của quê hương, mùi nồng nồng biển cả.

Gặp mặt rồi chia ly, cuộc đời vẫn thế...”, nhưng những giây phút chia tay ở Trường Sa lại mang cảm xúc thiêng liêng mà ai chưa đặt chân đến nơi này sẽ khó cảm nhận được. Ở mỗi đảo nơi chúng tôi đến, tuy điều kiện còn nhiều khó khăn thiếu thốn nhưng những người lính luôn dành cho đoàn công tác những tình cảm chân thành nhất.

Tạm biệt nhé Trường Sa, nơi ấy là máu thịt của Tổ quốc, là nơi tình yêu của đất liền, của triệu triệu người dân Việt Nam luôn hướng về!

Trong thời khắc Giao thừa chuyển sang năm mới, giữa mênh mông biển trời Tổ quốc, từ trong huyết quản mỗi người lại trào dâng niềm tự hào xúc động. Tự hào bởi được góp sức, nhân dân trao gửi niềm tin giữ biển đảo. Tự hào bởi ở đất liền bao người thân đang hướng về đảo xa với tất cả niềm thương nhớ vô bờ. Chính niềm tự hào ấy đã hóa thành chí lớn, nghĩa cao, đức cả mà chỉ những con người ở Trường Sa mới cảm nhận hết được sứ mệnh, nghĩa vụ lớn lao với chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Anh Văn

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/bang-khuang-truong-sa-n167862.html)

Chủ đề liên quan:

bâng khuâng trường sa

Tin cùng nội dung

  • Lá có mùi thơm hắc, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, Công dụng, chỉ định và phối hợp, Dân gian dùng cành lá sắc nước uống trị cảm sốt
  • Mới học đến lớp 7, nhưng bà Hoàng Thị Sửu (TP Đồng Hới, Quảng Bình) mạnh dạn mở xưởng đóng tàu công suất đến nghìn mã lực, vươn khơi vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa.
  • Vào 10h ngày 3/9, tổ bay trực thăng Mi 171 từ Trường Sa do thượng tá phi công Ngô Vi Sơn, Chủ nhiệm bay, lái chính Trung đoàn Không quân 917 đã hạ cánh xuống khu vực quân sự sân bay Tân Sơn Nhất
  • Nếu là lực lượng nước ngoài chiếm đảo, chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng, nhưng khi nghe tiếng miền Bắc kêu gọi đầu hàng, chúng tôi đã buông súng, Thiếu tướng Mai Năng nhắc lại lời một viên chỉ huy Việt Nam Cộng hòa bị bắt làm tù binh ở Trường Sa năm 1975.
  • Sang ngày thứ 7, tàu của chúng tôi chính thức đặt chân lên Cô Lin, điểm đảo chỉ nhỏ như một vết chấm trên bản đồ, song đã đi vào lịch sử nước nhà
  • Mình hiểu tâm trạng của một người vợ cảnh sát biển đang công tác tại nơi đầu sóng ngọn gió, nơi Trường Sa thân yêu
  • Khi bước chân lên đảo Song Tử Tây, một hòn đảo lớn ngự phía cực Bắc quần đảo Trường Sa, điều đầu tiên khiến tôi reo lên một cách ngỡ ngàng...
  • Giữa muôn trùng sóng gió, quân và dân huyện đảo Trường Sa vẫn tràn đầy niềm tin canh giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.
  • Vượt ra ngoài ranh giới của Thánh địa Mỹ Sơn, của văn hóa Chăm, khèn Saranai đã đến với mảnh đất Trường Sa hết sức tình cờ. Chính sự tình cờ này đã tạo nên một món quà tinh thần vô cùng ý nghĩa và đặc biệt.
  • Cán bộ Trạm Khí tượng hải văn Trường Sa Lớn là những người không thể thiếu trong việc góp phần giúp ngư dân yên tâm bám biển
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY